Ngày cập nhật 2024-09-08 04:04:50

Bí Mật Kinh Doanh Là Gì? Hành Vi Tiết Lộ Bí Mật Kinh Doanh Bị Xử Lý Ra Sao?

Bí mật kinh doanh là gì? là câu hỏi tuy không mới nhưng vẫn còn rất nhiều người chưa nắm rõ được khái niệm này dẫn tới những thiếu sót, sai phạm trong quá trình kinh doanh và làm việc. Theo dõi bài viết sau của Tanca để hiểu một cách chi tiết hơn về thông tin này cũng như cách xử lý của pháp luật khi tiết lộ bí mật kinh doanh.

Bí mật kinh doanh là gì?

bí mật kinh doanh

Theo khoản 23 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009), Bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh.

Bí mật kinh doanh có các đặc điểm như sau:

  • Là thông tin thu thập được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ.
  • Là thông tin chưa được bộc lộ.
  • Là thông tin có khả năng sử dụng trong kinh doanh.

Hầu như bất kỳ loại thông tin nào cũng có thể là bí mật kinh doanh:

  • Bí mật kinh doanh có thể bao gồm thông tin liên quan đến một công thức, mẫu hàng, thiết bị hoặc tập hợp các loại thông tin khác mà được sử dụng trong một thời gian nhất định trong một doanh nghiệp.
  • Thông thường, bí mật kinh doanh là thông tin kỹ thuật dùng trong quá trình sản xuất hàng hoá.
  • Bí mật kinh doanh có thể liên quan đến chiến lược tiếp thị, xuất khẩu hoặc bán hàng, hay phương pháp lưu trữ tài liệu hoặc các quy trình và thủ tục quản lý kinh doanh, kể cả phần mềm dùng cho các hoạt động kinh doanh.

Xem thêm:

Quy định về bí mật kinh doanh

những điều cơ mật

Chủ sở hữu bí mật kinh doanh

Theo khoản 3 Điều 121 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009), chủ sở hữu bí mật kinh doanh là tổ chức, cá nhân có được bí mật kinh doanh một cách hợp pháp và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó.

Bí mật kinh doanh mà bên làm thuê, bên thực hiện nhiệm vụ được giao có được khi thực hiện công việc được thuê hoặc được giao thuộc quyền sở hữu của bên thuê hoặc bên giao việc, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.

Điều kiện chung bảo hộ bí mật kinh doanh

Theo Điều 84 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009, quy định về điều kiện chung đối với bí mật kinh doanh được bảo hộ:

  • Không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được.
  • Khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ bí mật kinh doanh lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó.
  • Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được.

Các đối tượng không được bảo hộ dưới danh nghĩa bí mật kinh doanh

Theo Điều 85 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009), các thông tin bí mật sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa bí mật kinh doanh:

  • Bí mật về nhân thân
  • Bí mật về quản lý nhà nước
  • Bí mật về quốc phòng, an ninh
  • Thông tin bí mật khác không liên quan đến kinh doanh.

Sử dụng bí mật kinh doanh

Theo khoản 4 Điều 124 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009), việc sử dụng bí mật kinh doanh được thực hiện thông qua các hành vi như sau:

  • Áp dụng bí mật kinh doanh để sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ, thương mại hàng hoá.
  • Bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán, nhập khẩu sản phẩm được sản xuất do áp dụng bí mật kinh doanh.

Quyền ngăn cấm người khác sử dụng bí mật kinh doanh

Chủ sở hữu bí mật kinh doanh và tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng bí mật kinh doanh có quyền ngăn cấm người khác sử dụng bí mật kinh doanh nếu việc sử dụng đó không thuộc các trường hợp sau:

  • Bộc lộ, sử dụng bí mật kinh doanh thu được khi không biết và không có nghĩa vụ phải biết bí mật kinh doanh đó do người khác thu được một cách bất hợp pháp.
  • Bộc lộ dữ liệu bí mật nhằm bảo vệ công chúng theo quy định tại khoản 1 Điều 128 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009).
  • Sử dụng dữ liệu bí mật quy định tại Điều 128 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009) không nhằm mục đích thương mại.
  • Bộc lộ, sử dụng bí mật kinh doanh được tạo ra một cách độc lập.
  • Bộc lộ, sử dụng bí mật kinh doanh được tạo ra do phân tích, đánh giá sản phẩm được phân phối hợp pháp với điều kiện người phân tích, đánh giá không có thỏa thuận khác với chủ sở hữu bí mật kinh doanh hoặc người bán hàng.

(Theo khoản 1, 3 Điều 125 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009))

Các hình thức xử lý xâm phạm bí mật kinh doanh

bảo mật

Xử phạt vi phạm hành chính

Theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 75/2019/NĐ-CP ngày 26/09/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh thì người xâm phạm bí mật kinh doanh sẽ bị phạt tiền từ 200 triệu đến 300 triệu đồng nếu thực hiện một trong các hành vi sau:

  • Tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó;
  • Tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.

Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính về cạnh tranh và/ hoặc tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.

Khởi kiện dân sự

Biện pháp dân sự được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh theo yêu cầu của chủ sở hữu bí mật kinh doanh, kể cả khi hành vi đó đã hoặc đang bị xử lý bằng biện pháp hành chính. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp dân sự tuân theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Xử lý kỷ luật sa thải đối với người lao động

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 125 Bộ luật Lao động thì hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động là một trong các căn cứ để xử lý kỷ luật sa thải đối với người lao động đang làm việc cho doanh nghiệp. Trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật sa thải được thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động và nội quy lao động của doanh nghiệp.

Một số câu hỏi liên quan

Tại sao cần đăng ký bảo hộ bí mật kinh doanh?

Bí quyết kinh doanh là một công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp trở nên độc đáo và vượt trội hơn so với đối thủ cạnh tranh. Trong bối cảnh sự cạnh tranh trên thị trường ngày càng ác liệt, để tồn tại và phát triển, mỗi doanh nghiệp phải nỗ lực tạo ra những đặc điểm riêng biệt cho mình. Đăng ký bảo hộ bí mật kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp ngăn chặn việc sử dụng bí mật kinh doanh của mình bởi người khác. Điều này giúp bảo vệ những yếu tố khác biệt và lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp một cách hiệu quả.

Ví dụ về bí mật kinh doanh

Bí mật kinh doanh có thể bao gồm những thông tin tiềm năng như thông tin kỹ thuật, khoa học và tài chính. Đây có thể là kế hoạch kinh doanh, quy trình kinh doanh, danh sách khách hàng quan trọng, danh sách nhà cung cấp đáng tin cậy hoặc đặc biệt, mô tả chi tiết về các đặc điểm kỹ thuật của sản phẩm, tính năng của sản phẩm, giá mua nguyên vật liệu, dữ liệu thử nghiệm, hình vẽ hoặc phác thảo kỹ thuật, thông số kỹ thuật sản xuất, công thức nấu ăn độc quyền, công thức tính toán, nội dung sổ ghi chú trong phòng thí nghiệm, cơ cấu lương bổng của công ty, giá sản phẩm và ngân sách quảng cáo, mã nguồn, mã máy, cơ sở dữ liệu và bộ sưu tập dữ liệu điện tử, hợp đồng chứa các chi tiết liên quan đến ràng buộc thị trường, tài liệu quảng cáo hoặc tiếp thị đang được xây dựng.

Có thể chuyển giao bí mật kinh doanh được không?

Việc chuyển giao bí mật kinh doanh không rơi vào các trường hợp hạn chế việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp được quy định tại Điều 139 của Luật Sở hữu trí tuệ, cũng như không thuộc các trường hợp hạn chế việc chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp quy định tại Điều 142 của Luật Sở hữu trí tuệ. Do đó, chủ sở hữu bí mật kinh doanh có thể chuyển giao bí mật kinh doanh cho một bên thứ ba.

Việc chuyển giao bí mật kinh doanh được thực hiện thông qua hợp đồng bằng văn bản. Hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu bí mật kinh doanh phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau: Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng, căn cứ chuyển nhượng, giá trị chuyển nhượng, quyền và nghĩa vụ của bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng.

Hợp đồng chuyển quyền sử dụng bí mật kinh doanh phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau: Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển quyền và bên nhận quyền, căn cứ chuyển giao quyền sử dụng, dạng hợp đồng, phạm vi chuyển giao (bao gồm hạn chế về quyền sử dụng và lãnh thổ), thời hạn hợp đồng, giá trị chuyển giao quyền sử dụng, quyền và nghĩa vụ của bên chuyển quyền và bên nhận quyền.

Những thách thức và hạn chế của việc bảo hộ bí mật kinh doanh là gì?

Bí mật kinh doanh không thể được bảo vệ để ngăn chặn việc thu thập thông tin một cách công bằng và trung thực, chẳng hạn như thông qua sự độc lập trong việc phân tích hoặc giải mã.

Nếu một người không có quyền hợp pháp truy cập vào những thông tin bí mật kinh doanh, nhưng vẫn có thể giải mã thông tin đó mà không sử dụng bất kỳ phương tiện bất hợp pháp nào như kỹ thuật phân tích ngược hoặc sáng chế độc lập, thì người đó không thể bị cấm sử dụng thông tin đã tìm ra. Trong những trường hợp như vậy, chủ sở hữu bí mật kinh doanh không thể thực hiện bất kỳ hành động pháp lý nào để chống lại người đó.

Đối với các sáng chế có khả năng được cấp bằng độc quyền, nhược điểm của việc bảo hộ sáng chế dưới hình thức bí mật kinh doanh là:

  • Những bí mật có trong sản phẩm sáng tạo có thể bị tìm ra thông qua "kỹ thuật phân tích ngược" và được sử dụng một cách hợp pháp.
  • Bảo hộ theo hình thức bí mật kinh doanh chỉ bảo vệ chống lại việc lợi dụng, sử dụng hoặc tiết lộ thông tin bí mật một cách trái phép.
  • Bí mật kinh doanh rất khó thực thi, vì mức độ bảo hộ được cho là yếu hơn so với bằng độc quyền sáng chế.
  • Một người có thể đăng ký bảo hộ sáng chế đối với bí mật kinh doanh của người khác nếu người đó phát hiện và đạt được sáng chế tương tự với bí mật kinh doanh này bằng các biện pháp hợp pháp.

Kết luận

Bài viết trên đã tổng hợp một cách đầy đủ các thông tin cho câu hỏi Bí mật kinh doanh là gì? Hi vọng qua chúng tôi đã giải đáp được phần nào những thắc mắc của bạn về chủ đề thú vị này. Đừng quên theo dõi Tanca mỗi ngày để thường xuyên đón đọc thêm nhiều kiến thức bổ ích mới trong kinh doanh và đời sống.

Lê Thị Thuỳ Vi
Bài viết mới
Bài viết liên quan