Ngày cập nhật 2024-05-02 08:32:47

Banquet Manager là gì? Mô tả công việc và mức lương

Banquet Manager là gì? Tại sao nhiều nhà tuyển dụng ở  những nhà hàng, khách sạn…luôn đăng tuyển vị trí này trong công việc của mình? Để giải đáp những thắc mắc trên, hãy cùng Tanca theo dõi bài viết dưới đây.

Banquet Manager Là Gì?

Banquet Manager

Banquet là gì và cơ cấu nhân sự của bộ phận Banquet

Theo từ điển tiếng Anh, Banquet có nghĩa là bữa tiệc thịnh soạn. Trong ngành nhà hàng, khách sạn thì Banquet là bộ phận thuộc lĩnh vực F&B (Food & Beverage). Nhiệm vụ của bộ phận Banquet là chuẩn bị, sắp xếp và thực hiện yêu cầu về những buổi tiệc tiệc cho những khách hàng đã đặt trước (có thể là tiệc cưới, tiệc gặp mặt, tiệc hội nghị…).

Thông thường, Banquet là bộ phận thường thấy ở các khách sạn tiêu chuẩn từ 3 đến 5 sao. Việc đầu tư và duy trì bộ phận này mang lại rất nhiều lợi ích cho các khách sạn. Đặc biệt vào mùa thấp điểm ít khách đặt phòng thì đây là nguồn doanh thu chính của khách sạn.

Bộ phận Banquet bao gồm:

  • Banquet Manager (Quản lý tiệc): Chịu trách nhiệm quản lý và điều hành mọi hoạt động của các bộ phận, có trách nhiệm báo cáo và làm việc trực tiếp với F&B Manager.
  • Assistant Banquet Manager (trợ lý trưởng phòng tiệc): Hỗ trợ Banquet Manager quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của nhân viên, xử lý các tình huống phát sinh trong bộ phận và thay mặt trưởng phòng tiệc tham gia các cuộc họp của khối F&B (nếu được yêu cầu).
  • Banquet Supervisor (giám sát tiệc): Quản lý, giám sát tất cả các khâu của các bộ phận tổ chức sự kiện.
  • Banquet Captain (tổ trưởng tổ tiệc): Trực tiếp hướng dẫn, điều chỉnh nhân viên khi phục vụ tiệc, quản lý, giám sát tất cả các khâu từ chuẩn bị, phục vụ cho đến khi kết thúc tiệc. Đồng thời, tổ trưởng cũng tham gia vào việc chuẩn bị, đón tiếp và phục vụ khách.
  • Phục vụ bàn: là những người trực tiếp phục vụ khách hàng.

Banquet Manager là gì?

Quản lý tiệc (Banquet Manager) là vị trí chịu trách nhiệm quản lý các hoạt động chính của bộ phận Tiệc – bao gồm hội nghị, hội thảo, tiệc cưới… ở nhà hàng, khách sạn. Banquet Manager sẽ làm việc dưới sự quản lý chung của F&B Manager.

Xem thêm: Permalancer là gì?

Công việc và nhiệm vụ của Banquet Manager

hội nghị đặt tiệc

Mô tả công việc của Banquet Manager

Hợp tác tổ chức hội nghị:

  • Phối hợp với bộ phận Kinh doanh tiệc lên kế hoạch sơ bộ tổ chức hội nghị, tiệc đã đặt.
  • Làm việc với F&B Manager, Chef, Banquet sales về kế hoạch tổ chức sự kiện - đảm bảo mọi yêu cầu của khách hàng được đáp ứng một cách tốt nhất.
  • Khi cần thiết có thể làm việc trực tiếp với khách hàng để nắm bắt yêu cầu chính xác nhất.

Lập kế hoạch tổ chức sự kiện:

  • Phối hợp với Banquet Supervisor, Banquet Captain, nhân viên thiết kế, nhân viên trang trí,… lên kế hoạch tổ chức chi tiết cho từng sự kiện. Xác định số lượng nhân sự thiết yếu, yêu cầu các dịch vụ kèm theo và báo cáo lên cấp trên để lấy xác nhận.
  • Theo kế hoạch đã duyệt, phân chia - giao nhiệm vụ cụ thể cho cấp dưới.
  • Theo dõi tiến độ hoàn thiện các công tác chuẩn bị, đảm bảo khung cảnh hội trường, hệ thống âm thanh ánh sáng, sân khấu, bàn ghế, dụng cụ phục vụ… được chuẩn bị đúng tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Điều hành, giám sát quá trình tổ chức của hội nghị, yến tiệc:

  • Tổ chức họp giao ban trước sự kiện để nắm bắt tình hình chuẩn bị, phân công, điều chỉnh nhiệm vụ cho những bộ phận khác.
  • Phối hợp với các bên liên quan kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi phục vụ khách hàng.
  • Đứng quan sát và theo dõi toàn bộ quá trình diễn ra của sự kiện để xử lý kịp thời những tình huống phát sinh.
  • Giám sát toàn bộ nhân viên trong khi tiệc đang diễn ra, phối hợp hỗ trợ giữa các vị trí khi có xảy ra trường hợp cấp bách.
  • Hướng dẫn nhân viên giải quyết các yêu cầu đặc biệt của khách hàng trong phạm vi thẩm quyền cho phép.
  • Giải quyết các vấn đề phát sinh với khách hàng trong quá trình tổ chức sự kiện khi cấp dưới yêu cầu hỗ trợ.

Tuyển dụng, đào tạo và quản lý nhân viên:

  • Gửi yêu cầu tuyển dụng cho bộ phận nhân sự, đảm bảo đủ nhân sự đáp ứng được toàn bộ khối lượng công việc của bộ phận Banquet.
  • Phối hợp với phòng nhân sự tham gia quá trình phỏng vấn tuyển dụng nhân viên.
  • Phân công cấp dưới hướng dẫn công việc cho nhân viên mới trong quá trình thử việc.
  • Tham gia đào tạo nghiệp vụ cho nhân viên ở các bộ phận khác trong nhà hàng, khách sạn.
  • Đánh giá, xếp loại kết quả làm việc của nhân viên, đề nghị khen thưởng cá nhân xuất sắc và kỷ luật cá nhân có sai phạm trong công việc.
  • Giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn giữa nhân viên, xây dựng môi trường làm việc lành mạnh, hòa đồng, đoàn kết.

Những công việc khác của Banquet Manager:

  • Giữ mối quan hệ tốt với nhiều khách hàng, thuyết phục được những khách hàng tiềm năng chọn tổ chức tiệc tại nơi mình làm việc.
  • Tham gia các chiến dịch truyền thông, quảng bá thương hiệu cho nhà hàng, khách sạn.
  • Tổ chức kiểm kê tài sản định kỳ của mỗi bộ phận để có kế hoạch bổ sung mới báo cáo cấp trên.
  • Đề xuất các sáng kiến, ý tưởng khả thi nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.
  • Xem xét tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân viên và đề xuất ý kiến cấp trên.
  • Họp bộ phận định kỳ, phân công nhiệm vụ cho cấp dưới, tham gia các cuộc họp liên quan.
  • Thực hiện các yêu cầu công việc khác theo sự phân công của F&B Manager & Assistant F&B Manager.

Nhiệm vụ của Banquet Manager 

  • Lập kế hoạch sự kiện.
  • Quản lý nhân viên.
  • Sắp xếp hậu cần.
  • Quản lý chất lượng sản phẩm.
  • Quan hệ với khách hàng.

Xem thêm: Dự kiến top những nghề sẽ biến mất trong tương lai

Cơ hội nghề nghiệp và mức lương của Banquet Manager

Cơ hội nghề nghiệp

Cơ hội nghề nghiệp

Với sự phát triển về các ngành dịch vụ và sự tăng lên của những nhu cầu về các sự kiện có chất lượng tốt, những Banquet Manager có nhiều cơ hội để phát triển và đạt được những thành tựu lớn trong sự nghiệp của họ. Điều quan trọng là tiếp tục xây dựng kiến thức chuyên môn, cung cấp dịch vụ đặc biệt và theo kịp sự phát triển của ngành để nắm bắt các cơ hội phát triển nghề nghiệp tốt.

Mức lương

Hiện nay, mức lương của Banquet Manager dao động từ 12 đến 30 triệu đồng mỗi tháng, tùy vào năng lực của mỗi người và quy mô nhà hàng khách sạn đang làm việc.

Yêu cầu tuyển dụng Banquet Manager hiện nay

  • Tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng các chuyên ngành như quản trị khách sạn, quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành...
  • Có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm ở những vị trí tương tự.
  • Có các chứng chỉ tiếng Anh như Ielts, Toeic,...
  • Khả năng giao tiếp tốt, khả năng ứng xử và giải quyết tình huống nhanh nhạy, khéo léo.
  • Có tư duy nhạy bén, có khả năng sắp xếp công việc một cách khoa học.
  • Khả năng quản lý thời gian, điều hành nhân sự tốt,...

Trên đây là những giải đáp cho câu hỏi Banquet Manager là gì? Tanca hy vọng bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những thông tin bổ ích về Banquet Manager và cơ hội việc làm của ngành nghề này. Nếu có thắc mắc, bạn hãy để lại ý kiến trong phần bình luận bên dưới nhé.

Lê Thị Thuỳ Vi
Bài viết mới
Có thể bạn quan tâm