Thế hệ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong lực lượng lao động hiện tại là Gen Y, tuy nhiên, hầu hết những người thuộc Gen Y đã chuyển sang độ tuổi 30 và đảm nhận các vị trí cao trong công ty.
Giờ đây là lúc chúng ta dành thời gian để tìm hiểu về thế hệ kế tiếp sẽ gia nhập lực lượng lao động – Gen Z. Theo dự đoán thế hệ này sẽ chiếm 25% lực lượng lao động quốc gia tính đến năm 2025.
Gen Z là ai?
Gen Z, những người sinh ra trong giai đoạn 1995 – 2010.
Họ là những “cư dân số”, vì ngay từ nhỏ họ đã quá quen với những thứ được gọi là internet, mạng xã hội, trí tuệ nhân tạo AI. Điều này đã tạo ra một thế hệ siêu nhận thức (hyper cognitive), thoải mái với việc thu thập và thích tích hợp cả những trải nghiệm ảo - thực tế.
Doanh nghiệp không nên xem thế hệ Z chỉ đơn giản là một bản sao trẻ hơn của thế hệ Y mà cần hiểu những hành vi, suy nghĩ và nhu cầu hoàn toàn khác của họ. Nghiên cứu khảo sát bốn hành vi cốt lõi của Gen Z, cho thấy:
- Gen Z coi trọng việc thể hiện bản thân.
- Họ tự động viên chính mình bằng nhiều cách khác nhau.
- Thế hệ này cực kỳ tin tưởng vào hiệu quả của đối thoại trong việc giải quyết xung đột.
- Cuối cùng, họ ra quyết định và gắn bó với tổ chức thông qua những phân tích có tính thực dụng cao.
Đó là lý do tại sao, Gen Z thực sự là “True Gen – Thế hệ đích thực”, ngược lại với thế hệ trước đó – Gen Y, được gọi là “Me generation – thế hệ cái tôi”.
Nguyên nhân là do Gen Y lớn lên trong thời đại nền kinh tế cực thịnh và tập trung vào chủ nghĩa cá nhân. Họ theo đuổi lý tưởng của mình, thích đối đầu hơn và ít mở lòng, chấp nhận nhiều quan điểm khác nhau. Còn Gen Z lại được sinh ra cùng với các thiết bị công nghệ cao và mạng xã hội tràn ngập cũng như phải đối mặt với nền kinh tế suy thoái.
Gen Z với các mác “Nổi loạn và khó kiểm soát”
Khả năng tập trung của Gen Z thấp hơn các thế hệ trước. Gen Z được sinh ra trong một thế giới tin tức luôn được cập nhật liên tục và các khái niệm thường xuyên được tái định nghĩa. Họ phải liên tục cập nhật, lọc và xử lý thông tin. Theo nghiên cứu của Microsoft thời gian tập trung của con người đã giảm từ 12s vào những năm 2000 xuống còn 8s ở hiện tại.
Thêm vào đó, một mong muốn nghề nghiệp rõ ràng đã có sẵn trong đầu của Gen Z. Một nghiên cứu được thực hiện bởi Anphabe, đơn vị tư vấn tiên phong tại châu Á về các giải pháp nguồn nhân lực và thương hiệu nhà tuyển dụng, đã chỉ ra rằng: “Khác với các thế hệ trước, có tới 81% các bạn trẻ Gen Z tự tin hiểu rõ bản thân, biết mình thích và không thích làm gì”.
Họ lựa chọn công việc và nghề nghiệp dựa vào sở thích và năng lực các nhân. Thay vì tốt nghiệp và chọn một công ty để theo đuổi thì Gen Z lại mê khởi nghiệp hoặc là họ có sự lựa chọn vô cùng “mở” sau khi ra trường.
34% sinh viên Gen Z sẵn sàng đầu quân cho các công ty Startup hoặc tự kinh doanh riêng; 8% các bạn cho rằng “chẳng cần đi làm công ty, làm freelance cũng tốt"; 14% thích làm việc tại các tổ chức phi lợi nhuận, thể hiện khuynh hướng rõ ràng của các “nhà hoạt động xã hội tương lai”. Gen Z sẽ cho doanh nghiệp “ra rìa” sớm nếu doanh nghiệp không thể thỏa mãn mong muốn nghề nghiệp của họ.
Gen Z - Những con người thích phá luật. Họ cảm thấy khó khăn khi phải làm việc theo giờ hành chính hay bất kỳ sự cố định nào cả về không gian lẫn thời gian. “8 tiếng hành chính” đối với họ có lẽ là cực hình nhưng họ sẽ không ngại làm thêm giờ đến khi hoàn thành task mới thôi.
Trường hợp dứt áo ra đi sau 1, 2 năm làm việc tại công ty là điều thường thấy ở thế hệ này. Được tuyển vào, trải qua quá trình đào tạo và được trao cơ hội thực hiện các dự án sẽ khiến khả năng của họ chính mùi trong công việc, thì thời điểm này cũng là lúc dự định ra đi của họ càng lớn.
Nếu công ty hiện tại không thể cung cấp các cơ hội để Gen Z thử thách và hoàn thiện năng lực của mình thì bạn nên biết rằng công ty bạn không thể giữ nổi họ đâu.
Xem thêm: Doanh nghiệp có Turnover rate bao nhiêu là ổn?
Hiện thực nói lên Gen Z tài năng như thế nào?
Mặc dù được nhận xét là có khả năng tập trung thấp hơn các thế hệ trước đó. Nhưng họ có một ưu điểm sẽ khiến các thế hệ trước lắc đầu chào thua. Đó là Gen Z sở hữu khả năng xử lý nhiều thông tin cùng lúc một cách nhanh chóng.
Với sự linh hoạt trong suy nghĩ, bộ não của thế hệ Z đã quen với việc xử lý đồng thời các thông tin đến từ nhiều nguồn khác nhau. Những bạn trẻ này có thể vừa tạo một văn bản trên máy laptop, vừa nghiên cứu thông tin trên máy tính bảng, vừa ghi chú vào một ứng dụng. Thậm chí, Gen Z có thể làm những việc này trong khi ngồi trước màn hình TV và vẫn đang nói chuyện FaceTime với bạn bè.
Thế hệ tự học này cũng thoải mái tiếp thu kiến thức trực tuyến hơn là cách học truyền thống. Họ đã bắt đầu chứng tỏ mình là một thế hệ đáng gờm. Khả năng tự học cao dẫn đến việc Gen Z có thể thích ứng với các yêu cầu mới một cách dễ dàng và họ không ngại thay đổi môi trường quen thuộc để đạt được những điều mới.
Gen Z ít lý tưởng hoá hơn thế hệ Millennials vì họ lớn lên trong thời kỳ áp lực kinh tế toàn cầu. Nhiều người thuộc Gen Z nhận thức sâu sắc rằng cần tiết kiệm cho tương lai và quan trọng tính ổn định của công việc hơn là một mức lương cao. Họ dùng tài năng và kiến thức của mình để tham gia vào lực lượng lao động từ sớm. Theo khảo sát, 42% Gen Z từ 17 đến 23 tuổi đã làm việc, dưới hình thức toàn thời gian, bán thời gian hoặc tự do.
Xem thêm: Cơ hội hay thách thức cho nhân sự khi tuyển dụng trên social media
Để chinh phục lao động Gen Z, doanh nghiệp cần một chiến lược bài bản
Hãy hiểu rằng, với Gen Z thì “Internet là chân lý” và mong muốn nắm thế chủ động của họ cũng rất cao. Khi lựa chọn công ty, họ chủ động tìm hiểu tất cả thông tin của công ty trên mạng và từ đánh giá của cộng đồng. Trong bối cảnh đó, nếu doanh nghiệp của bạn không có chỗ đứng trên không gian ảo thì khả năng tác động đến Gen Z sẽ rất thấp.
Vì họ là những cư dân số, hãy trao cho họ cơ hội học hỏi, trau dồi và vận dụng các kỹ năng công nghệ. Đó là cách thức hiệu quả giúp nguồn nhân lực được đào tạo và cống hiến tài năng của mình cho công ty.
Idalia Salsamendi, Giám đốc kinh doanh tại Chriselle Inc cho biết : “Những nhân viên thuộc Gen Z họ có một niềm tin rằng họ có thể là một phần của giải pháp nào đó khi thực hiện giải quyết một nhiệm vụ.”
Việc chấp nhận phản hồi chính là sự tôn trọng quyền lợi của họ trong công việc. Đồng thời điều này cho họ cảm giác họ là một phần quan trọng, tạo ra sự liên kết bền vững giữa sếp và nhân viên.
Xem thêm: Ưu nhược điểm của những kênh tuyển dụng: Mạng xã hội, Website, Headhunter
Tạm kết
Công nghệ đã mang đến cho Gen Z một mức độ kết nối, đổi mới chưa từng có giữa họ với phần còn lại của thế giới. Với nhiều doanh nghiệp, điều này sẽ mang lại cả thách thức lẫn cơ hội hấp dẫn.
Và hãy nhớ rằng: bước đầu tiên để nắm bắt bất kỳ cơ hội nào là hãy cởi mở.