Chuẩn bị một CV “ổn” - Bước đầu hành trình phỏng vấn
CV được xem là công cụ tiếp thị cá nhân của người ứng tuyển khi đi xin việc. Tại CV, bạn có thể giới thiệu được mặt hàng cần “bán” cho các nhà tuyển dụng, điển hình như kỹ năng, phẩm chất, chuyên môn cùng những lợi ích mà nhà tuyển dụng nhận được khi sử dụng bạn trong tương lai.
Đây là phần duy nhất bạn có thể quyết định và thay đổi trong quy trình tuyển chọn nhân viên của các công ty, vậy hãy bắt đầu bằng cách tạo ra một CV “ổn” cho mình.
1. Chuẩn bị về nội dung
Nếu bạn chưa biết viết CV như thế nào hãy tìm một CV mẫu cho vị trí mà mình sắp ứng tuyển (ví dụ: nếu bạn ứng tuyển vào vị trí Junior Marketing Manager thì hãy xem CV mẫu của một Junior Marketing Manager), sau đó chỉnh sửa một tí cho phù hợp.
Một điều cần lưu ý: Chỉ nên đưa vào CV những kỹ năng phù hợp với vị trí mà bạn ứng tuyển.
2. Chọn cách trình bày phù hợp
Hình thức CV của những công việc khác nhau sẽ đòi hỏi cách trình bày khác nhau. Nhưng nhìn chung, CV của bạn không cần phải đẹp lộng lẫy, nhưng phải rõ ràng và ngắn gọn.
Sử dụng các font chữ cơ bản như Times New Roman và Arial, cỡ chữ thường là 13, 14. Các phần đề mục cần in đậm, tách biệt, nhìn lướt qua có thể đọc được các đề mục này. Đồng thời, kiểm tra thật kỹ lỗi chính tả, sau cùng export file ra dưới dạng PDF.
Những điều nhỏ nhặt này sẽ thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy được sự chuyên nghiệp và cẩn thận của bạn.
Xem thêm: Khi sàng lọc CV của ứng viên, nhà tuyển dụng ghét nhìn thấy gì nhất?
Những điều cần chuẩn bị trước phỏng vấn không bao giờ là thừa!
Sau phần chia sẻ trên, hi vọng các bạn đã chuẩn bị được cho mình một CV đạt chuẩn.
Nếu mọi chuyện diễn ra thuận lợi, và bạn có thể vượt qua một số bài test chuyên môn (tùy theo công việc, vị trí mà bạn ứng tuyển), bạn sẽ được công ty mời đi phỏng vấn.
Một số công ty còn có thêm vòng interview qua điện thoại trước khi mời bạn phỏng vấn trực tiếp trước hội đồng. Và đây là những điều bạn cần chuẩn bị trước khi xuất hiện phỏng vấn trước hội đồng:
- Gửi mail xác nhận rằng mình sẽ tham gia phỏng vấn theo lịch, hoặc hẹn một lịch và ngày cụ thể nếu bạn muốn thay đổi lịch phỏng vấn.
- Tìm hiểu “tất tần tật” về công ty mà bạn tham gia phỏng vấn. Có tìm hiểu trước về công ty là tiêu chí thể hiện mức độ mong muốn làm việc của ứng viên. Hãy lên Website của công ty đó, xem và ghi nhớ những thông tin quan trọng như: Lĩnh vực hoạt động của công ty, tầm nhìn và triết lý, môi trường làm việc, những giá trị nào của nhân viên mà công ty coi trọng,… Biết những điều này thì bạn vừa có thể ghi điểm với nhà tuyển dụng mà còn thể hiện quyết tâm của mình.
- Nghiên cứu về thị trường lao động để có thể đòi hỏi một mức lương hợp lý. Có một thực tế phũ phàng là, nếu bạn không đòi hỏi mức lương, nhà tuyển dụng sẽ trả cho bạn mức lương thấp nhất có thể. Tùy vào năng lực của bản thân, vị trí và công ty mà bạn ứng tuyển hãy cân nhắc để thỏa thuận mức lương hợp phù hợp nhất. Để có thể đi sát với thực tế nhất, bạn có thể tham khảo mức lương từ những người quen làm công ty đó hoặc là có vị trí tương đương.
- Ôn lại các kiến thức cần thiết. Ngoài những kiến thức mà bạn đã tích lũy được. Hãy tìm hiểu về các câu hỏi thường xuất hiện cho các vị trí tương tự. Bạn nên dành 2-3 ngày cho việc này.
- Tìm đường đến nơi phỏng vấn. Sau khi đã chuẩn bị ổn thỏa các yêu cầu trên. Hãy dành thời gian để tìm đường đến nơi mình sắp phỏng vấn. Điều này giúp bạn ước lượng được khoảng thời gian đi. Tới hôm phỏng vấn, bạn sẽ khá hồi hộp, lo lắng; biết trước đường tới nơi phỏng vấn sẽ giúp bạn tự tin hơn và tránh bị trễ giờ.
- Chuẩn bị cho bản thân một bộ trang phục phù hợp. Đây là một trong những điều cơ bản nhất. Cũng biết rằng, ấn tượng đầu tiên không phải là tất cả nhưng sẽ quyết định thiện cảm của người phỏng vấn đối với bạn. Nếu không lưu tâm đến vấn đề trang phục, trong mắt nhà tuyển dụng bạn sẽ là một người xuề xòa và dễ dãi. Và không một công ty nào lại muốn thu nhận một nhân viên tương lai xuề xòa và dễ dãi như vậy cả.
Xem thêm: Trọn bộ câu hỏi phỏng vấn cần nắm
Phỏng vấn chính - Cơ hội vàng để bạn thể hiện bản thân
Vòng Face interview là một cơ hội để bạn có thể đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng và cũng là cơ hội để bạn có cái nhìn tổng quan môi trường tại nơi làm việc. Dưới đây là những điều lưu ý:
- Ngôn ngữ cơ thể quyết định thành bại không kém gì ngôn ngữ lời nói. Chỉ một hành động nhỏ mà bạn vô tình thể hiện cũng có thể minh chứng cho một thái độ tiêu cực đối với nhà tuyển dụng. Liên tục nhìn đồng hồ chứng tỏ bạn không dành nhiều thời gian và chưa toàn tâm toàn ý cho cuộc phỏng vấn. Hai bàn tay thường xuyên làm nhiều hành động thừa thãi, ánh mắt nhìn xuống chứng tỏ bạn đang rất kém tự tin trong từng lời nói của mình. Hãy tập trung và cố gắng kiểm soát hành vi thật tốt trong buổi phỏng vấn trực tiếp.
- Giới thiệu bản thân? Nên giới thiệu ngắn gọn về thông tin cá nhân, số năm kinh nghiệm, sở thích về ngành nghề,...
- Hãy nói về công việc trước đây, những dự án mà bạn có cơ hội tham gia. Người phỏng vấn sẽ rất quan tâm và hỏi khá kỹ về cấu trúc dự án, vị trí bạn nắm giữ, những khó khăn và cách bạn xử lý. Hội đồng phỏng vấn sẽ đánh giá rất nhiều về ứng viên thông qua các thông tin này.
- Xử lý tốt những câu hỏi về cá nhân để không khí bớt căng thẳng: Sở thích của bạn là gì? Bạn có điểm mạnh điểm yếu nào? Hãy thành thật và tự tin ở những dạng câu hỏi này. Những câu hỏi này giúp nhà tuyển dụng xem xét xem tính cách của bạn có hợp với văn hóa công ty không, xem xét thái độ làm việc, thái độ trả lời câu hỏi. Mặc dù chúng ta luôn xem trọng cuộc phỏng vấn, nhưng cũng nên xem đây như là một công việc mà mình nên hoàn thành nó một cách nhẹ nhàng. Càng tự tin và thoải mái thì mọi việc sẽ càng dễ dàng hơn.
- Cuối buổi phỏng vấn, bạn sẽ được đề nghị hỏi câu cuối cùng. Một kỹ năng trả lời phỏng vấn xin việc rất quan trọng mà không phải người xin việc cũng biết đó là cách đặt câu hỏi ngược lại. Những nội dung cần hỏi trong phần này là: Môi trường làm việc ra sao? Chính sách lương thưởng như thế nào? Công ty có những chính sách giúp nhân viên phát triển không?
Xem thêm: Trọn bộ các mẫu email trong quá trình tuyển dụng
Những việc cần làm sau buổi phỏng vấn
Phỏng vấn xong là hết chuyện phải không? Sai lầm! Những điều mà bạn làm sau buổi phỏng vấn cũng rất quan trọng đấy. Những ứng xử thông minh sau cũng sẽ giúp bạn ít nhiều tạo được ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng.
1. Viết email cảm ơn
Sau buổi phỏng vấn, hãy gửi email cảm ơn cho người đã phỏng vấn mình. Đây là một hành động nhỏ nhưng thể hiện sự chỉnh chu của bạn và điều này sẽ mang lại hiệu quả rất lớn. Mục đích của việc viết thư cảm ơn là lưu lại ấn tượng tốt đối với các nhà tuyển dụng, đồng thời tăng thêm tính thành công trong quá trình xin việc của bạn.
Thay vì cảm ơn một cách chung chung toàn bộ ekip đã có mặt trong buổi phỏng vấn, hãy viết thư cho từng người nếu bạn có thể.
Và lưu ý rằng, nếu không trúng tuyển, bạn cũng nên gửi một lá thư cảm ơn nhà tuyển dụng và hy vọng có cơ hội hợp tác lần sau. Chẳng ai nói trước được điều gì, nếu sau này công ty lại mở ra một vị trí mới hay bạn vô tình gặp lại nhà tuyển dụng tại một công ty khác.
2. Trực tiếp hỏi kết quả nếu phải chờ đợi quá lâu
Nhìn chung, các công ty thường phải mất một khoảng thời gian là 1 tuần để thông báo kết quả phỏng vấn cho các ứng viên.
Nếu qua thời gian thông báo kết quả mà bạn vẫn chưa nhận được hồi âm từ các nhà tuyển dụng thì không nên quá lo lắng. Có thể các nhà tuyển dụng đã thông báo kết quả qua email nhưng do lỗi kỹ thuật nên bạn không nhận được.
Do vậy bạn nên trực tiếp viết thư hoặc gọi điện thoại đến các công ty đã thi tuyển để hỏi kết quả cuối cùng.
3. Chuẩn bị tâm lý
Thông thường, nếu phỏng vấn không tốt sẽ ảnh hưỡng nhiều đến cảm xúc của bạn, thậm chí là ảnh hưỡng đến phong độ của bạn trong những lần phỏng vấn tiếp theo. Hãy nhớ bình tỉnh nhé.
Cuộc phỏng vấn đó thành công hay không, bạn cũng phải chuẩn bị tâm lý tốt để sẵn sàng dấn thân vào những thử thách mới. Đừng vì một thất bại mà nghĩ mình sẽ không làm được việc gì. Quan trọng là từ thất bại đó bạn đã rút ra được kinh nghiệm để thể hiện tốt hơn cho các cuộc phỏng vấn sau này.
Xem thêm: Hệ thống Tuyển dụng (ATS) của Tanca