Ngày cập nhật 2024-04-26 14:38:00

4 cách tính lương phổ biến trong doanh nghiệp

4 cách tính lương phổ biến

Lương có sức hút và có tác động lớn đến các nhân viên. Một quy chế tính trả lương tốt sẽ có thể nâng cao năng suất và chất lượng lao động, thêm vào đó là giúp doanh nghiệp thu hút và giữ chân nhân tài. 

Mong rằng bài viết sẽ giúp bạn có cái nhìn sơ qua về 4 cách tính lương phổ biến và lựa chọn được cách tính lương tốt nhất cho doanh nghiệp mình.

Vai trò của tiền lương

- Đối với bản thân và gia đình người lao động

Tiền lương là nguồn thu nhập, nguồn sống chủ yếu của đại bộ phận người lao động và gia đình họ. 

Lương thực, thực phẩm và các dịch vụ thiết yếu cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của bản thân và gia đình người lao động phần lớn được đáp ứng từ nguồn tiền lương của họ.

Điều đó cho thấy mức độ duy trì và nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động  đến đâu sẽ phụ thuộc rất nhiều vào số tiền lương mà họ nhận được khi tham gia quan hệ lao động.

- Đối với người sử dụng lao động

Tiền lương là bộ phận quan trọng của chi phí sản xuất. Vì vậy tiền lương là một trong những căn cứ để người sử dụng lao động hoạch định chiến lược sản xuất kinh doanh, tổ chức và quản lý lao động trong đơn vị. 

Thông qua vai trò kích thích người lao động phát huy tài năng, sáng tạo, tích lũy kinh nghiệm … tiền lương chính là đòn bẩy kinh tế, thúc đẩy tiết kiệm nguyên vật liệu, tăng năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế trong doanh nghiệp.

Xem thêm: Mẹo quản lý tiền lương đạt hiệu quả cao cho doanh nghiệp

4 cách tính lương trong doanh nghiệp

Người sử dụng lao động có quyền lựa chọn hình thức trả lương. Hình thức trả lương đã chọn phải được duy trì trong một thời gian nhất định; trường hợp thay đổi hình thức trả lương, thì người sử dụng lao động phải thông báo cho người lao động biết trước ít nhất 10 ngày (Điều 94-Bộ luật lao động).

- Lương thời gian: Lương trả cho người lao động phụ thuộc vào thời gian (ngày công/giờ công) làm việc của họ. Thường áp dụng vào công việc có tính chất ổn định: nghiệp vụ, hành chính.

- Lương doanh số: Lương trả cho người lao động phụ thuộc vào doanh số họ đạt được. Thường áp dụng cho nhân viên bán hàng hoặc công việc có tính chất tương tự.

- Lương sản phẩm: Lương trả cho người lao động phụ thuộc vào số lượng/chất lượng sản phẩm họ làm ra. Thường áp dụng cho công nhân sản xuất và các vị trí có liên quan nhiều đến sản xuất.

- Lương khoán: Lương trả cho người lao động phụ thuộc vào khối lượng công việc mà họ hoàn thành. Thường áp dụng cho công việc có tính chất ngắn hạn/tạm thời.

4 cách tính lương trong doanh nghiệp

1. Tính trả lương theo thời gian

Lương thời gian = (Mức lương tháng :  Ngày công chuẩn) x Ngày công tính lương   

Trong đó:

- Mức lương tháng: Mức tiền lương tháng của mỗi cá nhân.

- Ngày công chuẩn: 26 ngày/24 ngày/22 ngày.

- Ngày công tính lương bao gồm:

✔ Ngày làm việc + Ngày nghỉ có hưởng lương.

✔ Công ca đêm (trả thêm ít nhất 30% so với ban ngày).

✔ Công tăng ca/ngoài giờ (đơn giá cao theo luật).

Theo Luật lao động:

- Thời giờ làm việc bình thường không quá 8 giờ/ngày và không quá 48 giờ/tuần. Trường hợp làm việc theo tuần thì thời giờ làm việc không quá 10 giờ/ngày và không quá 48 giờ/tuần.

- Ngày nghỉ có hưởng lương:

✔ Lễ tết: 10 ngày/năm (từ 1/5/2013)

✔ Phép năm: 12 ngày/năm:

- Người sử dụng lao động có quyền quy định lịch nghỉ hàng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động.

- Người lao động do thôi việc, bị mất việc làm hoặc vì các lý do khác mà chưa nghỉ hàng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hàng năm thì được thanh toán bằng tiền những ngày chưa nghỉ:

✔ Kết hôn: 03 ngày

✔ Con kết hôn: 01 ngày.

✔ Bố đẻ, mẹ đẻ, bố vợ, mẹ vợ hoặc bố chồng, mẹ chồng chết; vợ chết hoặc chồng chết, con chết: nghỉ 03 ngày.

- Thời gian làm việc ngoài giờ hành chính:

✔ Làm việc vào ban đêm: 

Làm việc vào ban đêm (từ 22 giờ đến 06 giờ sáng hôm sau) được trả thêm ít nhất bằng 30% so với tiền lương theo công việc của ngày bình thường. 

Nhưng chỉ tính tăng 30% với 4 tiến làm việc đêm.

Ví dụ nếu làm 6 tiếng đêm (22 giờ đến 4 giờ sáng) thì chỉ tính lương 130% với 4 tiếng, 2 tiếng còn lại vẫn sẽ tính theo mức cơ bản.

✔ Làm thêm giờ/tăng ca vào ngày thường: 

Làm thêm giờ ban ngày: 150%. 

Làm thêm giờ vào ban đêm: ít nhất 30%. 

Trả thêm 20% theo đơn giá tiền lương theo công việc làm vào ban ngày.

✔ Làm thêm giờ/tăng ca vào ngày nghỉ: 

Làm thêm giờ ban ngày: 200%. 

Làm thêm giờ ban đêm: Ngoài việc trả lương theo quy định trên, người lao động còn được trả thêm 20% lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương tính vào công việc làm vào ban ngày.

2. Tính trả lương theo doanh số

Lương doanh số = (Mức lương doanh số) x (Tỷ lệ tính lương doanh số)

Trong đó:

- Mức lương doanh số: Xác định/thỏa thuận ngay từ ban đầu.

- Doanh số chỉ tiêu: Giao đầu mỗi tháng.

- Doanh số thực đạt: Thực tế bán được trong tháng.

- Tính tỷ lệ đạt doanh số: Doanh số thực đạt/Doanh số chỉ tiêu

Xác định tỷ lệ tính lương doanh số dựa vào tỷ lệ đạt doanh số và căn cứ theo chính sách lương doanh số của Công ty. 

Trên thực tế, hầu hết các doanh nghiệp không chỉ đơn thuần áp dụng duy nhất hình thức trả lương theo doanh số mà còn kết hợp đồng thời 02 hình thức: Trả lương theo thời gian + trả lương theo doanh số để áp dụng trả lương cho lao động có kết quả công việc gắn liền với doanh số. 

3. Tính trả lương theo sản phẩm

Lương sản phẩm = (Đơn giá lương sản phẩm) x (Sản lượng)

Trong đó:

- Đơn giá sản phẩm do doanh nghiệp tính toán, quyết định.

- Sản lượng: Số sản phẩm công nhân xuất trong kỳ (tuần/tháng).

Lưu ý: Công thức trên chưa đề cập đến chất lượng sản phẩm.

Trường hợp có tính đến yếu tố chất lượng sản phẩm thì công thức tính lương sản phẩm được điều chỉnh như sau:

Lương sản phẩm = (Đơn giá lương sản phẩm) x (Sản lượng) x (Hệ số điều chỉnh)

Trong đó: Hệ số điều chỉnh căn cứ theo chất lượng sản phẩm xuất ra.

Ví dụ: Loại A là 1,0. Loại B là 0,9. Loại C là 0,5.

4. Tính trả lương khoán

Lương khoán = (Mức lương khoán) x ( Khối lượng hoặc tỷ lệ công việc hoàn thành)

Trong đó: Khối lượng công việc/tỷ lệ công việc hoàn thành theo thỏa thuận hoặc theo quy định của Công ty.

Điều chú ý: Trong phương pháp trả lương khoán thì người sử dụng lao động phải xác định một tỷ lệ hay đơn giá khoán phù hợp. Đồng thời đặt ra mức hoàn thành công việc khác nhau ở mỗi mức cao hơn sẽ có tỷ lệ khoán cao hơn. Có thể kèm tiền thưởng bổ sung nhằm phát huy tối đa năng lực, khuyến khích người lao động đạt được thành tích cao hơn trong công việc.

Lương khoán được trả căn cứ vào:

   +   Hợp đồng giao khoán việc.

   +  Biên bản nghiệm thu công việc…

Xem thêm: Hệ thống lương 3p - Khái niệm, tầm quan trọng và cách tính

Kỳ hạn lương và nguyên tắc trả lương

nguyên tắc trả lương

1. Kỳ hạn lương

- Người lao động hưởng lương giờ, ngày, tuần thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc. Hoặc được trả gộp do hai bên thỏa thuận, nhưng ít nhất 15 ngày phải được trả gộp một lần

- Người lao động hưởng lương tháng được trả lương tháng một lần hoặc nửa tháng một lần

- Còn người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thỏa thuận của hai bên. Nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hàng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.

2. Nguyên tắc trả lương

- Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng hạn.

- Trường hợp do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng thời hạn theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động thì: không được trả chậm quá 01 tháng.

- Việc người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động do trả lương chậm được quy định như sau:

+ Nếu thời gian trả lương chậm dưới 15 ngày thì không phải trả thêm.

+ Nếu thời gian trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì phải trả thêm một khoản tiền ít nhất bằng số tiền trả chậm nhân với lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.

+ Nếu Ngân hàng Nhà nước không quy định trần lãi suất thì được tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng của ngân hàng thương mại. (Ngân hàng nơi doanh nghiệp, cơ quan mở tài khoản giao dịch thông báo tại thời điểm trả lương).

(Điều 24 Nghị định 05/2015/NĐ-CP)

Xem thêm: Review 10 phần mềm tính lương tốt nhất

Trần Viết Quân