Ngày cập nhật 2024-04-20 01:38:21

Văn hóa doanh nghiệp – Chìa khoá để phát triển bền vững

Văn hóa doanh nghiệp

Nhận định tại "Diễn đàn văn hoá doanh nghiệp thời cách mạng công nghiệp 4.0”, ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE, Viện trưởng Viện Giáo dục IRED, cho rằng, doanh nghiệp có văn hoá mạnh, tử tế mới có thể kiếm rất nhiều tiền, còn nếu không có văn hoá, có thể kiếm tiền được nhưng không bền vững.

Nguyên nhân doanh nghiệp không thành công khi xây dựng văn hoá?

Văn hoá doanh nghiệp có thể được xem là linh hồn của công ty. Và trong thời kỳ kinh tế hội nhập với thế giới, việc xây dựng một văn hoá doanh nghiệp thành công là điều mà rất nhiều doanh nghiệp Việt hướng đến, thế nhưng lại rất ít người thành công. Nguyên nhân có thể xuất phát từ bốn thực trạng chủ yếu sau:

- Nhà quản trị thiếu nhận thức sâu sắc về văn hoá và vai trò của văn hoá đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Hơn bao giờ hết, các lãnh đạo doanh nghiệp cần nhìn nhận cái giá đắt đỏ khi văn hóa doanh nghiệp không được xem trọng. Theo nghiên cứu năm 2019 do Viện Lao động tại Kronos (Mỹ) cho thấy văn hoá doanh nghiệp tiêu cực/độc hại là lý do lớn thứ hai khiến cho nhân viên cảm thấy kiệt sức (24%).

- Doanh nghiệp thiếu một tầm nhìn và giấc mơ rõ ràng về văn hoá doanh nghiệp. Không có giá trị cốt lõi, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thiết lập và xây dựng văn hoá. Những giá trị cốt lõi ấy không phải chỉ được nêu ra giấy mà cần phải trở thành nền tảng cho mọi hoạt động, chính sách, quy trình, hệ thống quản trị của doanh nghiệp.

- Nhà quản trị doanh nghiệp thiếu phương pháp, công cụ và giải pháp để xây dựng văn hoá trong thời đại mới.

- Doanh nghiệp thiếu nỗ lực kiên trì và bền bỉ trong quá trình xây dựng văn hoá.

Xem thêm: Chính sách thưởng phạt là chưa đủ để khuyến khích nhân viên

Tại sao phải cố xây dựng văn hoá doanh nghiệp? 

xây dựng văn hoá doanh nghiệp

Nhà quản trị kinh doanh cần hiểu: Đối thủ của bạn có thể sao chép tất cả mọi thứ, từ chiến lược, sản phẩm, hệ thống, quy trình cho đến bí quyết, công nghệ... nhưng chỉ trừ một thứ duy nhất họ không thể sao chép hay ăn cắp được đó chính là văn hoá của doanh nghiệp. 

"Văn hoá là lợi thế cạnh tranh quan trọng bậc nhất và bền vững nhất của doanh nghiệp".

Khái niệm kinh doanh, ý tưởng, chiến lược, kế hoạch, tầm nhìn thường trở thành nền tảng cho công cuộc xây dựng doanh nghiệp nhưng để duy trì phát triển lâu dài điều này còn phụ thuộc nền văn hóa doanh nghiệp hay có thể xem nó là linh hồn doanh nghiệp.

Yếu tố văn hoá luôn hình thành song song quá trình phát triển của doanh nghiệp. Văn hoá doanh nghiệp là văn hoá của một tổ chức vì vậy nó không đơn thuần là văn hoá giao tiếp hay văn hoá kinh doanh, nó cũng không phải là những khẩu hiệu của ban lãnh đạo được treo trước cổng hay trong phòng họp. Mà nó bao gồm sự tổng hợp của các yếu tố: giá trị, niềm tin, chuẩn mực, hành vi.

Cốt lõi của văn hoá doanh nghiệp là tinh thần doanh nghiệp và quan điểm giá trị của doanh nghiệp. Do đó có thể nói lại lần nữa văn hóa như là linh hồn của doanh nghiệp. Còn nếu nói nôm na: Nếu doanh nghiệp là máy tính thì văn hóa doanh nghiệp là hệ điều hành.

Và điều mà mọi doanh nhân phải đối mặt tại một thời điểm nào chính là việc phải tạo nên một nền văn hóa kinh doanh riêng cho tổ chức họ. Một văn hóa doanh nghiệp hiệu quả sẽ tạo ra một môi trường có lợi cho sự phát triển nhân viên nói riêng và cả tổ chức nói chung. Và văn hóa doanh nghiệp nó phản ánh giá trị, tầm nhìn mà chủ sở hữu muốn tạo ra.

Xem thêm: Tăng doanh thu 200% nhờ văn hóa doanh nghiệp

Những lưu ý xây dựng văn hóa doanh nghiệp vững mạnh

Xây dựng doanh nghiệp đều phải dựa trên nền tảng của sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau, nơi mà giá trị bản thể luôn được khuyến khích. 

Rất nhiều lãnh đạo đã mắc lỗi khi áp đặt văn hóa mà không khơi gợi nhận thức của nhân viên mình với các giá trị văn hóa. Nếu không giảng giải được cặn kẽ hệ thống các giá trị văn hóa của doanh nghiệp có ích lợi gì với nội bộ tổ chức, tất yếu mọi hình thức triển khai chỉ là phong trào. Một câu hỏi được đặt ra rằng, vậy những giá trị nào là hợp lý và giá trị nào là không hợp lý? Điều này tùy thuộc rất nhiều vào từng tổ chức riêng biệt.

Ngoài ra, cái bẫy lớn nhất mà các nhà lãnh đạo thường mắc phải khi định hướng văn hóa của doanh nghiệp là việc chỉ tập trung vào những cá nhân chống đối. Họ thường nghĩ theo logic: ”Nếu tối có thể khiến những cá nhân này ủng hộ thì mọi người cũng sẽ ủng hộ”. Đây là một sai lầm lớn mà bạn cần phải nhận ra và sửa chữa càng sớm càng tốt.

Khi nhà quản trị muốn xây dựng văn hóa doanh nghiệp nên thực hiện càng sớm càng tốt. Ngày nay văn hóa trong một tổ chức đã dần tiến đến mức độ cao nhất, trở thành một thứ rất giá trị, mà từ thế hệ này tới thế hệ khác luôn học tập và làm theo.

>>> Xem thêm:

6 yếu tố tạo nên văn hóa doanh nghiệp

Dấu hiệu nhận biết văn hoá doanh nghiệp bị nhiễm độc

3 cấp độ văn hoá doanh nghiệp

Trần Viết Quân