1. Bộ câu hỏi về giới thiệu bản thân ứng viên
Khi phỏng vấn, những câu hỏi mà bất cứ nhà tuyển dụng nào cũng phải đặt ra là cho ứng viên là những câu hỏi để ứng viên giới thiệu bản thân. Đôi khi những câu hỏi thuộc phần này không nên chỉ dừng lại ở câu “Hãy giới thiệu đôi chút về bản thân bạn”.
Hãy đặt những câu hỏi để ứng viên có thể trả lời một cách tự nhiên nhất để hai bên có thể làm quen dễ dàng. Điều này tạo ra một mở đầu thoải mái, giúp ứng viên có thể cởi mở để trả lời các câu hỏi thuộc phần sau.
Bộ câu hỏi:
- Hãy giới thiệu về bản thân bạn?
- Sở thích của bạn là gì?
- Những thành tích đáng nhớ mà bạn đã đạt được cho trong việc trước đây là gì?
- Kể về một câu chuyện ấn tượng khiến bạn tự hào?
- Ba từ mô tả chính xác nhất về bản thân bạn.
- Trong công việc, bạn thích giao tiếp bằng lời nói hơn hay qua văn bản hơn?
- Bạn thuộc tuýp người lắng nghe tốt hay một người giao tiếp tốt?
- Kinh nghiệm của bạn trong công việc này là gì? Mô tả một chút về cách làm việc của bạn.
>>>Xem thêm: Top 7 phần mềm quản lý nhân sự tốt nhất 2021
2. Bộ câu hỏi kiểm tra khả năng phản ứng
Kỹ năng mềm là yếu tố rất quan trọng để đánh giá ứng viên – đó là điều mà bất cứ nhà tuyển dụng nào cũng công nhận. Lý do là vì nếu kỹ năng cứng có thể giúp ứng viên bắt đầu sự nghiệp, thì kỹ năng mềm sẽ giúp họ nâng cao năng lực và thành công với sự nghiệp đó. Tuy nhiên, nhà tuyển dụng thường hay bỏ qua các câu hỏi đánh giá kỹ năng mềm vì cho là những kỹ năng này thường khó mà đánh giá được.
Thêm vào đó, những người tham gia phỏng vấn chỉ đưa ra một số câu hỏi chung chung để kiểm tra khả năng phản ứng dẫn đến câu trả lời cũng sẽ chung chung không kém. Phần tiếp theo sẽ gợi ý cho các bạn cách để kiểm tra kỹ năng mềm thông qua khả năng phản ứng của ứng viên một cách rõ ràng hơn:
Bộ câu hỏi:
- Bạn đã bao giờ mâu thuẫn với cấp trên chưa? Bạn xử lý vấn đề như thế nào?
- Khi các thành viên trong nhóm xảy ra tranh cãi và không thể làm việc với nhau, bạn đã giải quyết vấn đề đó ra sao?
- Khả năng chịu đựng áp lực của bạn có cao không? Hãy lấy kể tình huống áp lực nhất mà bạn gặp phải trước đây? Bạn đã vượt qua như thế nào và bài học bạn đã rút ra là gì?
- Bạn nghĩ sao khi phải đi công tác thường xuyên?
- Khi khách hàng phản ứng gay gắt với dịch vụ, bạn xử lý như thế nào?
- Gặp đồng nghiệp có quan điểm trái ngược mình, bạn sẽ xử lý như thế nào?
- Tình huống khó khăn nhất mà bạn từng gặp phải là gì? Bạn giải quyết ra sao và có học được điều gì sau sự kiện đó.
- Bạn có câu hỏi gì dành cho chúng tôi không?
>>>Xem thêm: Bảng mô tả công việc: Cách viết, lưu ý và bảng mẫu các vị trí phổ biến
3. Bộ câu hỏi kiểm tra trình độ phù hợp về văn hóa
Văn hóa doanh nghiệp là một lĩnh vực vô cùng đa dạng. Các doanh nghiệp với quy mô, ngành nghề khác nhau sẽ sở hữu môi trường và cách thức làm việc khác nhau, nên khái niệm “phù hợp văn hóa” sẽ mang tính tương đối. Không có văn hóa nào là đúng hay sai.
Tuy nhiên, không phải nói như vậy là không chú ý đến tiêu chí xem ứng viên có phù hợp với văn hóa công ty hay không. Văn hoá không chỉ phản ánh giá trị và sứ mệnh của công ty, nó hình thành khuôn khổ làm việc của nhân viên. Nếu nhà tuyển dụng tuyển được một ứng viên phù hợp với văn hóa doanh nghiệp, đó cũng là cách để giúp tập thể đạt tới mục tiêu nhanh hơn, gia tăng tỷ lệ giữ chân nhân viên và thúc đẩy năng suất cùng độ gắn kết của tập thể.
Về cơ bản, việc tuyển dụng nhân sự phù hợp với văn hóa là hoạt động tìm kiếm ứng viên, không những phải đáp ứng được nhu cầu về năng lực mà còn phải có có tiềm lực phát triển trong môi trường làm việc của công ty.
Dưới đây là một vài câu hỏi để đánh giá xem ứng viên được cho là tiềm năng ấy, liệu có phải một "nguy cơ độc hại" đối với môi trường làm việc của bạn không.
Bộ câu hỏi:
- Bạn thích làm việc một mình hay làm việc theo nhóm? Tại sao?
- Loại môi trường làm việc nào giúp thúc đẩy năng suất làm việc của bạn nhất? Tại sao?
- Bạn muốn sếp góp ý cho bạn qua những buổi họp đánh giá công việc thường niên hay qua các cuộc họp ngắn hàng ngày/hàng tuần?
- Bạn hy vọng mình có thể đạt được gì trong sáu tháng đầu làm việc tại công ty?
- Lý do nào sẽ khiến bạn từ bỏ công việc ngay trong tháng đầu tiên?
- Trong một dự án khó khăn, để động viên mọi người trong nhóm, bạn sẽ nói gì hoặc làm gì?
- Điều bạn thích ở công việc hiện tại (hoặc công việc trước đây) mà bạn muốn công ty chúng tôi cũng có được là gì?
- Đã bao giờ bạn thấy rằng chính sách của công ty không công bằng và không hiệu quả? Nếu có thì đó là chính sách nào và tại sao? Bạn đã làm gì hoặc sẽ làm gì trong trường hợp này?
- Quản lý giao cho bạn lượng lớn việc ngay trước khi hết ngày làm việc. Bạn sẽ trả lời như thế nào?
- Nếu như bạn nghĩ rằng có một cách giải quyết vấn đề tốt hơn, nhưng khi góp ý thì nhân viên cũ lại bảo “Trước giờ vẫn toàn làm như thế”, bạn sẽ nói gì?
- Bạn mong muốn điều gì nhất khi đến với công ty chúng tôi.
>>>Xem thêm: Trọn bộ các mẫu email trong quá trình tuyển dụng
4. Những trường hợp cần lưu ý
Ứng viên không trung thực. Vẫn có trường hợp một số ứng viên tìm cách nói dối về các công việc trước đây và kinh nghiệm thực của mình nếu biết nhà tuyển dụng khó mà kiểm tra được thông tin chính xác. Ngoài ra, một vài ứng cử viên đã nghiên cứu từ trước và trả lời cho bạn những điều bạn muốn nghe hơn là con người thực sự của họ. Nếu bạn nghi ngờ rằng họ chỉ đơn giản là đang cố gắng gây ấn tượng tốt với bạn, vậy hãy thăm dò thêm bằng các câu hỏi khác và yêu cầu các ví dụ cụ thể hơn.
Ứng viên không phù hợp với giá trị công ty. Một nhân viên sẽ phù hợp với doanh nghiệp của bạn nếu họ và bạn chia sẻ cùng một giá trị, cùng phương pháp làm việc và có các mục đích chung. Ví dụ, một ứng cử viên quá cứng nhắc, làm việc luôn theo quy trình có thể sẽ không phù hợp nếu công ty của bạn luôn ưu tiên đổi mới và linh hoạt trong mọi việc. Cũng tương tự như vậy, nếu một nhân viên chỉ mong được thăng tiến nhanh chóng sẽ không phù hợp với một vị trí có tính cố định.
Ứng viên không linh hoạt. Nhân viên mới phải biết cân bằng giữa những thói quen làm việc của bản thân với những ý tưởng mới trong công việc. Nếu ứng viên có dấu hiệu kiêu ngạo và có thái độ “cái gì cũng biết”, bạn sẽ cần cẩn thận với họ đấy.
Ứng viên không tôn trọng chính sách. Thắc mắc về chính sách của công ty là một chuyện, nhưng bày tỏ thái độ thiếu tôn trọng với chính sách công ty lại là chuyện khác. Kinh nghiệm làm việc trước đây của ứng viên sẽ tiết lộ liệu họ có tuân theo các chính sách của công ty và đưa ra các đề xuất để cùng nhau cải thiện vấn đề hay không.
Nhà tuyển dụng cần tạo không khí thoải mái. Bạn nên giúp ứng viên đỡ căng thẳng, lo lắng trong buổi phỏng vấn. Hãy để cho buổi phỏng vấn của bạn diễn ra thật tự nhiên. Nếu buổi phỏng vấn kéo dài, bạn có thể nói với ứng viên một vài câu như: Bạn muốn dùng chút café hay nước lọc không?
Nên có nhiều người tham gia buổi phỏng vấn. Nếu điều kiện cho phép, bạn nên mời một số người liên quan tham gia buổi phỏng vấn để có đánh giá khách quan và thấu đáo hơn về ứng viên. Ngoài cấp quản lý trực tiếp và đại diện phòng nhân sự ra, bạn nên mời thêm một nhân viên khác làm việc chung bộ phận với ứng viên sau này, bởi chính nhân viên là người sẽ tiếp xúc với nhau nhiều nhất sau này.
Nhà tuyển dụng tránh đi tìm ứng viên hoàn hảo. Có nhiều nhà tuyển dụng thường mất khá nhiều thời gian để đi tìm một nhân viên hoàn hảo, đáp ứng tốt yêu cầu công việc. Tuy nhiên, điều này rất khó thực hiện bởi một người dù đã làm tốt công việc đến đâu đi chăng nữa thì cũng không tránh khỏi những lúc gặp phải sai lầm. Vì vậy, nếu tìm được một ứng viên có thể đáp ứng 70% yêu cầu đặt ra thì bạn nên cho họ cơ hội để bắt đầu thử việc. Đó cũng là thời gian để bạn kiểm tra và đánh giá chất lượng làm việc của nhân viên đó.