Ngày cập nhật 2024-12-27 21:30:00

Gaslighting là gì? Dấu hiệu của thao túng tâm lý công sở

Gaslighting là gì? Gaslighting - thao túng tâm lý, là một thuật ngữ được nhiều người nhắc đến, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về ý nghĩa và nguồn gốc của nó. Hiện tượng này thường xảy ra phổ biến trong đời sống, từ tình yêu cho đến môi trường công sở. Vây làm thế nào để nhận biết dấu hiệu bạn đang bị thao túng? Cách để đối phó với nó? Cùng Tanca tìm hiểu chi tiết qua bài viết sau.

Gaslighting là gì? Nguồn gốc của Gaslighting

Gaslighting la gi

Gaslighting là một hình thức lạm dụng tinh thần mà trong đó một người sử dụng một loạt các kỹ thuật mánh khóe để khiến người khác nghi ngờ vào khả năng nhận thức và trí nhớ của mình.

Thông qua việc làm hoài nghi tư duy và trải nghiệm cá nhân của người khác, kẻ gaslighting tìm cách thao túng và kiểm soát họ. Những kẻ thao túng sử dụng ngôn ngữ để khiến nạn nhân sợ hãi và mất niềm tin vào bản thân.

Thường xuyên nghi ngờ bản thân có thể dần dần khiến nạn nhân kém tự tin và dễ bị ảnh hưởng tác động bên ngoài. Đây là một quá trình chậm rất khó phát hiện. Lúc đầu, bạn thậm chí có thể có cảm thấy tội lỗi khi nghi ngờ kẻ đang thao túng mình.

"Gaslighting" xuất phát từ một vở kịch người Anh năm 1938 có tên "Gas Light" và các bản chuyển thể phim sau này. Nội dung kể về một người chồng sử dụng nhiều phương pháp để khiến vợ mình tin rằng cô ấy đang điên dại. Ông ta thậm chí thay đổi cường độ ánh sáng của đèn gas trong nhà và sau đó phủ nhận sự thay đổi đó, tạo ra cảm giác bất ổn và hoang mang cho người vợ.

Gaslighting có thể xảy ra trong nhiều môi trường khác nhau, từ mối quan hệ gia đình, tình yêu đến nơi làm việc. Thậm chí là ở cấp độ xã hội và chính trị.

Xem thêm: Ghosting là gì trong công việc?

Tại sao người ta lại cố gắng thao túng tâm lý người khác?

thao tung tam ly

Người ta có thể gaslighting với mục đích thao túng, kiểm soát và lấy lợi ích từ người khác. Điều này thường xảy ra trong các mối quan hệ không lành mạnh, nơi một bên cố gắng chi phối và có quyền lực hơn người kia. Dưới đây là một số lý do chính:

Kiểm soát: Gaslighting giúp cho kẻ lạm dụng kiểm soát cảm xúc và hành động của nạn nhân. Khi nạn nhân bị làm cho rối loạn và hoang mang, họ có xu hướng phụ thuộc nhiều hơn vào kẻ đó.

Tự bảo vệ: Kẻ gaslighting có thể sử dụng kỹ thuật này để bảo vệ chính mình khỏi sự chỉ trích, tránh trách nhiệm cho hành động sai trái của họ. Họ có thể làm cho người khác nghi ngờ vào nhận thức của mình về sự việc để tránh bị gán tội.

Đạt được mục tiêu cá nhân: Kẻ gaslighting có thể sử dụng kỹ thuật thao túng để đạt được mục tiêu cá nhân của họ, bất kể nó có hại đến người khác như thế nào.

Nhìn chung, gaslighting là một hình thức lạm dụng tinh thần nghiêm trọng và có thể gây ra nhiều hậu quả xấu cho nạn nhân. Bao gồm cảm giác mất tự tin, rối loạn tâm lý, tệ hơn có thể gây suy nhược cả về thể chất và tinh thần.

Xem thêm: Những lý do xin nghỉ việc hợp lý

Dấu hiệu của thao túng tâm lý gaslighting nơi công sở

dau hieu cua thao tung tam ly

Để tránh trở thành con rối của “vở kịch” thao túng tâm lý tại môi trường công việc, bạn cần chú ý các dấu hiệu phổ biến sau:

Thể hiện qua lời nói, hành động

Hành vi thao túng trước hết được thể hiện qua lời nói. Mục đích của những người này là khiến bạn nghi ngờ bản thân, lạc lối trong những suy nghĩ của chính mình. Rồi dần dần nghe theo họ và thay đổi hướng đi. Một số hình thức của "gaslighter" có thể bao gồm:

"Anh/chị nói như vậy là vì lo lắng cho em"

"Anh chưa bao giờ nói thế. Em thấy anh có sai không?"

"Làm gì nghĩ nhiều như vậy? Cũng có gì to tát đâu!"

Liên tục đổ lỗi

Một cách khác để thao túng tâm lý là liên tục đổ lỗi, đùn đẩy trách nhiệm cho người khác. Nếu ở nhà có cha mẹ đổ lỗi cho con cái để chứng tỏ mình đúng, thì ở nơi làm việc nhiều bạn cũng gặp tai họa này trong khi không phải lỗi của mình.

Cố tình bóp méo sự thật

Nói ngược lại với những gì đã xảy ra là dấu hiệu phổ biến nhất trong một loạt các hành vi thao túng. Bằng cách phủ nhận sự thật, người kia khiến nạn nhân bị thao túng tự hỏi liệu họ có phải là người có vấn đề hay không. Thái độ tích cực của bạn đôi khi có thể bị coi là tiêu cực.

Khiến bạn không ngừng nghi ngờ giá trị bản thân

Khi bạn nhờ đồng nghiệp, sếp hoặc bất kỳ ai khác giúp đỡ và hướng dẫn, bạn sẽ nhận được những câu trả lời như "Tại sao bạn cứ hỏi mãi?" Hoặc "có vậy cũng không làm được à?". Điều đó có thể khiến bạn cảm thấy mình phiền phức, không có giá trị đối với đội nhóm, không tin tưởng vào năng lực của bản thân.

Họ hay “quên”

Ngoài việc phủ nhận sự thật, một số người thường lấy lý do đã quên những gì đã xảy ra, khiến bạn không có cơ sở để chất vấn họ. Ví dụ: họ "quên" thông báo cho bạn về cuộc họp nhóm hoặc họ "quên" bạn đã làm gì trong một dự án chung.

Trốn tránh trách nhiệm hoặc hạ thấp giá trị và công sức của người khác, những trường hợp này đã không ít lần xảy ra ở môi trường công sở đối với những kẻ thích chơi chiêu trò thao túng tâm lý.

Liên tục chỉ trích người khác

Khi bạn liên tục nhận được những lời chỉ trích thay vì lời khuyên mang tính xây dựng, bạn cũng có khả năng sẽ nổi giận. Nếu đối phương cố tình chỉ trích bạn ở nơi công cộng mà hề có thiện chí, nhất định bạn sẽ bị tổn thương lòng tự trọng và cảm thấy thất vọng về bản thân. Bạn sẽ cảm thấy rằng dù bạn có cố gắng thế nào vẫn không đủ.

Luôn lấy sự quan tâm làm cái cớ

Một số người thường dùng sự quan tâm hay tình cảm giả tạo để biện minh cho hành động gaslighting người khác của mình. "Làm điều này/nói điều đó vì lo lắng cho bạn" là cách họ tránh bị chỉ trích khi bạn nhận thấy hành vi bất thường của họ.

Bạn luôn là tâm điểm của sự bàn tán

Một dấu hiệu khác cho thấy bạn là nạn nhân của sự thao túng tâm lý là khi bạn nhận thấy ai đó đang vu khống, bôi xấu mình. Nếu một đối tượng nhắm đến bạn, họ có thể lan truyền và lan truyền những câu chuyện không hay về bạn.

Bàng cách khiến người khác tránh xa bạn, họ khiến bạn cảm thấy mình là kẻ xấu, kẻ bị ruồng bỏ và cô lập.

Bạn dần bị loại khỏi những dự án và quyết định quan trọng

Lúc đầu thì “quên”, lâu dần họ liên tục loại bạn khỏi những dự án hay quyết định quan trọng của đội nhóm.  Khi bạn nhận thấy rằng vai trò của mình đang dần bị phớt lờ và bạn không được phép tham gia vào các dự án này, thì rất có thể bạn đang nằm trong tầm ngắm của gaslighting.

Xem thêm: 8 lý do ảnh hưởng đến quyết định nghỉ việc

Hậu quả của việc gaslighting người khác

hau qua cua gaslighting

Gaslighting tại nơi làm việc có thể gây ra nhiều hậu quả tiêu cực không chỉ cho cá nhân bị lạm dụng mà còn ảnh hưởng đến môi trường làm việc và văn hóa doanh nghiệp. Dưới đây là một số hậu quả tiêu biểu:

Suy giảm năng suất làm việc: Người bị gaslighting thường phải đối mặt với sự mất tập trung, giảm khả năng đưa ra quyết định và luôn cảm thấy mệt mỏi, gây ảnh hưởng đến năng suất làm việc.

Sức khỏe tinh thần: Gaslighting có thể gây ra stress, trầm cảm, lo âu và cảm giác mất tự tin. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc mà còn gây hại cho sức khỏe tinh thần của người bị lạm dụng.

Tăng khả năng nghỉ việc: Người bị gaslighting thường cảm thấy bất lực và mất định hướng, dẫn đến việc họ có thể quyết định nghỉ việc, gây ảnh hưởng đến độ ổn định nhân sự.

Môi trường làm việc tiêu cực: Gaslighting có thể tạo ra một môi trường làm việc đầy áp lực, không khí căng thẳng và độc hại. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến người bị gaslighting mà còn có thể làm giảm động lực của tất cả nhân viên.

Gaslighting là một hành vi lạm dụng tinh thần nghiêm trọng và không nên được chấp nhận trong bất kỳ môi trường nào. Đặc biệt là nơi làm việc.

Xem thêm: Cách viết thư từ chối nhận việc kéo léo

Cách đối phó với gaslighter tại nơi làm việc

Gaslighting để lại những vết thương sâu không thể tưởng tượng được đối với tâm hồn của bất kỳ cá nhân nào. Vì vậy, để tránh trở thành nạn nhân và không lún quá sâu vào tình huống này, bạn có thể làm những điều sau:

Phớt lờ hành động của những người muốn thao túng bạn

Mục đích của họ là hạ bệ bạn và khiến bạn nghi ngờ giá trị của mình. Vì vậy, thay vì tìm hiểu lý do tại sao họ lại đối xử với bạn như vậy, hãy dành thời gian chăm sóc bản thân và bỏ qua những điều tiêu cực.

Quản lý công việc tốt hơn

Ở nơi làm việc, họ có xu hướng mắng mỏ, kiếm cớ gây sự với bạn về các vấn đề liên quan công việc. Vì vậy, khi làm bất cứ điều gì bạn nên giữ lại bằng chứng về những gì bạn đã làm, để họ không thể bẻ cong thực tế và chĩa mũi rìu vào bạn.

Nhận sự giúp đỡ từ người khác

Nếu ai đó muốn soi xét công việc của bạn và tìm ra lỗi, hãy nhờ người có trình độ tương đương hoặc cao hơn đưa ra phản hồi cho bạn.

Nếu kẻ đó cố tình đẩy bạn ra khỏi công việc quan trọng, hãy nhờ người mà bạn tin tưởng thông báo cho bạn khi có điều gì đó xảy ra mà bạn không được thông báo. Rồi đem bằng chứng này dằn mặt kẻ đang muốn chơi xấu bạn. 

Luôn tin tưởng vào chính mình

Dù bằng cách nào đi chăng nữa, điều quan trọng nhất vẫn là xây dựng niềm tin vào bản thân. Khi bạn lắng nghe chính mình và xác định được mọi mục tiêu, cơ sở để hành động thì không ai có thể lay chuyển được nhận thức của bạn.

Tìm cho mình một môi trường mới

Sự hiện diện gaslighting cho thấy môi trường làm việc độc hại và bạn không thể nào phát triển và gắn bó lâu dài được. Nếu bạn cảm thấy môi trường này không còn phù hợp với mình nữa, bạn có thể rời đi và tìm một nơi mới lành mạnh hơn và phù hợp hơn.

Hiểu rõ về Gaslighting là gì và những dấu hiệu nhận biết không chỉ giúp bạn bảo vệ bản thân mà còn giúp bạn hỗ trợ những người xung quanh nếu gặp tình huống tương tự. Đừng ngần ngại tìm kiếm sự giúp đỡ nếu bạn cảm thấy mình có thể đang là nạn nhân của Gaslighting. Hãy luôn nhớ rằng, không ai có quyền làm bạn mất niềm tin vào chính mình. Cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm và theo dõi bài viết của Tanca.

Lê Thị Thuỳ Vi
Bài viết mới
Bài viết liên quan