Ngày cập nhật 2024-12-26 13:01:21

Nhà quản trị doanh nghiệp tham khảo ngay 4 xu hướng chiến lược mới

xu hướng chiến lược mới

1. Sử dụng nguồn lực bên ngoài

Với những dịch vụ không then chốt, nhà quản trị doanh nghiệp có thể cân nhắc phương thức thuê ngoài (outsourcing). Cách này có thể giúp doanh nghiệp giảm chi phí vận hành, giải quyết bài toán thiếu hụt nhân sự hoặc cần tinh gọn bộ máy. Vào thời điểm thích hợp, thuê ngoài sẽ tối ưu được cực kì nhiều khoản chi phí, giúp doanh nghiệp tập trung hoàn toàn vào ngành kinh doanh cốt lõi.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích rõ ràng của cách thức này thì doanh nghiệp cũng cần nghĩ đến một số thách thức. Có nhiều trường hợp thuê ngoài gặp thất bại và phát sinh nhiều chi phí ngoài dự kiến, mất kiểm soát hoặc thuê ngoài vốn không phù hợp với doanh nghiệp.

Khi thực hiện các hợp đồng outsourcing, doanh nghiệp có thể phải đối mặt với nguy cơ bị lộ bí mật kinh doanh. Do vậy, hãy chú trọng lựa chọn công ty (hoặc cá nhân) có đẳng cấp và uy tín trên thị trường để “gửi gắm”. Còn đối với những công việc có rủi ro không đáng kể, bạn vẫn có thể sử dụng dịch vụ của những công ty nhỏ hơn để tiếp tục mục đích tiết kiệm chi phí.

Chốt lại, nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ lưỡng được và mất trước khi quyết định sử dụng cách thức này trong chiến lược kinh doanh.

Xem thêm: Leadership là gì? Những yêu cầu cần có của khả năng Leadership

2. Tạo ra thương hiệu có bản sắc riêng

Về viễn cảnh chiến lược, quan điểm hàng hóa (commodities) đề cập sự khó khăn ngày càng tăng mà doanh nghiệp cần phải tạo ra bản sắc riêng so với thương hiệu khác nếu muốn đứng vững trên thị trường.

Những cải tiến nhanh chóng về kỹ thuật đã tạo ra vô số cơ hội cho doanh nghiệp trong việc đa dạng hóa sản phẩm so với đối thủ cạnh tranh. Vấn đề nảy sinh là sự khác biệt có thể vượt ra ngoài nhu cầu người mua, và có thể làm họ bối rối với quá nhiều lựa chọn khi có ít thời gian để tìm hiểu.

Để đơn giản hóa lựa chọn, người mua thường có xu hướng xem sản phẩm như hàng hóa và biến quá trình mua hàng thành việc đơn thuần xem xét vài yếu tố then chốt, những đặc điểm quan trọng của sản phẩm, độ tin cậy, hay sự thuận tiện.

Quan điểm hàng hóa có thể tạo ra các vấn đề nghiêm trọng cho doanh nghiệp, dẫn đến việc chi tiêu thêm để nâng cao tính năng sản phẩm, trong lúc người mua luôn quan tâm đến giá cả hàng đầu. Điểm mấu chốt chính là nhà quản trị cần vạch ra chiến lược sản phẩm thể hiện được bản sắc của doanh nghiệp, mà điều này còn khiến khách hàng ra quyết định mua hàng, bỏ qua cân nhắc về giá cả.

3. Sản xuất ở nước thứ hai

xu huong chien luoc

Sản xuất ở hải ngoại hay nước thứ 2 (offshoring) có nghĩa là tái bố trí một phần hay toàn bộ quá trình chế tạo hay kinh doanh sang quốc gia khác, thường để giảm chi phí. Phương pháp này tương tự như thuê ngoài, nhưng doanh nghiệp có thể giữ lại sự kiểm soát hoạt động ở hải ngoại thay vì giao hẳn cho các doanh nghiệp đó.

Toàn cầu hóa đã dẫn đến việc tăng thuê ngoài, sản xuất tại nước ngoài và còn một số tác động khác không dễ xác định. Chẳng hạn, tuy kinh nghiệm cho thấy tiền lương của công nhân có kỹ năng thấp thường bị giảm khi doanh nghiệp sử dụng lao động rẻ ở nước ngoài, vẫn có một số quan điểm cho rằng thuê ngoài và sản xuất tại nước ngoài có thể mang lại tác động tích cực cho tiền lương và sự phát triển kinh tế tại các nước giàu.

Mặt khác, thuê ngoài và sản xuất tại nước ngoài khá phức tạp, đặc biệt khi các công ty tiến hành thuê ngoài làm những việc nhạy cảm về chính trị hoặc liên quan đến vấn đề an toàn. Thuê ngoài và sản xuất tại nước ngoài cũng có thể khó có hướng giải quyết thỏa đáng do sự khác biệt về môi trường và sự phức tạp trong quan hệ giữa doanh nghiệp với quốc gia sở tại.

Đáng chú ý là không phải bao giờ thuê ngoài cũng chỉ đề cập đến việc doanh nghiệp ở các nước phát triển tìm lao động ở những nền kinh tế mới nổi, mà vẫn có trường hợp ngược lại.

Xem thêm: Doanh nghiệp quản trị rủi ro – Phòng bệnh hơn chữa bệnh

4. Định hướng khách hàng đại chúng

Một xu hướng chiến lược khác là định hướng khách hàng đại chúng (mass customization), đề cập khả năng cung cấp sản phẩm và dịch vụ đáp ứng nhu cầu đặc biệt của người mua. Định hướng này có vai trò quan trọng, vì cho phép doanh nghiệp đặc trưng hóa sản phẩm theo khách hàng, đồng thời vẫn tạo được hiệu quả kinh tế theo quy mô sản xuất, là tình huống khi sản lượng tăng thì chi phí một đơn vị sản phẩm hay dịch vụ sẽ giảm.

Theo lý thuyết tổng quát, định hướng khách hàng đại chúng tỉ lệ nghịch với hiệu quả kinh tế theo quy mô. Tuy nhiên, trong thực tế, các doanh nghiệp vẫn có thể đạt được cả định hướng khách hàng đại chúng lẫn hiệu quả kinh tế theo quy mô nhờ tiếp cận công nghệ và sáng tạo.

Cần lưu ý là quan điểm hàng hóa và định hướng khách hàng đại chúng có liên quan với nhau theo một mức độ nào đó. Chẳng hạn, công nghệ tạo thuận lợi cho chiến lược định hướng khách hàng đại chúng có thể giúp doanh nghiệp vượt qua những thách thức của quan điểm hàng hóa.

>>> Xem thêm:

Chiến lược Đại dương Xanh là gì? Tổng hợp các kiến thức bạn cần biết

Tháp nhu cầu Maslow là gì? Cách ứng dụng trong Kinh doanh, Marketing và Nhân sự

9 mô hình chiến lược và kế hoạch phổ biến nhất

Trần Viết Quân