Ngày cập nhật 2024-11-24 02:16:06

Vì sao doanh nghiệp Việt Nam chậm chuyển đổi số?

Các chuyên gia cho rằng tình trạng chậm chuyển đổi số đến từ ba nguyên nhân quan trọng: 

- Thiếu sự gắn kết giữa lợi ích của chuyển đổi số với mục tiêu kinh doanh; 

- Nhận thức về chuyển đổi số chưa đồng đều giữa các bộ phận nghiệp vụ; 

- Thiếu sự mạnh dạn đầu tư từ các nhà lãnh đạo.

Để hiểu rõ từng nguyên nhân, hãy theo dõi bài viết sau của Tanca nhé:

chuyển đổi số

1. Lợi ích chuyển đổi số không gắn kết mục tiêu kinh doanh

Theo đánh giá của các chuyên gia, khó khăn lớn nhất của hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam khi triển khai các công nghệ mới là không gắn kết được lợi ích của chuyển đổi số với mục tiêu kinh doanh. Việc thuyết phục từng phòng ban trong doanh nghiệp chấp nhận thay đổi thói quen và hợp tác là quá trình không hề dễ dàng với các nhà quản lý công nghệ. 

Chẳng hạn, muốn phòng marketing chuyển đổi số, các vị trí lãnh đạo như CIO, CTO phải hiểu và nói chuyện với nhân sự marketing bằng ngôn ngữ của chính họ, phải kết nối với đại diện, nhà quản lý các phòng ban này, hoặc bước đầu thành lập một ủy ban chuyển đổi số để tìm sự đồng thuận. Khi đó, quá trình thực hiện sẽ không diễn ra rời rạc giữa bộ phận công nghệ và các bộ phận nghiệp vụ khác như tình trạng thường thấy hiện nay tại doanh nghiệp…

2. Sự thận trọng quá mức của lãnh đạo trong chuyển đổi số

Sự thận trọng của lãnh đạo

Các chuyên gia công nghệ thông tin cho rằng quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp Việt Nam diễn ra khá sớm nhưng tốc độ chậm vì nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp quá thận trọng và cân nhắc rủi ro. Giai đoạn 2013 khi vấn đề cơ sở dữ liệu lớn (big data) bắt đầu được đề cập, nhiều doanh nghiệp Việt cho rằng “vẫn còn là chuyện xa vời", nhưng chỉ vài năm sau big data đã hiện hữu ở mọi lĩnh vực kinh doanh. 

Chẳng hạn trong ngành bán lẻ, đối thủ của các doanh nghiệp trong ngành này có thể không còn là cửa hàng tiện lợi mà là các hãng xe công nghệ. Với tiềm lực có sẵn, họ có thể kết nối với hàng ngàn tiệm tạp hóa truyền thống để thay đổi bức tranh thị trường. 

Thực tế hiện nay đã cho thấy đối thủ có thể đến từ các quốc gia khác, họ dùng công nghệ và tiềm lực tài chính siêu mạnh để nhảy vào cả các lĩnh vực truyền thống tưởng chừng chỉ có người Việt Nam mới làm được. Doanh nghiệp Việt vì thế phải nghiên cứu lường trước những thay đổi có thể xảy đến như vậy.

Nhiều chuyên gia còn cho rằng nhận thức về chuyển đổi số của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp mới chỉ thiên về công nghệ, nhưng thực tế việc chuyển đổi phải bắt đầu từ mô hình kinh doanh và tư duy lãnh đạo. Vai trò của công nghệ thông tin chưa đi cùng các nhà quản lý về chiến lược kinh doanh của một tổ chức, nên đa số các doanh nghiệp Việt vẫn đi chậm so với doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài.

Theo khảo sát của Công ty PwC Consulting Việt Nam, đa phần lãnh đạo doanh nghiệp các lĩnh vực này đều xem chuyển đổi số là cơ hội duy nhất để tồn tại trong môi trường cạnh tranh. 42% doanh nghiệp Việt Nam và 36% doanh nghiệp khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang đầu tư vào các startup địa phương, cho thấy ngày càng nhiều doanh nghiệp muốn trở thành “doanh nghiệp số” thông qua việc đầu tư vào các cách làm mới, các phép thử mới. Thế nhưng rất nhiều lãnh đạo doanh nghiệp lại khá thận trọng khi quyết định đầu tư vào chuyển đổi số. 

Xem thêm: Chuyển đổi số là chuyển từ phòng thủ sang tấn công

3. Văn hoá không phải là yếu tố… cho vui

Văn hóa doanh nghiệp cũng là một yếu tố đóng góp lớn vào sự thành công trong công cuộc chuyển đổi số. Văn hóa mới trong tổ chức phải được thiết lập, đảm bảo các nhân viên tin vào tiềm năng chuyển đổi số. Theo một nghiên cứu gần đây nhất của Vietnam Report, trở ngại lớn nhất khi chuyển đổi kỹ thuật số trong các tổ chức, doanh nghiệp là rủi ro an ninh mạng, thiếu lao động có kỹ năng, thiếu chính sách, quy định pháp luật hỗ trợ…

Chính vì vậy, lực lượng lao động cần được đào tạo thích hợp, có cơ hội học tập liên tục để trau dồi kiến thức, kỹ năng cần thiết để tối đa hóa tác động của chuyển đổi số, tăng cường công tác an ninh mạng, trau dồi kỹ năng về công nghệ… Các nhà lãnh đạo tổ chức phải truyền đạt liên tục, rõ ràng những kỳ vọng về trách nhiệm và nhiệm vụ của nhân viên để giảm thiểu sự gián đoạn.

Tiến sĩ David Bray, Giám đốc điều hành People-Centered Internet (PCI), nguyên CIO Ủy ban Truyền thông Liên bang Hoa Kỳ đã khẳng định: “Khi chúng ta nói về thay đổi công nghệ, cho dù đó là Internet vạn vật, dữ liệu lớn hay máy học, thì vấn đề thực sự vẫn là con người, văn hóa tổ chức sẽ tạo ra những kết quả khác nhau và tốt hơn bằng cách sử dụng các công nghệ này. Chúng ta cần bắt đầu tập trung vào con người vì bất kỳ thay đổi công nghệ nào cũng sẽ kích hoạt và yêu cầu chuyển đổi nhóm, tổ chức và văn hóa - xã hội”.

>>> Xem thêm:

Quản lý công việc đơn giản, hiệu quả nhờ chuyển đổi số

Bộ 11 phần mềm giúp bạn xử lý mọi tình huống khi làm việc từ xa

Review 10 phần mềm quản lý công việc miễn phí cho đội nhóm và cá nhân

Trần Viết Quân