Ngày cập nhật 2024-04-25 06:43:07

5 cách đơn giản để “lên dây cót” tinh thần cho nhân viên

Truyền cảm hứng và thúc đẩy tinh thần làm việc giúp nhân viên thay đổi tư duy để suy nghĩ rộng và xa hơn công việc không chỉ là nghệ thuật mà còn là thử thách với rất nhiều lãnh đạo công ty.

Dưới đây là một số bí quyết để giúp nhân viên làm việc hiệu quả, các nhà lãnh đạo nên tham khảo:

Vẽ viễn cảnh về một tương lai tốt đẹp

viễn cảnh về một tương lai tốt đẹp

Việc chia sẻ với nhân viên về kỳ vọng phát triển và đưa ra bức tranh tổng thể của công ty trong tương lai sẽ tốt đẹp như thế nào là điều cần thiết. 

Thông qua những chia sẻ mang tính tích cực đó, nhân viên sẽ thấy sự đóng góp của mình đem lại kết quả gì và bản thân có vị trí như thế nào trong bức tranh toàn cảnh ấy. Từ đó mà họ ra sức phấn đấu, nỗ lực vì mục tiêu chung. 

Tuy nhiên những chia sẻ đó cần chân thành và xuất phát từ điều kiện cũng như khả năng thực tế của công ty chứ không phải là những viễn cảnh không tưởng để mê hoặc nhân viên.

Tạo thử thách để nhân viên phát triển tối đa tiềm năng

Tạo thử thách

Vị bác sĩ người Mỹ và là người tiên phong trong ngành công nghệ xe hơi H Nelson Jackson từng phát biểu: “Tôi không tin rằng chúng ta có thể làm công việc hiện tại với phương pháp đã làm trong quá khứ mà vẫn có thể thành công trong tương lai”.

Đó chính là lý do lãnh đạo cần phải giúp nhân viên thấy được tầm giá trị của việc liên tục phát triển. Điều này không chỉ tác động và ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai của chính nhân viên.

Những nhân viên xem phát triển bản thân là mục tiêu hàng đầu của quá trình làm việc thay cho các mục tiêu khác: tiền lương, chức vị,… luôn có cơ hội thành công cao hơn trong công việc.

Theo một nghiên cứu, có gần 70% nhân viên sẽ làm việc chăm chỉ và tạo dựng nên những kết quả tốt hơn nếu họ được công nhận và được sếp của họ tin tưởng. Vì vậy, khi nhân viên đạt được thành tựu, nhất định bạn hãy dành lời khen ngợi động viên một cách chân thành chứ tuyệt đối đừng quá chung chung, như vậy nhân viên sẽ cảm thấy không được tôn trọng.

Xem thêm: 7 điều nhà quản trị nên làm khi gặp khủng hoảng nhân sự

Cho nhân viên thấy vai trò của họ tạo ra sự khác biệt gì trong tương lai

vai trò của nhân viên

Những nhân viên tài năng luôn mong muốn làm việc ở công ty mà ở đó những giá trị và khả năng của họ được coi trọng. Thế nên, hãy đảm bảo rằng nhân viên cảm nhận được rằng những đóng góp của họ dành cho công ty luôn được ghi nhận, điều đó đôi lúc còn có giá trị hơn những yếu tố khác, thậm chí là lương cao.

Khi được chia sẻ và hiểu rõ vai trò của mình sẽ đóng góp tạo ra sự khác biệt như thế nào, nhân viên sẽ tăng nhận thức về giá trị của bản thân, thông qua việc làm chủ sở hữu tầm nhìn và có cảm hứng, động lực để làm việc tốt hơn. 

Bên cạnh đó, ở cương vị một nhà lãnh đạo, đôi lúc bạn cần dừng lại và khen ngợi những nhân viên tài năng của mình. Một lời khen tốt sẽ đạt được hiệu ứng tuyệt vời. Ví dụ, bạn có thể nói: “Tôi vô cùng trân trọng công sức bạn bỏ ra. Chúng ta đã theo đuổi khách hàng này trong suốt vài tháng nay, bạn thật sự xuất sắc khi kí hợp đồng thành công. Kết quả này tác động rất tích cực đến tình hình hoạt động của toàn công ty!”.

Báo cáo số liệu thông qua các câu chuyện sinh động

Báo cáo số liệu sinh động

“Chúng ta đều bị cuốn hút bởi các câu chuyện vì con người là sinh vật mang tính xã hội và luôn quan tâm đến những người khác”, đây chính là kết quả được khẳng định từ một nghiên cứu của Keith Quesenberry.

Chính vì vậy, hãy lược bỏ những buổi truyền đạt ý tưởng bằng báo cáo hay con số khô khan mà thay vào đó là những câu chuyện có thật của chính bản thân mình từ những ngày đầu lập nghiệp hay những kinh nghiệm, kỹ năng rút ra được từ những chuyến công tác của mình,…

Những chia sẻ đó sẽ xây dựng sự đồng cảm và giúp bạn dễ dàng lan truyền nhiệt huyết cũng như đam mê của mình cho người khác.

Xem thêm: Bài toán khó về cách quản lý nhân sự hiệu quả

Sẵn sàng đồng hành cùng nhân viên

đồng hành cùng nhân viên

Có rất nhiều công việc cần hoàn thành để lãnh đạo tập thể một cách hiệu quả, vì vậy việc bị cuốn vào dòng xoáy công việc và không thể tương tác cùng nhân viên là điều khó tránh khỏi. Một cách đơn giản để khắc phục khó khăn trên là sẵn sàng đồng hành cùng nhân viên.

Xắn tay áo cùng trao đổi, làm việc với nhân viên chính là cách để lãnh đạo nhận được góp ý, phản hồi từ khách hàng, đồng nghiệp và nhân viên một cách đầy đủ và chính xác nhất. Đây còn là cách để rút ngắn khoảng cách nhân viên – lãnh đạo, tăng cường sự gắn kết và tận tâm.

Xem thêm: Thúc đẩy sự tự giác của nhân viên trong thời đại 4.0

Tạm kết

Công việc không phải lúc nào cũng là một đường thẳng trải đầy niềm vui, sẽ có lúc những nhân viên của bạn thấy chán nản, thấy bế tắc và muốn buông xuôi. Đôi lúc, nhân viên cũng bị chi phối bởi cảm xúc và ngoại cảnh làm ảnh hưởng đến quá trình làm việc.

Những lúc này thay vì trách mắng thì một lãnh đạo giỏi phải biết cách “lên dây cót” tinh thần cho nhân viên của mình.

Những cách thức truyền cảm hứng kể trên đều không làm khó lãnh đạo nhưng để đạt được hiệu quả tối đa, bản thân mỗi người quản lý phải thật sự yêu thích và đam mê với công việc của chính mình và có niềm tin vào sự phát triển của công ty. 

Trần Viết Quân