Ngày cập nhật 2025-01-21 13:53:55

Phân Biệt Vùng Miền Trong Công Việc, Tuyển Dụng Bị Xử Phạt Ra Sao?

Phân biệt vùng miền trong công việc là một trong những nguyên nhân đánh mất cơ hội cho cả nhân viên cũng như các doanh nghiệp. Hiện nay vấn nạn này tuy đã được khắc phục phần nào nhưng vẫn còn tồn tại. Vậy những hành vi này bị xử phạt ra sao và cần được giải quyết thế nào? Theo dõi bài viết dưới đây của Tanca.

Phân biệt vùng miền (kỳ thị vùng miền) là như thế nào?

phân biệt vùng miền

Theo khoản 8 Điều 3 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về phân biệt đối xử lao động như sau: “Phân biệt đối xử trong lao động là hành vi phân biệt, loại trừ hoặc ưu tiên dựa trên chủng tộc, màu da, nguồn gốc quốc gia hoặc nguồn gốc xã hội, dân tộc, giới tính, độ tuổi, tình trạng thai sản, tình trạng hôn nhân, tôn giáo, tín ngưỡng, chính kiến, khuyết tật, trách nhiệm gia đình hoặc trên cơ sở tình trạng nhiễm HIV hoặc vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp có tác động làm ảnh hưởng đến bình đẳng về cơ hội việc làm hoặc nghề nghiệp.

Việc phân biệt, loại trừ hoặc ưu tiên xuất phát từ yêu cầu đặc thù của công việc và các hành vi duy trì, bảo vệ việc làm cho người lao động dễ bị tổn thương thì không bị xem là phân biệt đối xử.”

Như vậy, dựa trên quy định đã được trình bày, nếu một công ty thực hiện việc phân biệt vùng miền trong quá trình tuyển dụng, có thể coi đó là hành vi phân biệt đối xử trong lao động.

Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý rằng nếu việc phân vùng miền trong tuyển dụng xuất phát từ yêu cầu đặc thù của công việc và được thực hiện nhằm duy trì và bảo vệ việc làm cho người lao động tránh bị tổn thương, thì không được coi là hành vi phân biệt đối xử.

Kỳ thị vùng miền là việc phân biệt và miệt thị nhân viên đến từ các tỉnh, thành phố khác nhau trong môi trường công sở.

Ví dụ, một số cá nhân trong công ty thường có thái độ kỳ thị đối với nhân viên từ Thanh Hóa. Họ cho rằng những người từ Thanh Hóa đều keo kiệt, xấu tính và chỉ biết lợi dụng người khác xung quanh. Thậm chí, một số bạn trẻ còn sử dụng các biệt danh khó nghe như "vùng đất", "quốc gia Thanh Hóa" hay "nước Thanh Hóa" để ám chỉ người Thanh Hóa.

Ngoài ra, có một số bộ phận trong công ty, đặc biệt là những người sinh ra và lớn lên ở thành phố lớn, coi thường những người từ nông thôn hoặc các tỉnh khác. Thậm chí ngay cả người Hà Nội cũng có thể bị kỳ thị. Một số người gọi người Hà Nội là "dân Bắc Kỳ". Mặc dù đây là hành động không tốt, nhưng nó vẫn tồn tại hàng ngày trong nhiều doanh nghiệp ngày nay và trở thành vấn đề khó giải quyết triệt để.

Xem thêm: Phân Biệt Tuổi Tác Trong Công Việc

Phân biệt vùng miền có bị phạt không?

nhân viên làm việc

Công ty phân biệt vùng miền khi tuyển dụng có bị xử phạt không?

Căn cứ Điều 8 Bộ luật Lao động 2019, các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động được quy định như sau:

Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động

1. Phân biệt đối xử trong lao động.

Như vậy, hành vi phân biệt đối xử trong lao động là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động. Công ty phân biệt vùng miền khi tuyển dụng sẽ bị xử lý theo quy định khoản 2 Điều 8 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:

Điều 8. Vi phạm về tuyển dụng, quản lý lao động

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Phân biệt đối xử trong lao động trừ các hành vi phân biệt đối xử quy định tại điểm d khoản 1 Điều 13, khoản 2 Điều 23, khoản 1 Điều 36 và khoản 2 Điều 37 Nghị định này;

Lưu ý: theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt trên là mức phạt áp dụng cho trường hợp người vi phạm là cá nhân. Trường hợp nếu người vi phạm là tổ chức thì mức phạt sẽ bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, công ty có hành vi phân biệt vùng miền khi tuyển dụng có thể bị xử phạt hành chính từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng (trừ những hành vi quy định tại điểm d khoản 1 Điều 13, khoản 2 Điều 23, khoản 1 Điều 36 và khoản 2 Điều 37 Nghị định 12/2022/NĐ-CP thì sẽ có những mức phạt cụ thể khác).

Người phân biệt vùng miền có thể bị phạt tù hay không?

Căn cứ Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi điểm e khoản 2 Điều 2 Luật số 12/2017/QH14), người có hành vi phân biệt vùng miền theo mức độ mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác. Cụ thể, hình phạt đối với tội làm nhục người khác có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng hoặc có thể bị phạt tù từ 01 đến 05 năm.

Hơn nữa, căn cứ Điều 116 Bộ luật Hình sự 2015, người có hành vi phân biệt vùng miền còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phá hoại chính sách đoàn kết. Cụ thể, hình phạt đối với tội phá hoại chính sách đoàn kết có thể bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm hoặc cao nhất từ 07 đến 15 năm nếu:

  • Gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa nhân dân với chính quyền nhân dân, với lực lượng vũ trang nhân dân, với các tổ chức chính trị - xã hội;
  • Gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam;
  • Phá hoại việc thực hiện chính sách đoàn kết quốc tế.

Xem thêm:

Biểu hiện của phân biệt vùng miền chốn công sở

công sở

Đưa ra yêu cầu không tuyển dụng ứng viên tại một vùng miền nhất định

Một hiện tượng phổ biến trong quá trình tuyển dụng là khi các doanh nghiệp đặt yêu cầu cụ thể về việc không tuyển dụng ứng viên từ một vùng miền nhất định.

Đôi khi, dù không tìm thấy ứng viên tiềm năng phù hợp cho vị trí công việc cụ thể mà doanh nghiệp đang tuyển dụng, hồ sơ của những ứng viên có năng lực phù hợp vẫn bị loại bỏ chỉ vì họ đến từ vùng miền bị kỳ thị.

Chế giễu giọng nói, cách phát âm của người thuộc tỉnh thành khác

Chế giễu giọng nói và cách phát âm của đồng nghiệp đến từ các tỉnh thành khác đôi khi là một hình thức kỳ thị vùng miền trong môi trường công sở.

Một ví dụ điển hình cho tình trạng này là khi những người trong công ty bắt chước hoặc chế giễu giọng nói của một ai đó từ vùng miền khác. Nguyên nhân không phải vì họ đang tạo ra tiếng cười, cũng không phải vì họ có tính hài hước hay đang kể chuyện hóm hỉnh, mà chỉ đơn giản là bởi cách phát âm và giọng nói của người đó được coi là hài hước.

Mặc dù hành động này chưa chắc là dấu hiệu rõ ràng của kỳ thị vùng miền, nhưng thái độ và cách thể hiện của đồng nghiệp có thể gây ra sự buồn bã và thất vọng cho người bị chế giễu.

Xem thường năng lực của nhân viên thuộc một vùng nào đó

Tình trạng này thể hiện qua việc quản lý trong doanh nghiệp coi thường nhân viên của mình và cho rằng họ không có khả năng hoàn thành công việc, hoặc phủ nhận những đóng góp và ý kiến mà nhân viên đó đưa ra. Mặc dù mọi người trong công ty đánh giá nhân viên đó là có năng lực.

Hành vi coi thường năng lực của nhân viên được thể hiện bằng cách sử dụng những lời mỉa mai không hay ho, như "em không làm được đâu", "em phải cố gắng hơn các bạn ở Hà Nội để thoát khỏi cái bóng của vùng tỉnh", và những lời khác.

Xa lánh, tạo áp lực khi làm việc

Tình trạng này có thể rõ ràng thấy khi người từ miền Bắc đến làm việc tại miền Nam. Một số người cho rằng dân Hà Nội thuộc "Bắc Kỳ", dù trong quá trình làm việc, họ nói chuyện nhẹ nhàng, nhưng lại cố ý nói nhanh để người Hà Nội không nghe rõ.

Mặc dù chỉ là một phần nhỏ trong tổ chức doanh nghiệp tại miền Nam, nhưng điều này đã cho thấy sự kỳ thị vùng miền một cách rõ ràng.

Ảnh hưởng của phân biệt vùng miền

Đối với người bị kỳ thị

  • Giảm hiệu quả công việc: Khi bị kỳ thị, người lao động thường trở nên chán nản và thiếu động lực trong công việc. Họ không muốn tham gia vào các hoạt động tập thể và thường chỉ muốn làm việc một mình. Điều này dẫn đến giảm hiệu quả công việc của họ.
  • Tác động tiêu cực đến tâm lý: Kỳ thị vùng miền làm cho người lao động cảm thấy tự ti, mặc cảm và có thể bị tổn thương tinh thần. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề tâm lý như trầm cảm, lo âu và ảnh hưởng đến sự tự tin và sự phát triển cá nhân.

Đối với người kỳ thị

  • Gây mất đoàn kết nội bộ: Kỳ thị vùng miền gây căng thẳng và tạo khoảng cách trong mối quan hệ giữa các đồng nghiệp. Điều này ảnh hưởng đến tinh thần làm việc và sự đoàn kết của toàn bộ nhóm hoặc tổ chức.
  • Gây mất cơ hội phát triển: Người kỳ thị thường không sẵn lòng hợp tác và giúp đỡ người khác, kể cả những người có tài năng. Điều này làm hạn chế cơ hội phát triển cho những người tài năng và ảnh hưởng đến sự tiến bộ và sự đa dạng trong tổ chức.

Làm gì khi bị phân biệt vùng miền?

Đối với người lao động

  • Xây dựng lòng tự tin: Người lao động cần tin tưởng vào bản thân mình và không để những lời kỳ thị ảnh hưởng đến tâm lý. Họ cần nhớ rằng, mỗi người đều có những ưu điểm và khuyết điểm riêng, và không nên đánh giá người khác dựa trên xuất thân hay quê quán. Tự tin trong bản thân sẽ giúp họ vượt qua những trở ngại và đạt được thành công.
  • Liên tục học hỏi và trau dồi kiến thức, kỹ năng: Người lao động cần luôn nỗ lực học hỏi và phát triển kiến thức, kỹ năng của mình để nâng cao giá trị cá nhân. Việc này sẽ giúp họ được đánh giá cao hơn và giảm khả năng bị kỳ thị. Bằng việc có kiến thức và kỹ năng chuyên môn vững vàng, họ có thể khẳng định được giá trị và đóng góp của mình.
  • Làm việc chuyên nghiệp: Người lao động cần làm việc một cách chuyên nghiệp, tập trung vào công việc và không để những lời kỳ thị ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc. Họ cần thể hiện năng lực và trình độ của mình để chứng minh rằng họ xứng đáng được tôn trọng. Bằng cách làm việc chuyên nghiệp, họ sẽ tạo được ấn tượng tích cực và xóa bỏ những định kiến đối với vùng miền.

Tóm lại, việc xây dựng lòng tự tin, không ngừng học hỏi và trau dồi kiến thức, kỹ năng, cùng với việc làm việc chuyên nghiệp sẽ giúp người lao động vượt qua kỳ thị vùng miền và đạt được thành công trong môi trường công việc.

Đối với doanh nghiệp

  • Xây dựng văn hóa doanh nghiệp tôn trọng và bình đẳng: Để đảm bảo sự công bằng và tôn trọng trong đối xử với người lao động, doanh nghiệp cần xây dựng văn hóa doanh nghiệp đề cao sự bình đẳng và không phân biệt đối xử dựa trên xuất thân hay quê quán. Điều này phải được thể hiện rõ ràng trong chính sách và quy định của doanh nghiệp, cũng như trong cách ứng xử của các cấp lãnh đạo.
  • Tăng cường hoạt động giao lưu và gắn kết nhân viên: Doanh nghiệp nên tổ chức các hoạt động giao lưu và tạo sự gắn kết giữa các nhân viên nhằm xóa bỏ những định kiến và rào cản về vùng miền. Các hoạt động này có thể là buổi sinh nhật tập thể, dã ngoại, hoạt động team building, và những hoạt động khác để tạo cơ hội cho nhân viên hiểu nhau hơn và tạo sự gần gũi.
  • Áp dụng biện pháp xử lý nghiêm minh: Để ngăn chặn và giải quyết tình trạng kỳ thị vùng miền, doanh nghiệp cần thiết lập các quy định xử lý nghiêm minh trong trường hợp này. Các biện pháp xử lý có thể bao gồm nhắc nhở, khiển trách, và thậm chí sa thải những người có hành vi kỳ thị. Điều này sẽ tạo ra một môi trường làm việc chuyên nghiệp, tôn trọng và không chấp nhận hành vi kỳ thị.

Kết luận

Nếu bạn đang là nạn nhân của phân biệt vùng miền trong công việc thì chúng tôi hy vọng bài viết này đã mang lại nhiều thông tin bổ ích về vấn đề này cho bạn. Theo dõi Tanca thường xuyên để nắm bắt thêm nhiều thông tin cũng như bài viết thú vị.

Lê Thị Thuỳ Vi
Bài viết mới
Bài viết liên quan