Ngày cập nhật 2025-01-21 08:43:36

Lateral thinking là gì? 3 Bước để rèn luyện kỹ năng tư duy sáng tạo

Lateral thinking – tư duy đường vòng là một phương pháp tư duy giúp bạn dễ dàng hơn trong cuộc sống ở thời đại của sự chuyển đổi và phát triển. Sự vận hành của một xã hội hiện đại sẽ đòi hỏi chúng ta phải có năng lực sáng tạo để liên tục thích nghi và giải quyết những vấn đề đang không ngừng phát sinh trong công việc cũng như cuộc sống hằng ngày. 

Hãy cùng Tanca tìm hiểu về một công cụ giúp bạn nhạy bén hơn trong việc sáng tạo để dễ dàng xử lý mọi vấn đề một cách thông minh hơn nhé.

1.  Lateral thinking là gì? Những ví dụ điển hình về Lateral thinking

Lateral thinking còn được biết đến với một tên gọi là tư duy đường vòng, hay tư duy ngoại biên. Đây là một phương pháp giải quyết vấn đề bằng cách tiếp cận sự việc một cách gián tiếp và sáng tạo, không tuân theo một lý luận hiển nhiên. Điểu này đồng nghĩa với việc khi bạn phát triển suy nghĩ theo hướng trái với logic thông thường, bạn sẽ gỡ được nút thắt của vấn đề.

câu nói của albert einstein về tư duy

Theo Albert Einstein, ông cũng nhận định rằng, để giải quyết một vấn đề, bạn sẽ phải có một góc nhìn khác, suy luận theo một kiểu tư duy khác với loại tư duy đã tạo ra vấn đề.

Khi bạn thoát khỏi khuôn khổ của những lập luận thông thường, và đặt câu hỏi ngược lại cho vấn đề mà bạn đang vướng phải, những ý tưởng mới sẽ xuất hiện và không bị gò bó bởi chiếc hộp giả thuyết vốn được đặt ra ban đầu. Đôi lúc, những ý tưởng thông minh và sáng tạo có thể xuất phát từ chính những suy nghĩ hết sức ngớ ngẩn.

suy luận cờ caro đột phá sáng tạo

Khái niệm Lateral thinking lần đầu tiên được nhắc đến bởi Tiến sĩ Edward de Bono - nhà tâm lý học người Maltese vào năm 1967. Ông là một nhà tâm lý học, là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực sáng tạo, và cũng là một tác giả nổi tiếng của hơn 62 quyển sách chuyên giảng dạy về kỹ năng tư duy dột phá.

Để giúp bạn hiểu hơn về phương pháp tư duy đường vòng này, hãy cùng thảo luận về câu chuyện được chính tác giả Edward de Bono đưa ra:

câu chuyện sáng tạo của vua
“Sự phán xét của vua Solomo (The Judgment of Solomon)

Đây là một câu chuyện trong Kinh thánh của người Do Thái, kể về cách xử án của vị vua Do Thái Solomon trong vụ tranh chấp con của hai bà mẹ. Cả hai người phụ nữ đều nhận đó là con của mình, tất nhiên một trong hai là một kẻ giả mạo. Để giải quyết vấn đề, vua Solomon đã yêu cầu cưa đôi đứa trẻ, mỗi người được nhận một nửa đứa trẻ. Bà mẹ thật sự khi nghe phán quyết như vậy đã chấp nhận nhường đứa con cho kẻ mạo danh để bảo vệ tính mạng của con mình. Qua đó, vị vua Solomon thông minh đã biết được ai là người mẹ thật sự thông qua phản ứng của họ khi nghe phán quyết.”

Đây được xem là một ví dụ điển hình về phương pháp tư duy đường vòng. Thay vì tuân theo lối suy luận bình thường, dựa vào tra khảo để tìm đáp án, thì vị vua này lại đưa ra một quyết định hết sức “điên rồ”. Nhưng cũng chính vì sự sáng tạo này của ông mà án xử đã được giải quyết nhanh chóng.

Không chỉ ở phương Tây, phương pháp Lateral thinking này cũng từng xuất hiện ở trong những câu chuyện dân gian của Việt Nam.

“Một bà già mất gà đã nổi điên chửi hàng xóm hết ngày này qua ngày khác. Cả xóm chịu hết nổi, bèn kéo nhau đến công đường nhờ phân xử. Vị quan cho phép mọi người thẳng tay tát kẻ làm náo loạn. Hầu hết mọi người nghĩ đến tình làng nghĩa xóm, lại thương bà già của đau con xót, nên chỉ vung tay rất nhẹ. Riêng kẻ trộm, sẵn cáu tiết vì bị nguyền rủa, đã xuống tay rất mạnh. Y liền bị bắt vì tội trộm cắp.”

Qua hai câu chuyện trên, có thể thấy phong cách tư duy đường vòng vốn dĩ không hề mới mà đã tồn tại trong nền văn minh nhân loại từ cổ chí kim. Trải qua nhiều thế kỷ, nó được truyền tải qua những câu chuyện dân gian và ngụ ngôn từ phương Tây sang phương Đông. Tiến sĩ Edward là người có công trong việc nghiên cứu và tổng hợp tài liệu để đặt ra một tên gọi. Ông đã phát triển loại hình tư duy này thành một kỹ năng cần thiết và được đưa vào giảng dạy như một bộ môn khoa học.

2.  Lateral thinking là công cụ hỗ trợ đắc lực trong công việc và cuộc sống.

Hình thức tư duy đường vòng cần thiết ở rất nhiều lĩnh vực.

Điển hình như ngành nghề luật sư, cảnh sát hay thám tử, vì hoàn cảnh sự việc cần điều tra sẽ không dễ dàng phơi bày trước mắt mà phải suy luận theo kiểu đường vòng từ nhiều khía cạnh khác nhau.

Đối với nhà văn, tiểu thuyết gia, họ sẽ cần đến kiểu tư duy đường vòng này để tạo ra những cú twist bất ngờ, làm cho kịch bản thêm phần hấp dẫn.

Những người làm trong bộ phận truyền thông và tiếp thị cũng cần sự sáng tạo để tạo ra những nội dung thuyết phục và táo bạo để khách hàng bị thu hút bởi sản phẩm hay dịch vụ của họ.

Đọc thêm: 5 bí kíp bán hàng “đắt như tôm tươi”

Vậy cụ thể thì Lateral thinking giúp bạn giải quyết những vấn đề gì? Dưới đây là 3 công năng điển hình nhất.

Khai thác ý tưởng mới

Tư duy đường vòng giúp bạn bứt phá khỏi lối suy nghĩ thông thường. Sẽ có càng nhiều ý tưởng mới được sinh ra khi bạn phát triển suy nghĩ theo lối gián tiếp, đa chiều theo nhiều góc độ khác nhau của đề tài tiền đề. Rồi bạn sẽ tiếp tục đi đường vòng từ những ý tưởng đó. Như vậy, não bộ của bạn sẽ phải liên tục thúc đẩy và tư duy sáng tạo để tạo ra ngày càng nhiều ý tưởng mới.

Phương pháp brainstorm này rất được ưa chuộng và thường được sử dụng ở các trường Đại học.

Giải quyết vấn đề

Khi tìm kiếm hướng giải quyết, Lateral thinking sẽ hướng đến việc thách thức ngược lại đề bài. Lộ trình tìm kiếm giải pháp của bạn sẽ tự do và linh hoạt hơn, không tuân theo bất kì một khuôn khổ hay trình tự nào nhờ vào tính sáng tạo vốn có của bản thân lối tư duy đường vòng này. Loại hình tư duy này khuyến khích bạn mở ra những còn đường mới, tiếp cận những thông tin và khái niệm ngoài lề vấn đề, từ đó khám phá được những hướng đi sáng tạo và thông minh hơn, ngay cả khi bạn đã tìm được phương hướng tiềm năng.
 

phân biệt hai phương pháp suy luận đơn chiều và đa chiều

Đánh giá lại các vấn đề cũ một cách toàn diện

Không chỉ giúp chúng ta trong việc tìm ra những hướng đi mới, Lateral thinking còn tạo ra một cái nhìn toàn diện hơn, là sự tổng hợp nhiều nhất có thể của các cách khác nhau. Phương thức tư duy này liên quan đến việc tái cấu trúc, tức đánh giá đa chiều một vấn đề và khơi gợi sự sáng tạo.

3.  3 cách để giúp bạn rèn luyện kỹ năng Lateral thinking

Sáng tạo là chìa khóa để đưa xã hội và con người ngày càng phát triển và vươn xa. Mọi sự phát minh mới đều bắt nguồn từ việc chúng ta sáng tạo trong quá trình hình thành một ý tưởng. Vì thế, sự tư duy sáng tạo là rất cần thiết đối với mỗi chúng ta, dù là trong công việc, học tập hay là cuộc sống hằng ngày.

Sau đây là 3 phương pháp giúp bạn có thể rèn luyện và phát triển khả năng tư duy ngoại biên của mình

Thực hành mind-map

Vẽ mind-map (sơ đồ tư duy) là một cách hiệu quả để tìm những phương hướng mới giải quyết cho một vấn đề. Mind-map đem lại cho bạn phần nhìn hài hòa và khái quát về những ý tưởng đang nảy sinh trong não bộ của bạn. Giúp bạn điều khiển được suy nghĩ của mình thành một sơ đồ chu trình hoàn chỉnh nhìn thấy được trên giấy. Từ đó bạn sẽ tìm ra được những đáp án ngoài mong đợi.

Tập luyện sử dụng giác quan

Mỗi chúng ta đều có 5 giác quan, tuy nhiên khi đối mặt với vấn đề, đa phần chúng ta chỉ sử dụng phần nhìn để xử lý công việc mà quên đi những phần khác. Tuy nhiên nếu bạn thử tận dụng tối đa tất cả các giác quan của mình, đôi khi bạn sẽ phát hiện ra những điều vô cùng sáng tạo mà bạn đã bỏ lỡ.

Chẳng hạn như bạn có thể thử nói ra suy nghĩ của mình và ghi âm chúng. Khi nghe lại biết đâu bạn sẽ nảy sinh ra những ý tưởng mới.

Suy nghĩ ngược – tìm câu trả lời sai

Suy nghĩ ngược bao gồm việc bạn lựa chọn câu trả lời sai hoặc không phù hợp, và việc bạn phát triển tư duy bằng một hướng “bất bình thường” và “ngược đời”. Ví dụ khi chơi trò chơi mê cung trên giấy, thay vì bạn bắt đầu tìm đường từ điểm xuất phát, bạn có thể đổi điểm xuất phát của bản thân bằng chính lối ra của mê cung.

suy luận ngược chiều để tìm giải pháp

4.  Một số kiểu tư duy khác

Hiện nay không chỉ có mỗi phương pháp Lateral thinking, mà còn rất nhiều các loại hình tư duy khác. 

Tiến sĩ Edward đã chia sẻ: “Thông minh có thể do thiên phú. Nhưng tư duy là một kỹ năng bạn cần phải rèn luyện.” Vì thế, để phát triển bản thân, bạn hãy trang bị cho mình bộ kỹ năng quan trọng này để luôn kích thích sự sáng tạo và đột phá, cũng như góp phần dễ dàng hơn trong học tập, công việc và cuộc sống của bạn.

Hãy cùng Tanca điểm qua một vài kiểu tư duy sáng tạo phổ biến trong xã hội hiện đại dưới đây nhé.

Creative thinking – Tư duy sáng tạo

Creative Thinking là một loại tư duy sáng tạo, với suy nghĩ linh hoạt, bạn tìm ra được hướng giải quyết hay các phương án mới mà không theo lối tư duy cũ, lối mòn trước đây. Ở tất cả các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau đều đòi hỏi con người cần có khả năng sáng tạo không ngừng để thích nghi với công việc và cuộc sống.

Critical thinking – Tư duy phản biện

Critical Thinking là tư duy phản biện của một con người hay còn gọi là tư duy phân tích hoặc tư duy tổng hợp. Những người theo cách tư duy này thường đánh giá hoặc phân tích với một thông tin hoặc một vấn đề theo nhiều khía cạnh khác nhau để tìm ra được đáp án hay những hướng giải quyết tốt nhất cho một vấn đề được đặt ra. Từ đó, theo lối tư duy này sẽ rèn luyện khả năng nhìn, khả năng lập luận logic, tỉ mỉ và chính xác.

Logical thinking – Tư duy logic

Tư duy logic chính là khả năng suy luận của bộ não mỗi con người đối với một sự kiện, sự vật hay vấn đề nào đó có những điểm liên quan đến nhau. Thông qua tư duy logic mà các bạn có thể sắp xếp chúng một cách chặt chẽ và phù hợp nhất với vấn đề.

Đọc thêm: 

Design Thinking là gì? 5 Bước trong quy trình Design Thinking

Workflow là gì? 7 bước để xây dựng workflow hiệu quả

Mentoring là gì? Cách xây dựng chương trình mentorship cho doanh nghiệp
 

Hà Thị Hương Thảo
Bài viết mới
Bài viết liên quan