Ngày cập nhật 2024-11-21 19:20:26

Làn sóng COVID-19: Vực sâu hay chiếc cầu nối chuyển đổi số cho các Doanh nghiệp vừa và nhỏ

(526 Bình chọn)

Tình hình chung và con đường các doanh nghiệp cùng hướng đến...

Về tác động của dịch bệnh ở Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) báo cáo, 85% doanh nghiệp cho biết thị trường bị thu hẹp vì dịch bệnh; 60% doanh nghiệp thiếu vốn, đứt dòng tiền; 40% doanh nghiệp thiếu nguồn cung nguyên liệu... và 50% doanh nghiệp chỉ trụ được 6 tháng.

Tình hình chung mà bất cứ ai khi nhìn vào sự tác động của COVID-19 cũng sẽ nhận ra đầu tiên đó là nền kinh tế suy giảm. Những tác động tiêu cực của dịch bệnh đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ là quá rõ ràng. COVID-19 không những khiến người bệnh khó thở mà còn bóp nghẹt cả nền kinh tế. Khi khủng hoảng kéo dài nhiều tuần nhiều tháng, số doanh nghiệp vừa và nhỏ bị "giết" có thể còn lớn hơn số ca tử vong do dịch. 

Tuy nhiên, trong bối cảnh đó các doanh nghiệp cần biết rằng phải phản ứng và thích nghi càng nhanh chóng càng tốt. Các doanh nghiệp có thể dễ dàng nhận ra nhìn ra cơ hội tồn tại của mình khi đưa tất cả mọi thứ có thể lên môi trường số. 

Xem thêm: Tự động hoá là “bệ phóng lên mây” của doanh nghiệp vừa và nhỏ

COVID-19 chính là chiếc cầu nối chuyển đổi số

Theo khảo sát của Nielsen, trong đợt dịch đầu tiên tại Việt Nam, trang bán lẻ trực tuyến Tiki ghi nhận lượng đơn hàng online trung bình trong ngày tăng ít nhất 2-4 lần so với ngày thường. Dịch vụ mua sắm online của Co.opmart cũng tăng 4-5 lần trong thời điểm này. Shopee đạt 43,2 triệu lượt truy cập website mỗi tháng trong quý I/2020, tăng 5,2 triệu so với quý IV/2019.

Việc chuyển hướng nhanh chóng sang cung cấp các dịch vụ trực tuyến thay vì mua hàng trực tiếp cũng giúp những nhà bán lẻ truyền thống như Big C, MM Mega Market... ổn định tăng trưởng ngay trong mùa dịch và tiếp tục đảm bảo sức mua sau thời gian giãn cách. Lượng người lên VinID đi chợ online hoặc mua hàng trực tuyến cũng tăng gấp 3 so với bình thường. Số người truy cập vào website của Bách hóa Xanh mua hàng online cũng tăng 49% so với quý VI/2019. 

Những dữ liệu trên nói lên điều gì? Phải chăng xu hướng sử dụng các sản phẩm liên quan đến công nghệ đang bùng nổ nhờ COVID-19? Như vậy, COVID-19 đang mang đến cơ hội chuyển đổi số lớn nhất từ trước đến nay cho các doanh nghiệp!

Vai trò của chuyển đổi số và những tác động tích cực của nó không còn là vấn đề cần phải bàn đến. Các phần mềm, ứng dụng công nghệ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa nhân sự, dễ dàng quản lý hệ thống, đem lại năng suất lao động cao hơn. Không chỉ áp dụng trong quản lý kinh doanh, công nghệ còn tạo ra sự kết nối, liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau, tạo ra sự minh bạch và phát triển bền vững.  

COVID-19 là chất xúc tác không thể mạnh hơn cho các doanh nghiệp trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Để thích nghi với những tình huống chưa từng xảy ra từ trước đến nay, các doanh nghiệp cần chuyển mình nhanh hơn nữa. Dù quy mô lớn hay nhỏ, nếu doanh nghiệp không chịu hòa theo dòng chảy này thì việc bị loại ra khỏi cuộc chơi là điều vô cùng dễ hiểu. 

Xem thêm: Những lưu ý để tăng cường “hệ miễn dịch” cho ngành F&B Việt Nam hậu Covid-19

Để chuyển đổi số thì doanh nghiệp vừa và nhỏ cần làm gì?

“Tôi muốn ứng dụng công nghệ để thay đổi mô hình kinh doanh nhưng khi gặp các nhà cung cấp giải pháp được nghe quá nhiều thuật ngữ chuyên môn. Vì không hiểu họ nói gì nên tôi không dám chi tiền. Họ không bán được hàng, tôi cũng không giải quyết được vấn đề của mình,” ông Lương Long Hiệp, giám đốc công ty thực phẩm 2030 chia sẻ khi tham dự sự kiện Digital Transformation Outlook 2020. Ông Hiệp cho rằng, việc không hiểu được “ngôn ngữ” của nhau chính là một trong những lý do làm chậm đi quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp mình cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ khác.

Dẫu cho làn sóng công nghệ đang dịch chuyển mạnh mẽ và thay đổi bộ mặt của nhiều doanh nghiệp hàng ngày, thì quá trình chuyển đổi số ở doanh nghiệp Việt còn chậm so với nhu cầu kinh doanh thực tiễn của doanh nghiệp. 

Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân đến từ ba nguyên nhân quan trọng: 

- Thiếu sự gắn kết giữa lợi ích của chuyển đổi số với mục tiêu kinh doanh.

- Nhận thức về chuyển đổi số chưa đồng đều giữa các bộ phận nghiệp vụ.

- Thiếu sự mạnh dạn đầu tư từ các nhà lãnh đạo.

Vấn đề đầu tiên, để chuyển đổi số thành công các doanh nghiệp cần thay đổi từ nội bộ trước. Các cấp quản lý cần thay đổi tư duy của chính mình và cập nhật nhanh xu hướng của thời đại. Sau đó cần xóa bỏ rào cản tâm lý sợ công nghệ cho các nhân viên bởi việc thuyết phục từng phòng ban trong doanh nghiệp chấp nhận thay đổi thói quen và hợp tác là quá trình không hề dễ dàng với các nhà quản lý. 

Tiếp theo, chuyển đổi số chỉ có thể được áp dụng vào doanh nghiệp một cách nhanh chóng khi công nghệ được tổ chức với một bộ máy tinh gọn, các quy trình được tối ưu, hạn chế sự chồng chéo nhau giữa các bộ phận khác nhau. 

Một giải pháp tối ưu cho các doanh nghiệp hiện nay là áp dụng mô hình SaaS. SaaS chiếm được sự tín nhiệm bởi nó có nhiều ưu điểm hơn hạn chế. Chính vì thế, sử dụng mô hình điện toán đám mây đang trở thành xu hướng của hầu hết các công ty. Bởi giải pháp này giúp tiết kiệm kha khá chi phí đầu tư, thời gian và nguồn lực, góp phần tăng năng suất làm việc của nhân viên. Từ đó, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc mở rộng kinh doanh.

Ở Việt Nam, trụ cột nền kinh tế nằm ở khu vực doanh nghiệp với 98% có quy mô nhỏ và vừa. Doanh nghiệp phải hiểu thì mới nắm được giá trị, từ đó đưa vào chiến lược kinh doanh. Khi cả cộng đồng doanh nghiệp cùng chung một kế hoạch, trong đó có chuyển đổi số, thì lúc đó công cuộc chuyển đổi ở Việt Nam mới có thể diễn ra hiệu quả. 

>>> Xem thêm:

5 lợi ích khi doanh nghiệp tự động hoá quản lý nhân sự

Quản lý công việc đơn giản, hiệu quả nhờ chuyển đổi số

Cải tiến quy trình tuyển dụng nhờ công nghệ

Trần Viết Quân

Bài viết nổi bật