Ngày cập nhật 2024-12-30 20:55:06

Rốt cuộc chuyển đổi số là gì?

Bài viết về chuyển đổi số này chỉ dành cho các công ty SME hoặc các tổ chức đang tìm hiểu về chuyển đổi số.

1. Về các thuật ngữ công nghệ

Chúng ta thường nghe những cụm từ đậm chất kỹ thuật như IOT (Kết nối vạn vật), AI (trí tuệ nhân tạo), Big data (Dữ liệu lớn), Cloud (Đám mây), Block chain (chuỗi khối), Robot & automation (Robot và tự động hóa)... khi người ta đề cập đến Digital transformation (chuyển đổi số). 

Nhưng đối với đa phần chủ doanh nghiệp SME những cụm từ này thật sự khá mơ hồ hoặc thậm chí không thể hiểu. Trong một bài viết bình dân nhất có thể, tôi sẽ cố gắng “chuyển đổi” những ngôn ngữ đậm chất kỹ thuật này sang ngôn ngữ kinh doanh.

Ngày nay công nghệ đã “đi từng cửa, gõ từng nhà hòa vào từng người”. Tại Việt Nam có 63,1% dân số sử dụng smartphone trong đó có hơn 68/96 triệu người có internet và có 145 triệu thiết bị đã có kết nối internet. Với số liệu như vậy thì rất thuận lợi cho việc phát triển các giải pháp, dịch vụ số cho hầu hết các thiết bị. 

Khi các thiết bị như điện thoại, máy tính bảng, camera, máy chấm công, máy in, cửa, xe ô tô, xe máy… đều có thể kết nối internet, người ta gọi là kết nối vạn vật (IOT). Hàng triệu các cảm biến khác nhau được gắn vào các thiết bị, cũng dữ liệu từ thiết bị để tạo ra ngôi nhà thông minh, doanh nghiệp thông minh…

Tuy nhiên việc Kết nối vạn vật sẽ cần lưu trữ và xử lý dữ liệu trên trực tuyến, nghĩa là các dữ liệu này sẽ được xử lý và lưu trữ trên các máy chủ Đám mây (Cloud) hoặc máy chủ vật lý. Việc lưu trữ trên đám mây của những nhà cung cấp lớn đảm bảo tốc độ truy cập, an toàn dữ liệu và bảo mật. 

Điểm quan trọng của Kết nối vạn vật là cho chúng ta biết mọi sự việc diễn ra theo thời gian thực. Để đảm bảo được các kết nối có tốc độ cao cho các ứng dụng đòi hỏi ngốn dữ liệu, băng thông theo thời gian thực như video, xử lý thực tế ảo... chúng ta cần các kết nối có tốc độ cao hơn như 4G, 5G hay sắp tới 6G.

Các dữ liệu được thu thập, lưu trữ và tạo ra hàng ngày thì càng ngày càng lớn hơn và khi các dữ liệu càng lớn chúng ta có thể xem đó là Big data. Ví dụ như  các dữ liệu người dùng hành vi người dùng mà Facebook nắm giữ, dữ liệu chứng khoán... Các dữ liệu lớn này cho phép chúng ta phân tích, đánh giá dựa trên các báo cáo, nghiên cứu để giúp chúng ta đưa ra các quyết định nào đó. Các công ty như ngân hàng, mạng xã hội, thương mại điện tử, chứng khoán… là những công ty nắm các dữ liệu rất lớn và họ cần xử lý các dữ liệu này cho hoạt động kinh doanh.

Trí tuệ nhân tạo (AI) dựa trên các dữ liệu lớn, máy học và học sâu để đưa ra cách nhận định, kết quả… theo cách mà con người suy nghĩ. Ví dụ như Camera AI phải dựa trên hàng triệu khuôn mặt để có thể phân biệt người này khác người kia và học khuôn mặt đó hàng ngày. Hay trí tuệ nhân tạo dựa trên các dữ liệu về y khoa của hàng triệu bệnh nhân để phán đoán ra bệnh từ hồ sơ của một bệnh nhân nào đó.

Trí tuệ nhân tạo cũng được ứng dụng trong các Robot hay tự động hóa để giúp xử lý một cách tự động trong một thao tác hay quy trình công việc nào đó. Những công việc lặp đi lặp lại như trong công xưởng, các thói quen hàng ngày của con người trong công việc có thể giúp cho robot học hoặc được lập trình để làm chính xác với hiệu quả tốt hơn rất nhiều.

2. Vì sao lại nói :”Chuyển đổi số hay là chết”

Vì đơn giản ngày nay các công nghệ trên đã len lỏi vào cuộc sống và dần trở thành một thói quen không thể thiếu của người dân. 

Với hạ tầng công nghệ càng ngày càng cải thiện, các kết nối tốc độ cao và sự phổ biến của các thiết bị đã đảm bảo cho các ứng dụng này thâm nhập vào bất cứ lĩnh vực nào trong đời sống. Cho dù doanh nghiệp của bạn không áp dụng bất kỳ công nghệ nào ở trên nhưng thực tế khách hàng của bạn, nhân viên của bạn đang sử dụng các công nghệ hàng ngày.

Bạn sẽ nói chưa có doanh nghiệp nào chết vì không chuyển đổi số và chỉ có những doanh nghiệp chuyển đổi số mãi không thành công? Đúng là như vậy, nhưng trong vòng vài năm tới bạn sẽ thấy các công ty không kịp chuyển đổi số sẽ không có nhiều cơ hội để tồn tại khi mà công nghệ trở nên đơn giản, rẻ hơn và dễ áp dụng. Câu hỏi đúng phải là bạn sẽ chuyển đổi số nhanh đến mức nào nhưng vẫn tiết kiệm và hiệu quả? 

Ngày nay các Startup công nghệ sử dụng công nghệ để thay đổi một mô hình kinh doanh nào đó và tạo ra một mô hình kinh doanh mới có tốc độ tăng trưởng vượt trội. Điều đó đã được thấy rõ khi Grab, Uber, AirbnB, Tiktok,... khi thay đổi cách thức vận hành của một ngành nào đó và lấy tiền từ khách hàng. Việc này có nghĩa là chính các công ty công nghệ dùng công nghệ để thách thức chính lĩnh vực kinh doanh của bạn và có thể đẩy bạn ra khỏi thị trường.

Đồng thời, các công ty cung cấp giải pháp chuyển đổi số cũng chính là các công ty cung cấp các “vũ khí” giúp bạn có thể tự vệ hoặc chiến đấu tốt hơn.  Dựa trên những công nghệ mới, doanh nghiệp của bạn có thể giảm chi phí, tăng hiệu quả, đo lường hiệu suất chính xác hay tiếp cận được nhiều khách hàng hơn… 

Luôn có những công ty công nghệ đưa ra những giải pháp vượt trội để cung cấp cho thị trường. Và nếu như bạn không muốn áp dụng công nghệ mới cũng đồng nghĩa bạn có thể nhường việc đó cho đối thủ, bạn không theo kịp và bị tụt lại phía sau.

3. Bản chất của chuyển đổi số là gì?

Bản chất của chuyển đổi số là giúp doanh nghiệp chuyển đổi từ cách thức quản trị truyền thống (từ giấy tờ, dữ liệu offline, vận hành thủ công ) sang cách quản trị dựa vào dữ liệu số hoặc các công nghệ số (phần mềm, robot, thiết bị…). Mục đích của việc này là nhằm giúp (1) cho doanh nghiệp  tăng lợi nhuận, giảm chi phí và (2) giúp cho khách hàng sử dụng các sản phẩm hay dịch vụ tốt nhất có thể. 

Do đó, chuyển đổi số không gì khác hơn là giải quyết các vấn đề trong doanh nghiệp bằng các giải pháp công nghệ tốt hay mới nhất. Điều này cũng có nghĩa là thúc đẩy giải quyết các vấn đề nào đó một cách mới hơn, khác hơn, nhanh hơn… thông qua sự am hiểu của bạn về các giải pháp công nghệ.

Bạn nên nhìn góc độ giải pháp các vấn đề của doanh nghiệp như các vấn đề của khách hàng, nhân viên hay quy trình hoạt động.... đầu tiên và sau đó mới tim kiếm cách giải quyết bằng công nghệ.

Chuyển đổi số đôi khi là chuyển đổi cả mô hình kinh doanh. Đôi khi bạn phải áp dụng những mô hình kinh doanh mới mà trong đó công nghệ đóng góp vào vai trò cốt lõi của việc thành công mô hình đó. Nhưng cuối cùng chuyển đổi số mang lại là khách hàng sẽ thấy hạnh phúc hơn và họ tiếp tục quay lại sử dụng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp nhiều hơn và trong một thời gian dài hơn.

4. Khách hàng là trọng tâm và trải nghiệm khách hàng là rất quan trọng

Cho dù bạn kinh doanh ở bất kỳ lĩnh vực nào, nếu như bạn không đánh giá, đo lường được trải nghiệm của khách hàng của bạn trên cả vòng đời mua hàng của khách hàng, bạn sẽ đánh mất khách hàng ở một khâu nào đó.

Để giữ một khách hàng từ lúc họ tiếp cận được thương hiệu sản phẩm, mua hàng, đánh giá và tiếp tục mua hàng nhiều hơn nữa hay sẽ rời bỏ... đó là quá trình theo bước của họ dựa trên các dữ liệu mà bạn xây dựng được trong quá trình chuyển đổi số. Cả một quy trình vận hành của công ty bạn từ máy móc, phần mềm, con người… đều dựa trên các số liệu đánh giá và tác động lên quá trình trải nghiệm của khách hàng.

Ngày nay khách hàng đã sử dụng thiết bị di động 24/7. Họ có nhiều lựa chọn hơn trong việc so sánh các sản phẩm khác nhau. Xu hướng mua sắm của họ cũng bị thay đổi dựa trên các nền tảng công nghệ như việc đánh giá xếp hạng. 

Do vậy họ có thể sẽ lựa chọn những sản phẩm, dịch vụ, doanh nghiệp có đánh giá tốt hay mang đến cho họ một trải nghiệm tốt hơn. Nếu chúng ta so sánh các trải nghiệm sử dụng ứng dụng của Grab, GoJek và Mai Linh, Vinasun chúng ta sẽ thấy trải nghiệm của khách hàng đã khác hẳn. Hành vi mua sắm của khách hàng đã không bị phụ thuộc vào giá cả và phát sinh những hành vi mua sắm ngoài nhu cầu chính của họ là đi lại.

5. Dữ liệu - Đo lường - Phân tích

Như đã viết ở trên, trong quá trình bạn đưa phần mềm hay các thiết bị phần cứng vào sử dụng, ngoài việc các thiết bị này giúp bạn rút ngắn thời gian, đơn giản hóa quy trình, tự động hóa… thì vấn đề quan trọng hơn cả là dữ liệu. Điểm then chốt của việc chuyển đổi số thành công và việc các dữ liệu này sẽ được tập hợp lại như thế nào, tính chính xác của dữ liệu đến đâu để từ đó chúng ta có thể sử dụng dữ liệu này để phân tích, đưa ra quyết định.

Ví dụ, chúng ta đang thu thập dữ liệu ở các nguồn bán hàng để đánh giá kênh nào hiệu quả nhất. Nếu như dữ liệu được đo lường không chính xác chúng ta có thể đưa ra nhận định sai lầm. Tuy nhiên để đạt tính hiệu quả trong việc phân tích dữ liệu chúng ta cần có rất nhiều các chỉ số phụ hỗ trợ cho việc đánh giá tính chính xác của các dữ liệu được tập hợp.

Thông thường các dữ liệu này sẽ được tập hợp và được gọi là Datawarehouse, các dữ liệu này sau đó sẽ cho phép chúng ta dùng các công cụ để bóc tách và phân tích. Đó là lý do vì sao các công ty công nghệ thường có các chuyên gia phân tích dữ liệu. Mặc dù chúng ta là công ty nhỏ nhưng chúng ta vẫn có thể phân tích các chỉ số cơ bản này. 

6. SME thường gặp vấn đề gì khi chuyển đổi số?

Chúng tôi có cơ hội làm việc với hàng trăm doanh nghiệp vừa nhỏ, đa phần các doanh nghiệp nhanh chóng sử dụng các dịch vụ của chúng tôi là các doanh nghiệp có người làm chủ dưới độ tuổi 40 và có kiến thức am hiểu về công nghệ. 

Phần lớn chủ các doanh nghiệp có độ tuổi cao hơn thường rất ngại sử dụng công nghệ, do họ không rành về công nghệ và cũng không muốn học nhiều về nó. Dù rằng họ đánh giá việc áp dụng công nghệ vào là rất quan trọng nhưng do không biết xuất phát từ đâu, doanh nghiệp mình cần gì và ai trong doanh nghiệp có thể là người hỗ trợ cho họ. 

Rất nhiều chủ doanh nghiệp chủ yếu quản lý bằng sổ sách, giấy tờ hoặc nhiều hơn trên các bảng biểu Excel, Word. Họ không biết các dữ liệu sẽ được tập hợp như thế nào. Đa số các công ty này không có quy trình rõ ràng hoặc không vận hành dựa trên các quy trình đánh giá.

Các chủ doanh nghiệp thường không quen xem bảng biểu số liệu dựa trên các biểu đồ số, họ thích xem các dữ liệu được tổng hợp và báo cáo thông qua file Excel hoặc Powerpoint.

Thông thường họ sẽ yêu cầu nhân viên báo cáo các kết quả công việc thông qua các cuộc họp, file tổng hợp báo cáo từ các bộ phận. Họ sẽ thường giao cho bộ phận IT hoặc 1 người nào đó có kiến thức công nghệ tốt hơn họ để đề xuất mua hay sử dụng một công cụ nào đó.

7. Xuất phát từ nhu cầu thật sự muốn chuyển đổi

Bạn cần nhận thấy rằng xu hướng của công nghệ là không thể cản lại. Thế giới sẽ càng ngày phẳng hơn và các doanh nghiệp trên toàn cầu sẽ cạnh tranh với nhau nhiều hơn bằng các phương tiện công nghệ. Sẽ chẳng có doanh nghiệp nào có thể tồn tại mà không áp dụng bất kỳ giải pháp công nghệ nào ngoại trừ họ kinh doanh trong lĩnh vực độc quyền và không ai có thể cạnh tranh.

Bạn sẽ nhận thấy số hóa và chuyển đổi số sẽ chỉ là một giai đoạn ban đầu để đi giải quyết các vấn đề trong doanh nghiệp, trước khi bạn bước sang một giai đoạn tiếp theo là Khai thác Dữ liệu số nơi các dữ liệu được phát sinh hàng ngày trong doanh nghiệp của bạn được phân tích và bóc tách ở một mức cao hơn.

Do vậy nếu bạn không có một động lực mạnh mẽ trong việc giải quyết các vấn đề trong doanh nghiệp bằng những giải pháp công nghệ thật sự, rất khó bạn có thể chuyển đổi số thành công.

8. Giám đốc là người tham gia vào chuyển đổi số

Nếu bạn điều hành doanh nghiệp bạn cần là người tham gia dự án chuyển đổi số ngay từ ban đầu. Đây không phải là công việc của riêng bộ phận IT, kinh doanh hay tài chính. Nếu bạn nghĩ rằng bạn sẽ phân bổ một lượng ngân sách cho việc này và sau đó giao việc này cho bộ phận nào đó, khả năng cao việc này sẽ thất bại.

Vì đơn giản, việc bạn tham gia vào quá trình này từ đầu đến cuối cho phép bạn am hiểu các chỉ số, cách thức và giải pháp công nghệ. Hoặc bạn có thể tìm kiếm những chuyên gia cùng đi với bạn hoặc cùng với đội ngũ IT làm việc để cùng đi tới đích đến. 

Cho dù bạn có thể thất bại trong một vài phần trong kế hoạch chuyển đổi số, bạn vẫn có thể hiểu lý do tại sao? Bạn là người biết doanh nghiệp của mình đang gặp vấn đề gì và mục tiêu, cách thức để giải quyết vấn đề đó. Một nhân viên IT không thể nhìn thấy bức tranh tổng thể lớn hơn bạn, do vậy họ không thể quyết định các dự án chuyển đổi số này.

9. Nhân viên là những người chuyển đổi số đầu tiên

Bạn sẽ nhận thấy vì sao nhân viên của bạn sử dụng Iphone mà không phải là thiết bị Android. Họ xài những ứng dụng vô cùng dễ dàng như Grab, Tiktok, Facebook, Shopee…

Đặc biệt thế hệ X, Z sử dụng công nghệ một cách thành thục và sẵn sàng đánh giá một cách chuyên sâu cho các dịch vụ tiêu dùng. Rõ ràng chính nhân viên là người đã sử dụng nhiều ứng dụng công nghệ và am hiểu về cách vận hành của chúng. 

Chuyển đổi số tại doanh nghiệp cũng tương tự như vậy, nhân viên sẽ là người tiếp cận các giải pháp công nghệ này do vậy họ có nhu cầu sử dụng các ứng dụng, thiết bị dễ dùng, thân thiện, đơn giản… Chính vì vậy trong quá trình chuyển đổi số trải nghiệm của nhân viên sẽ đánh giá được chất lượng mà giải pháp công ty bạn lựa chọn.

10. Xác định chuyển đổi số từ khâu nào?

Bạn sẽ nhận thấy quá trình chuyển đổi số sẽ giúp bạn tập hợp được toàn bộ các dữ liệu trong và ngoài công ty. Các dữ liệu này sẽ giúp bạn đưa ra các quyết định trong kinh doanh, tối ưu hóa việc quản trị trong doanh nghiệp hoặc cao hơn bạn có thể khai thác và kinh doanh dựa trên các dữ liệu này. 

Để tập hợp các dữ liệu này sẽ có rất nhiều công đoạn của quá trình chuyển đổi số từ tiếp thị, bán hàng, sản xuất, quản lý kho, vận chuyển, nhân sự, kế toán, tài chính… Tùy thuộc vào mô hình kinh doanh khác nhau mà có các bộ phận, quy trình khác nhau. 

Nhưng rồi bạn sẽ xem xét đâu là nỗi đau nhất trong doanh nghiệp của bạn mà bạn cần giải pháp? Nếu bạn nhận thấy có một vấn đề rất lớn trong doanh nghiệp của bạn mà lâu nay bạn không thể giải quyết được bạn có thể tìm cách cách giải quyết bằng giải pháp số.

Đa phần các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ gặp các vấn đề trong bán hàng, tiếp thị. Tôi sẽ viết tiếp ở một phần sau về việc chuyển đổi số tại các khâu này. Nơi mà doanh nghiệp SME có nhiều mối lo ngại.

11. Lựa chọn giải pháp chuyển đổi số

Bạn có nhiều cách lựa chọn để cung cấp dịch vụ chuyển đổi số như tự xây dựng, thuê đơn vị gia công hoặc thuê đơn vị cung cấp các dịch vụ có sẵn. Ở mỗi giai đoạn khác nhau bạn có thể lựa chọn giải pháp cho phù hợp. Vậy mỗi giai đoạn này là thế nào?

Chúng tôi thường gặp các chủ doanh nghiệp đều mong muốn một giải pháp tổng thể như ERP để giải quyết toàn bộ vấn đề trong doanh nghiệp của họ. Nhưng tôi nhận thấy không có phần mềm nào trên thế giới giải quyết được toàn bộ bài toán của doanh nghiệp. Vì các xu hướng công nghệ thay đổi liên tục và luôn có những giải pháp sáng tạo và tốt hơn. Do vậy những giải pháp được cho rằng sẽ mang tính ổn định về lâu dài có thể bị thay thế trong một thời gian ngắn.

Khi doanh nghiệp của bạn chưa áp dụng giải pháp chuyển đổi số nào. Rất nhiều doanh nghiệp mà tôi gặp chỉ có 1 website vài năm trước nó và không còn quan tâm đến nó là gì, nhưng có rất nhiều chủ doanh nghiệp mà tôi gặp chưa từng áp dụng một giải pháp công nghệ nào mới. 

Ở giai đoạn này chúng ta có thể sử dụng các dịch vụ cho thuê, dù rằng các phần mềm cho thuê theo dịch vụ (SAAS) có thể phân tán ở các phòng ban. Dù vậy các giải pháp này là sự lựa chọn tốt hơn vì chi phí cho thuê có thể theo tháng hay năm, bạn có thể lựa chọn giải pháp phù hợp của nhiều nhà cung cấp khác nhau. Ở giai đoạn này có rất nhiều giải pháp phù hợp, đơn giản, chi phí rẻ và dễ triển khai cho đội ngũ phía dưới.

Tuy nhiên bạn sẽ phát triển đến giai đoạn mà bạn nhận thấy các phần mềm cho thuê không thể đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp bạn thì đây là thời điểm bạn có thể bắt đầu với các phần mềm tự phát triển hoặc thuê đội ngũ phát triển cho doanh nghiệp. Vì qua một thời gian bạn đã nắm được cách thức vận hành của các phần mềm cho thuê và biết doanh nghiệp mình cần thêm điều gì.

12. Lựa chọn nhà cung cấp

Sẽ có rất nhiều nhà cung cấp trong và ngoài nước giải quyết các vấn đề trong doanh nghiệp của bạn. Theo kinh nghiệm của tôi, việc đầu tiên là bạn hãy nghiên cứu các 10, 20 giải pháp hàng đầu thế giới giải quyết vấn đề của mình. 

Bạn có thể tìm kiếm trên Google và dễ dàng nhận được nhiều bài viết giới thiệu các dịch vụ này. Các doanh nghiệp hàng đầu thế giới thường đã phát triển các giải pháp trong một thời gian dài và đạt được mức tiến bộ nhất định. Ví dụ như SAP, Workdays, Zoho, Monday, Salesforce, Jira, Asana, Trello, Slack, Hubspot, Mailchimp, Bitrix24… 

Các nhà cung cấp nước ngoài thường có giá bán cao hơn, chỉ sử dụng tiếng Anh, hệ thống hỗ trợ qua email và một vài dịch vụ không thể customize theo ý của doanh nghiệp bạn. Bạn cũng có thể sử dụng nhưng phiên bản miễn phí để có thể thử áp dụng vào doanh nghiệp của mình với các phần mềm nước ngoài cho phép miễn phí như Trello, Slack, Telegram..

Sau đó, bạn có thể nghiên cứu các giải pháp trong nước. Dù có thời gian phát triển sau nhưng các giải pháp trong nước có chi phí tốt, được thiết kế phù hợp với doanh nghiệp Việt và có thể hỗ trợ bằng tiếng Việt khi có vấn đề. Tuy nhiên để chọn ra những nhà cung cấp trong nước tốt bạn có thể dựa vào những thông tin sau để đánh giá:

Các thông tin trên sẽ giúp bạn lựa chọn được nhà cung cấp phù hợp. Tuy nhiên để đánh giá được mức độ phù hợp của giải pháp bạn cũng cần triển khai ít nhất trong 6 tháng mới nhận thấy được tính hiệu quả.

13. Chi phí cho các dự án chuyển đổi số

Không có một chi phí cố định nhưng bạn có thể dựa trên một vài nguyên tắc để tính toán ROI khi triển khai. Một dịch vụ đắt hay rẻ dựa trên hiệu quả mà nó mang lại cho doanh nghiệp cao hơn nhiều so với chi phí mà bạn bỏ ra.

Ví dụ trong hoạt động tiếp thị trực tuyến, bạn có thể chi ra 2 tỷ cho hoạt động quảng cáo nhưng nhiều khi nó không hiệu quả bằng việc bạn bỏ ra 200 triệu và áp dụng hệ thống CRM cho đội ngũ bán hàng. Tất cả cuối cùng cũng nhắm đến việc bạn chi tiền cho dịch vụ chuyển đổi số nào để có kết quả tốt nhất.

Kinh nghiệm của tôi là bạn có thể áp dụng theo phương thức A/B test cho mọi hoạt động chuyển đổi số. Bạn cho phép thử nghiệm nhiều dịch vụ trong một thời gian và đánh giá xem đâu là cái hiệu quả nhất bởi không phải bao giờ các phần mềm hàng đầu thế giới cũng có thể phù hợp với doanh nghiệp của bạn. Và ngược lại các phần mềm giá rẻ chưa hẳn đã ổn. Dù việc này có thể tốn thời gian nhưng để đi dài hạn và chi tiêu hiệu quả bạn cần thử nghiệm trên một quy mô nhỏ nào đó trước khi áp dụng đại trà.

Trong quá trình chuyển đổi số có thể bạn sẽ luôn mất tiền cho những dịch phụ không phù hợp hoặc không thành công vì bạn chưa áp dụng tới cùng. Bất kỳ công nghệ nào, nếu bạn không đi đến cùng với nó, luôn cải tiến để hiểu nhiều hơn bạn sẽ luôn bị mất tiền. Điều này tương tự như việc bạn bỏ ra 2 tỷ cho Quảng cáo nhưng bạn không thể đánh giá được toàn bộ quá trình từ đầu đến cuối để hiểu vì sao chiến dịch này không hiệu quả và bạn có thể dễ dàng bị mất đi số tiền này.

14. Bắt đầu áp dụng cho doanh nghiệp ra sao?

Một điều mà chúng tôi nhận thấy ở một vài doanh nghiệp áp dụng giải pháp chuyển đổi số không phải ở người đứng đầu mà chính những người triển khai và thực hiện. 

Một vài cá nhân không mong muốn sự minh bạch khi áp dụng công nghệ hoặc lo ngại việc áp dụng công nghệ sẽ đánh giá năng lực cá nhân không tốt… Do vậy họ là những người từ chối triển khai, trì hoãn hoặc thường xuyên phàn nàn về các giải pháp.

Việc triển khai các giải pháp chuyển đổi số là một quá trình tác động đến hầu hết các bộ phận, quy trình, nhân sự… do vậy để thay đổi tư duy truyền thống sang tư duy số cần có thời gian. Nhưng đồng thời chủ doanh nghiệp cũng cần sự đồng lòng và quyết tâm của đại bộ phận nhân viên để quá trình chuyển đổi số diễn ra thành công.

Khi bạn triển khai hệ thống lớn sẽ mất nhiều thời gian hơn để nhân sự, quy trình và công nghệ có thể đi vào guồng do vậy bạn cần thời gian kiên nhẫn để có thể nhận thấy kết quả cụ thể của nó. Tuy nhiên bạn có thể đánh giá sơ lược hiệu quả triển khai ngay trong 3 tháng đầu tiên khi nó được áp dụng vào doanh nghiệp bạn.

15. Đo lường hiệu quả chuyển đổi số

Quá trình chuyển đổi số sẽ cho bạn những dữ liệu và dựa trên các báo cáo này để bạn có thể đưa ra các quyết định tốt hơn cho hoạt động kinh doanh của mình. Chính các dữ liệu này sẽ cho bạn một cách nhìn sâu sắc hơn để bạn đưa ra các quyết định đó.

Và cuối cùng bạn sẽ hỏi khi ứng dụng giải pháp này nó có giúp bạn tăng doanh thu không? 

Bạn có tối ưu hóa được gì không? Và bạn đã cắt giảm được những gì?

Tôi có thể chia sẻ chi tiết trong một bài viết khác về các chỉ số để đo lượng độ hiệu quả của các giải pháp khi bạn ứng dụng vào doanh nghiệp của bạn.

Chuyển đổi số là một quá trình lâu dài, liên tục. Nó song hành với quá trình phát triển doanh nghiệp và các bài toán mà bạn cần lời giải từ công nghệ. Ví dụ như bạn muốn tăng số lần ghé thăm của khách hàng vào website hay hệ thống cửa hàng của bạn thì bạn sẽ dùng công nghệ nào? Công nghệ đó sẽ được nâng cấp hàng tháng hay thậm chí hàng ngày ra sao? Làm sao để tối ưu các chỉ số đó?

Quá trình này đòi hỏi quá trình đánh giá, phân tích và đưa ra các quyết định nâng cấp liên tục các giải pháp để đạt tính vượt trội hơn so với đối thủ cạnh tranh.

16. Các vấn đề cần tránh

Trong bài viết trên tôi đã có đề cập những vấn đề thường hay gặp đối với các doanh nghiệp SME khi chuyển đổi số. Tôi có thể tóm gọn ở một vài ý như sau:

- Bạn đừng nghe chém gió về những công nghệ hoa mỹ mà không hiểu về chúng. Bạn đi giải quyết vấn đề của doanh nghiệp bạn và công nghệ mới là công cụ bạn lựa chọn để giải quyết.

- Đừng bỏ tiền quá nhiều vào các dự án ban đầu vì có khả năng số tiền này không hiệu quả. Hãy thử nghiệm các dịch vụ này trước khi bạn quyết định xuống tiền nhiều hơn. Ngay cả khi nhà cung cấp không cho bạn thử nghiệm, bạn vẫn có thể đàm phán hoặc tìm nhà cung cấp tốt hơn.

- Không phải mua xong các dịch vụ và triển khai vào doanh nghiệp là xong chuyển đổi số. Như tôi viết ở trên chuyển đổi số chỉ là quá trình ban đầu để bạn chuyển đổi sang hình thức quản trị mới hơn nhưng quá trình này về lâu dài cần phải nâng cấp và cải tiến rất nhiều.

- Bạn luôn nghĩ dữ liệu doanh nghiệp phải nằm trên máy chủ của công ty mình và không sẵn sàng kết nối với bên ngoài. Có thể một vài dữ liệu nhạy cảm bạn không thể đưa ra bên ngoài nhưng đa phần các doanh nghiệp SME đều có thể sử dụng các dịch vụ SAAS uy tín và lưu trữ trên những Cloud uy tín. Xu hướng sử dụng các dịch vụ này đang trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Khi doanh nghiệp của bạn đã phát triển đến mức đủ lớn bạn có thể nghĩ đến nhiều hơn các dịch vụ riêng trên máy chủ của mình vốn có chi phí cao hơn nhiều.

Trần Viết Quân - Sáng lập Tanca.io

Trần Viết Quân
Bài viết mới
Bài viết liên quan