Ngày cập nhật 2024-11-21 23:04:08

Dấu hiệu nhận biết văn hoá doanh nghiệp bị nhiễm độc

(769 Bình chọn)

Văn hóa doanh nghiệp thường có sức ảnh hưởng rất lớn đến mỗi công ty. Nó có thể góp phần tăng năng suất lao động của nhân viên nhưng đồng thời cũng có thể làm giảm động lực của họ và ảnh hưởng trực tiếp đến công việc mà họ đang làm. 

Một nền văn hóa tiêu cực có thể khiến các nhân sự giỏi rời đi hoặc làm mất mối làm ăn của doanh nghiệp với khách hàng, cho nên việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp lành mạnh cần phải được thực hiện một cách nhanh chóng và nghiêm túc nhất.

Tuy nhiên, nhiều công ty lại rơi vào cái bẫy tạo ra văn hóa doanh nghiệp tiêu cực thay vì một văn hóa lành mạnh bởi cái bẫy ấy có thể rình rập xuất hiện trong bất kỳ doanh nghiệp nào. Vậy nên, nhà quản trị cần kiểm tra doanh nghiệp mình có đang vướng phải một hoặc nhiều dấu hiệu cho thấy văn hoá công ty bị nhiễm độc để có những phương án phòng tránh.

1. Giao tiếp nội bộ kém

Thiếu tinh thần đồng đội trong văn phòng có thể là một yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Các xung đột thường nảy sinh khi việc giao tiếp trở nên khó khăn, gượng ép và không thoải mái. Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi giao tiếp nội bộ kém là một dấu hiệu không thể phủ nhận của một nền văn hóa độc hại. 

Nếu doanh nghiệp của bạn mong muốn tạo ra một nền văn hóa nơi mọi người đều thân thiện và hỗ trợ lẫn nhau thì chắc chắn giao tiếp là một yếu tố then chốt. Hãy đảm bảo nhân viên có thể tự do nói lên suy nghĩ của họ mà không e ngại bất kỳ rào cản nào.

Xem thêm: Truyền thông nội bộ là gì? Cách xây dựng chiến lược hiệu quả

2. Thiếu kỷ luật làm việc

Một nền văn hóa doanh nghiệp thiếu kỷ luật sẽ khiến cho văn phòng trở nên hỗn loạn, hơn nữa, nó còn là nền tảng hình thành nên những hành vi thiếu đạo đức. Trong nhiều ngành công nghiệp, việc duy trì quy cách đạo đức tốt là một việc tối quan trọng.

Vì vậy, khi các cá nhân không tuân thủ theo quy tắc thì lãnh đạo cần phải nhanh chóng xử lý. Cho dù có sử dụng biện pháp gay gắt hay không thì nhà quản lý cũng phải hành động để ngăn chặn việc này đi xa hơn. Nếu không hành động kịp thời, các nhân viên khác có thể sẽ thấy hành vi coi thường kỷ luật này không gặp bất cứ hình phạt nào và do đó họ cũng sẽ bắt chước làm theo.

3. Những thói quen xấu khi làm việc

Những thói quen xấu thường có thể bắt đầu từ phía lãnh đạo. Nếu quản lý của một công ty có thói quen xấu khi đi làm, họ có thể khiến cho nhân viên tin rằng đó là điều đúng đắn và có thể bắt chước làm theo. Ví dụ, nếu quản lý liên tục đi làm muộn, nhân viên sẽ hiểu rằng điều đó không có gì sai và họ cũng có thể làm như vậy. 

Và sau cùng thì điều đó sẽ khiến cho văn hóa doanh nghiệp trở nên cực kỳ độc hại. Vậy nên, hãy lưu ý rằng văn hóa doanh nghiệp tiêu cực có thể xuất phát từ những thói quen xấu do không quản lý nhân viên một cách quy củ.

4. Kỹ năng quản lý và lãnh đạo kém

Giống như những thói quen xấu, việc quản lý kém cũng thể là một nguyên nhân lớn dẫn đến việc đi xuống của văn hóa doanh nghiệp. Văn hóa có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ việc duy trì những thói quen xấu, cho đến việc không quản lý nhân viên đúng cách. 

Để khắc phục điều này thì bạn hãy đảm bảo ban lãnh đạo công ty đặt ra những tiêu chuẩn nhất định để quản lý nhân viên cũng như những quản lý những giá trị văn hóa tốt đẹp của doanh nghiệp.

Xem thêm: Leadership là gì? Những yêu cầu cần có của khả năng Leadership

5. Tập trung vào lợi nhuận

Việc đảm bảo công ty hoạt động hết công suất có thể khá quan trọng, nhưng nếu chỉ tập trung vào lợi nhuận ròng có thể sẽ gây bất lợi cho văn hóa doanh nghiệp cũng như công việc kinh doanh. 

Trên thực tế, các công ty mà không có mục tiêu rõ ràng thường có xu hướng tập trung nhiều hơn vào lợi nhuận ròng và những kết quả trong ngắn hạn. Những công ty như vậy thường không phải là một môi trường thích hợp để nhân viên gắn bó lâu dài bởi vì người lao động sẽ luôn muốn làm việc cho các doanh nghiệp nỗ lực vì họ hơn là theo đuổi mục tiêu lợi nhuận.

Xem thêm: Tăng doanh thu 200% nhờ văn hóa doanh nghiệp

6. Kém gắn bó với công việc 

Sự gắn bó của nhân viên có thể là một trong những lý do ảnh hưởng đến quyết định tiếp tục làm việc cho doanh nghiệp tiếp hay không. Thật không may, mức độ gắn bó của nhân viên ở mức thấp lại đang khá phổ biến hiện nay. 

Tuy nhiên, để ngăn chặn điều này không phải là khó, bạn chỉ cần thổi một luồng không khí mới mẻ vào văn phòng bằng việc xây dựng những giá trị văn hóa tốt đẹp nhất. Chẳng hạn, hãy dành thời gian cho các cuộc trò chuyện không liên quan đến công việc, hoặc tổ chức một số trò chơi nhẹ nhàng, vui vẻ cho nhân viên để nghỉ giải lao giữa giờ, khiến cho họ cảm thấy công việc bớt căng thẳng và không nhàm chán, từ đó giúp họ cảm thấy muốn gắn bó lâu dài với công việc hơn.

7. Thiếu sự đồng cảm

Khi nói đến sự tương tác giữa người với người thì đồng cảm là một yếu tố rất quan trọng. Gắn bó với nhân viên và có sự đồng cảm với họ cũng như cuộc sống của họ là điều cơ bản để tạo dựng những mối quan hệ cũng như văn hóa tốt đẹp chốn công sở. 

Việc hiểu và đồng cảm với điểm mạnh và điểm yếu của đồng nghiệp là một việc rất đáng hoan nghênh, bởi vì sẽ luôn có những công việc có thể rất dễ dàng với người này nhưng lại khá khó khăn đối với người khác.

8. “Bà tám” công sở

Cho dù môi trường làm việc của doanh nghiệp bạn có như thế nào thì việc ngồi lê đôi mách chắc chắn là một điều không hề hay ho. Việc này có thể gây ảnh hưởng đến bầu không khí trong giờ làm việc, làm thay đổi văn hóa doanh nghiệp và thậm chí có thể gây ra tình trạng bắt nạt giữa các nhân viên khiến cho họ không muốn tiếp tục làm việc. Việc xì xào bàn tán trong văn phòng cũng có thể gây tổn thương, ức chế và khiến nhân viên trở nên khép kín và thu mình hơn.

Để giải quyết vấn đề này, điều tốt nhất cần phải làm là trao đổi trực tiếp với những người hay có biểu hiện bàn tán cũng như những người thực sự bị ảnh hưởng bởi việc đó. Từ đó, hãy bắt đầu tạo ra một văn hóa lành mạnh bằng việc nói chuyện với mọi người trong văn phòng như một nhóm hòa đồng để gắn kết mối quan hệ giữa các nhân viên lại với nhau.

>>> Xem thêm:

Doanh nghiệp có Turnover rate bao nhiêu là ổn?

Lý do ảnh hưởng đến quyết định nghỉ việc của nhân viên

7 điều nhà quản trị nên làm khi gặp khủng hoảng nhân sự

Trần Viết Quân

Bài viết nổi bật