Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng về thách thức và cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam trong tình hình dịch bệnh COVID-19 đang làm đình trệ và gây thiệt hại lớn cho hoạt động kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp.
Covid-19 mang đến xu hướng “nền kinh tế tại nhà”
Trong thời gian dịch COVID-19 hoành hành, đông đảo người dân Việt Nam đã ít nhiều được chứng kiến sự thể hiện rõ ràng của khái niệm “nền kinh tế tại nhà”. Có thể đây không phải là một khái niệm thực sự mới nhưng dịch COVID-19 đang giúp “nền kinh tế tại nhà” nhanh chóng đi vào đời sống. Nhiều hoạt động kinh tế trước đây vẫn bị giới hạn bởi thói quen của người dùng nhưng hoàn cảnh của dịch COVID-19 đã và đang phá bỏ những thói quen đó.
Ví dụ, nếu như giáo dục truyền thống vốn đề cao yếu tố cộng đồng thì giai đoạn hiện nay là cơ hội cho giáo dục số thể hiện những ưu việt. Đó không đơn thuần chỉ là những bài giảng được thực hiện thông qua các bài giảng truyền hình qua mạng mà bằng những công nghệ mới nhất như thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường, giúp bài học trở nên sinh động hơn.
Lĩnh vực y tế cũng vậy, dịch Covid-19 đã và đang cho thấy rất nhiều những ưu điểm từ hình thức khám bệnh từ xa, giúp sáng lọc, giảm thiểu sức ép cho các bệnh viện và cũng làm giảm khả năng lây nhiễm chéo cho bệnh nhân.
Nhìn từ một góc độ khác, dịch Covid-19 gây ra cơn khủng hoảng không chỉ về mặt sức khoẻ mà còn khủng hoảng kinh tế cho một số doanh nghiệp. Rồi như một hậu quả, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng, sẽ có nhiều người nhàn rỗi, vì vậy, chúng ta cũng cần ngay lập tức nghĩ đến một nền tảng số giúp những người này nhanh chóng chuyển đổi kỹ năng, tái tham gia vào thị trường lao động.
“Thành công trước nay thường đến từ chính giữa những cuộc khủng hoảng. Và đây chính là thời cơ hiếm có cho doanh nghiệp công nghệ số. Và đây cũng là cách mà các doanh nghiệp công nghệ số làm để bao mạng sống mà COVID-19 đã lấy đi, để sự cố gắng mà tất cả chúng ta đang chung tay chống dịch sẽ không bị phí hoài”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Xem thêm: Rốt cuộc chuyển đổi số là gì?
Cơ hội lớn nhất tại Covid-19 là chuyển đổi số quốc gia
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, dịch COVID-19 lây lan là do tiếp xúc, trong khi công nghệ số là không tiếp xúc. COVID-19 giúp chúng ta tư duy lại nhiều thứ. Nó là một điểm gãy trong sự phát triển và nhiều giá trị, nhiều thói quen sẽ thay đổi. Vì vậy, cơ hội lớn nhất lúc này là đẩy nhanh chuyển đổi số, là tạo ra các ứng dụng công nghệ số, là đưa mọi hoạt động sản xuất kinh doanh lên môi trường số.
Thế giới bây giờ khó dự đoán, nhiễu loạn gần như trở thành trạng thái bình thường mới. Chúng ta rồi sẽ phải nhiều lần đối mặt với những khủng hoảng như thế này, rồi phải học cách tăng sức đề kháng, dẻo dai, sáng tạo, thích ứng nhanh, hồi phục nhanh.
Chính lúc này, chuyển đổi số là để thay đổi cách làm việc, tự động hoá, mọi thứ lên môi trường số. Đây là cơ hội, vì nếu cứ bình thường, Việt Nam sẽ chuyển đổi số rất chậm. Bộ đã trình Chương trình Chuyển đổi số quốc gia. Sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành thì sẽ ban bố, khởi động triển khai trên toàn quốc.
Xem thêm: Chuyển đổi số là chuyển từ phòng thủ sang tấn công
Những năm Covid-19 cũng là năm Việt Nam chuyển đổi số
Năm 2020 là năm khởi động mạnh mẽ để tiến tới một Việt Nam số. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết sự kiện viễn thông lớn nhất thế giới sẽ diễn ra ở Việt Nam, với sự tham gia của trên 100 quốc gia, vùng lãnh thổ. Nhưng sự thay đổi lớn nhất là, sau gần 50 năm, sự kiện này thay đổi về nội hàm, chuyển từ triển lãm viễn thông thế giới thành triển làm số thế giới, và đây là theo đề xuất của Việt Nam. Vị thế mới của Việt Nam cho phép ngành của chúng ta tham gia nhiều hơn, sâu hơn, chủ động hơn, tự tin hơn trong các sự kiện quốc tế.
Bộ trưởng khẳng định, đất nước đã đi qua năm 2019 với rất nhiều dấu ấn đáng tự hào. Bộ TT&TT của đã đi qua năm 2019 với rất nhiều cách tiếp cận mới, làm cho một việc khó trở thành khả thi hơn, có thể làm nhanh hơn. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư được xem như một cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn là cuộc cách mạng về công nghệ, và do vậy, cơ hội của Việt Nam về thay đổi thể chế dưới sự lãnh đạo của Đảng sẽ là rất lớn.
“Chuyển đổi số có thể nhanh hơn nếu như phát triển các nền tảng, một platform cho cả triệu người. Tắt sóng 2G không chỉ tiết kiệm chi phí khai thác, chi phí tần số cho nhà mạng mà còn đưa 100% dân số lên điện thoại thông minh, sẵn sàng trở thành công dân số.
Hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam có thể được các doanh nghiệp Việt Nam hoàn thành trong năm 2020, vì Chính phủ đã tạo ra thị trường cho sản phẩm Việt Nam, vì Bộ TT&TT đã đứng ra làm vai nhạc trưởng, điều phối các doanh nghiệp trong nước hợp tác nghiên cứu phát triển, tránh chồng chéo, tránh cạnh tranh không cần thiết, sử dụng lẫn sản phẩm của nhau”, Bộ trưởng nhận định.
Theo Bộ trưởng, năm 2020 là năm chuyển đổi số quốc gia, là năm khởi động mạnh mẽ để tiến tới một Việt Nam số. Đây sẽ là một sự chuyển đổi sâu sắc và toàn diện, mà đầu tiên là sự chuyển đổi về phương thức, quy trình vận hành, về cách làm việc trong mọi lĩnh vực.
“Công nghệ số sẽ là công cụ tốt nhất để giúp thực hiện công cuộc chuyển đổi rất to lớn này. Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về Đề án chuyển đổi số quốc gia thì các bộ ngành, tỉnh thành sẽ ban hành chương trình chuyển đổi số của bộ mình, ngành mình, địa phương mình. Chúng ta sẽ phải cần đến sự chung tay, đồng lòng của tất cả người Việt Nam để nâng cao thứ hạng Việt Nam về chuyển đổi số”, Bộ trưởng nói.
>>> Xem thêm:
Giá trị vàng của chuyển đổi số trong quản lý nhân sự
Bộ 11 phần mềm giúp bạn xử lý mọi tình huống khi làm việc từ xa