Ngày cập nhật 2024-04-25 09:41:31

Bắt mạch 7 bệnh mãn tính trong quản trị doanh nghiệp Việt

quản trị doanh nghiệp

1. Bệnh Chiến lược

Chiến lược là phần quan trọng trong quản trị doanh nghiệp, thể hiện con đường phát triển trong ngắn và dài hạn của một doanh nghiệp. Tuy nhiên, bệnh thiếu chiến lược là bệnh mà rất nhiều doanh nghiệp mắc phải, phổ biến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thể hiện cụ thể là thiếu hoặc chưa tự đánh giá doanh nghiệp mình về 5 vấn đề lớn, gồm:

- Điểm mạnh, yếu (nội lực của doanh nghiệp) về quản trị, văn hóa doanh nghiệp, nguồn lực.

- Những cơ hội và thách thức về kinh tế, công nghệ, khách hàng và đối thủ cạnh tranh.

- Thiếu hoặc chưa tự đánh giá doanh nghiệp thường xuyên trong quá trình phát triển kinh doanh.

- Thiếu hoặc chưa có chiến lược qua từng thời kỳ hoạt động.

- Thiếu hoặc chưa có sự chia sẻ giữa bộ máy lãnh đạo và bộ phận thừa hành.

Xem thêm: 9 mô hình chiến lược và kế hoạch phổ biến nhất

2. Bệnh Kỹ năng quản trị

Bệnh này thể hiện ở hoạt động dẫn dắt và hoạt động kiểm tra của lãnh đạo doanh nghiệp “có vấn đề”. Khi các nhà quản trị doanh nghiệp giao việc cho cấp dưới thường giao một chiều, không hướng dẫn công việc, không động viên nhân viên, thiếu sự đồng cảm chia sẻ với nhân viên, không giải quyết tốt những mâu thuẫn giữa người cũ và người mới trong doanh nghiệp.

Trong hoạt động kiểm tra, doanh nghiệp thiếu theo dõi hoạt động của nhân viên thường xuyên, không so sánh hiệu quả công việc của nhân viên, khi nhân viên có sai sót thì đổ thừa, không giúp họ sửa sai.

Bên cạnh đó còn tồn tại một vấn đề rất lớn nữa là người quản lý bị ôm việc. Phần lớn vấn đề này thường xảy ra đối với những Chuyên viên kinh nghiệm lâu năm vừa được đề bạt lên vị trí Quản lý. Họ chưa thoát ra được thói quen mỗi ngày đến là nhận nhiệm vụ và thực thi các công tác được giao. Dẫn đến khi là trở thành Quản lý, họ cũng được nhận những kế hoạch từ Ban Giám Đốc, nhưng rồi tự mình ôm lấy tất cả và tự mình xử lý.

Xem thêm: Leadership là gì? Những yêu cầu cần có của khả năng Leadership

3. Bệnh Kế toán – Tài chính

Nhiều nhà quản trị doanh nghiệp hiện nay không cho cấp dưới biết những thông tin về nguồn vốn, lời, lỗ (phân tích theo ngành hàng doanh nghiệp kinh doanh), dòng tiền với những phân tích thấu đáo nên nhân viên rất thiếu thông tin, hạn chế sự sáng tạo phấn đấu đưa doanh nghiệp phát triển.

Trong hoạt động kế toán-tài chính, nhiều doanh nghiệp không có số liệu thống kê liên tục qua các năm nên không thể hoạch định được kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Việc đối chiếu sổ sách, chứng từ, hoá đơn làm không đến nơi đến chốn, bộ phận Kế toán - Tài chính không thường xuyên rà soát, phân tích và đề xuất những sáng kiến làm lành mạnh tình hình tài chính của doanh nghiệp.

Xem thêm: Kiến thức tổng quan về quản trị tài chính doanh nghiệp

4. Bệnh Nhân sự

những sai lầm trong quản trị doanh nghiệp

Ông Lê Phụng Hào, Trưởng ban đào tạo VMA, chẩn căn bệnh này như sau: Nhiều doanh nghiệp thiếu hoạch định chiến lược nhân sự, không phân biệt được vai trò giữa quản trị nhân sự và quản trị nguồn nhân lực, nhầm lẫn giữa duy trì động lực và tạo động lực bên trong của đội ngũ nhân viên, không phát triển được lực lượng kế thừa (bệnh sống lâu lên lão làng) và tạo được sự cạnh tranh lành mạnh trong nội bộ doanh nghiệp.

Một vấn nạn khác về nhân lực của các doanh nghiệp là sự chuyên quyền. Hiện không ít doanh nghiệp mà giám đốc độc quyền, không tin cấp dưới, không phân quyền nên suốt ngày nhận “trình, bẩm”, từ đó ra quyết định chậm, bỏ lỡ cơ hội kinh doanh. Nhiều vị giám đốc bị động, không chủ động lên kế hoạch đối phó với những thách thức từ môi trường khách quan bên ngoài.

Xem thêm: 7 bước để quản lý nguồn nhân lực chiến lược

5. Bệnh Marketing

Doanh nghiệp thiếu hoạch định chiến lược Marketing, thiếu định vị sản phẩm (nhắm tới đối tượng khách hàng là ai, tạo sự khác biệt sản phẩm của mình để cạnh tranh); xem việc phát triển thương hiệu như là làm quảng cáo mà không coi phát triển thương hiệu như phát triển một con người, không thiết lập được hệ thống phân phối hiệu quả.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam hiện nay chiếm khoảng 98 % tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước. Tuy nhiên, họ thường không biết tiếp cận nguồn vốn như thế nào, làm sao để xây dựng thương hiệu, làm sao để tiếp cận đúng khách hàng mục tiêu mà không quá tốn kém.

Có một chiến lược Marketing mà các chuyên gia khuyên các doanh nghiệp vừa và nhỏ triển khai là sử dụng nghệ thuật chiến đấu du kích. Trên “mặt trận” marketing, đây là lối đánh chú trọng sự mai phục để có thể gây bất ngờ cho đối thủ cạnh tranh nhằm giành phần thắng. Những yếu tố bất ngờ với những phương cách lạ, chưa từng có, không theo nguyên tắc thường thấy làm cho đối tượng tiếp xúc phải ngạc nhiên mà nhớ về sự khác biệt của sản phẩm, về thương hiệu của doanh nghiệp là mục tiêu tối thượng của marketing du kích.

Xem thêm: Design Thinking là gì? 5 Bước trong quy trình Design Thinking

6. Bệnh Sản xuất

- Doanh nghiệp chưa xác định được chiến lược hoạt động sản xuất luôn phục vụ cho chiến lược kinh doanh. 

- Chưa thiết lập hệ thống quản lý chất lượng thực sự (lầm lẫn ISO là công cụ tiếp thị, trong khi ISO là công cụ quản lý nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp).

- Chưa quản lý chi phí chất lượng (quên kiểm soát lãng phí vô hình – thường chiếm 20% chi chí của doanh nghiệp, mà chỉ chú ý chi phí hữu hình). 

- Chưa liên tục cải tiến chất lượng do chưa tạo được môi trường thúc đẩy sản xuất và sáng tạo trong doanh nghiệp.

Xem thêm: 3 nguyên nhân làm thất thoát hàng hoá, gây thiệt hại cho doanh nghiệp

7. Bệnh Sợ thay đổi

Tâm lý sợ thay đổi ở nhiều nhà quản trị doanh nghiệp được thể hiện một hình ảnh khái quát rất có ý nghĩa: “Không sợ bệnh, chỉ sợ thấy bệnh mà không chữa, bệnh trở thành tật”. Chính căn bệnh thứ 7 khiến cho doanh nghiệp ngại tiếp thu và thử cái mới, nhiều lúc đã bỏ qua những “phương pháp” chữa bệnh hiệu quả như các giải pháp hệ thống quản trị doanh nghiệp (ERP, CRM, HRM,…). Và điều đó chỉ làm cho doanh nghiệp ngày càng yếu đi, giảm sức cạnh tranh với đối thủ và kết cục tất yếu xảy ra không thể trụ lại được trên thương trường.

Trần Viết Quân