Ngày cập nhật 2024-04-25 22:12:50

Kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp đa chi nhánh

quản trị doanh nghiệp đa chi nhánh

Trong nghệ thuật quản trị doanh nghiệp, việc phân tích tốt mô hình SWOT chưa bao giờ lỗi thời. Điều này giúp các nhà quản trị khai thác điểm mạnh, hạn chế, khắc phục điểm yếu, tận dụng cơ hội cũng như loại trừ nguy cơ, rủi ro của doanh nghiệp. Một nhà quản trị giỏi không chỉ cần có hiểu biết mà còn cần biết phân tích, tổng hợp, phán đoán và nhìn xa trông rộng, và đưa ra những chiến lược hiệu quả.

Mọi việc tưởng chừng rất quen thuộc và không khó khăn lắm. Nhưng với quy mô doanh nghiệp vừa và lớn, các doanh nghiệp đa chi nhánh thì việc quản trị hiệu quả là một vấn đề đau đầu. Điều hành một chi nhánh đã vô vàn khó khăn, việc khiến các công ty con cùng vận động theo chiến lược chung, như một thể thống nhất đòi hỏi nhà quản trị doanh nghiệp phải có tầm nhìn xa và rộng.

Dữ liệu của doanh nghiệp phải được quản trị tốt

Trong hoạt động của doanh nghiệp có nhiều loại dữ liệu, người quản trị cần biết phân chia cụ thể ra từng loại và có cơ chế kiểm soát hợp lý, như:

- Kiểm soát lượng hàng hóa bán ra tăng hay giảm để phân tích được nguyên nhân tăng giảm, đề ra phương án kịp thời để điều tiết, thúc đẩy quá trình bán hàng nếu xu hướng đó là tăng, và thay đổi phương án, xem xét quá trình bán hàng nếu như xu hướng đó là giảm.

- Kiểm soát tốt dòng tiền.

- Theo dõi các khoản nợ phải thu để giúp người quản trị biết được khoản tồn đọng đó đã lâu chưa, số lượng khoản nợ có ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp mình không và đưa ra phương án giải quyết hợp lý.

- Kiểm soát tốt hàng tồn kho để giảm chi phí vận hành, chi phí tồn trữ hàng và tối ưu hóa vòng quay hàng tồn kho của doanh nghiệp.

- Kiểm soát năng suất làm việc của mỗi nhân viên, mỗi bộ phận/ phòng ban để đưa ra các quyết định khen thưởng, kỷ luật hay khuyến khích, phát triển tài năng của người lao động, đồng thời có những điều chỉnh phù hợp giúp tăng hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Hoạch định chiến lược quản trị doanh nghiệp rõ ràng

Nắm bắt và kiểm soát tốt hệ thống dữ liệu của doanh nghiệp sẽ giúp nhà quản trị có cái nhìn tổng quát tình hình vận hành của công ty, từ đó tham vấn cho việc hoạch định chiến lược kinh doanh.

Đây là công việc quan trọng đối với bất kỳ một nhà quản trị nào, vì nó sẽ quyết định con đường mà một doanh nghiệp cần nên đi như thế nào. Hoạch định chiến lược là tiến trình trong đó nhà quản trị xác định, lựa chọn mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp và vạch ra các hành động cần thiết nhằm đạt được mục tiêu chiến lược đó. 

Nếu nhà quản trị hoạch định chiến lược một cách khoa học, chi tiết thì sẽ giống như có một “kim chỉ nam” thực hiện, như vậy doanh nghiệp sẽ đạt được mục tiêu đề ra.

Quản trị nhân sự tốt cho doanh nghiệp đa chi nhánh

Đối với quy mô công ty đa chi nhánh, việc có được một đội ngũ nhân sự giỏi việc và đồng lòng cùng mục tiêu phát triển doanh nghiệp không hề đơn giản. Nếu việc quản trị nhân sự không tốt sẽ dẫn đến tình trạng hỗn loạn ở doanh nghiệp.

Kế hoạch, chiến lược của doanh nghiệp sẽ được thực hiện có hiệu quả hơn khi người quản trị biết cách phân công, sắp xếp công việc cho mỗi nhân viên, mỗi bộ phận, mỗi phòng ban và cao hơn là mỗi chi nhánh một cách hợp lý nhất. 

Chính vì vậy, người quản trị cần phải nắm được cụ thể thời gian làm việc, năng lực, trình độ của mỗi nhân viên và khối lượng công việc mà họ đang đảm nhiệm. Có thế, quá trình sắp xếp công việc cho mỗi nhân viên mới đạt được hiệu quả.

Tuy nhiên, người quản trị giỏi không phải là người làm hết tất cả mọi việc mà họ phải là người biết phân chia công việc, trao quyền hành cho người khác để điều phối công việc một cách hiệu quả hơn. Chính vì vậy, việc tổ chức, phân tầng hệ thống nhân viên là điều rất cần thiết. Đặc biệt đối với những doanh nghiệp đa chi nhánh, hoạt động phân tầng này trở thành một yếu tố quan trọng không thể thiếu để có thể thực hiện công tác quản lý khoa học hơn, đơn giản hơn.

Tận dụng công nghệ vào quản trị doanh nghiệp đa chi nhánh

Với sự phát triển của công nghệ thì việc ứng dụng giải pháp phần mềm ERP vào quản lý doanh nghiệp mang lại rất nhiều hiệu quả.

Năng suất lao động tăng gấp đôi, gấp ba do các dữ liệu đầu vào chỉ phải nhập một lần cho mọi giao dịch có liên quan, đồng thời các báo cáo được thực hiện với tốc độ nhanh hơn, chính xác hơn.

Doanh nghiệp có khả năng kiểm soát tốt hơn các hạn mức về tồn kho, công nợ, chi phí, doanh thu, lợi nhuận… đồng thời có khả năng tối ưu hóa các nguồn lực như nguyên vật liệu, nhân công, máy móc thi công… vừa đủ để sản xuất, kinh doanh.

Các thông tin của doanh nghiệp được tập trung, đầy đủ, kịp thời và có khả năng chia sẻ cho mọi đối tượng cần sử dụng thông tin như khách hàng, đối tác, cổ đông. Khách hàng sẽ hài lòng hơn do việc giao hàng sẽ được thực hiện chính xác và đúng hạn.

Ứng dụng hệ thống quản trị ERP sẽ giúp doanh nghiệp vận hành theo quy trình chuyên nghiệp, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế để tiết kiệm chi phí, tăng năng lực cạnh tranh và phát triển thương hiệu.

Ứng dụng giải pháp quản trị doanh nghiệp ERP là xu thế tất yếu, là công cụ quan trọng để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời nó cũng giúp doanh nghiệp tiếp cận tốt hơn với các tiêu chuẩn quốc tế. Nhưng doanh nghiệp cần lựa chọn phần mềm phù hợp để có khả năng tích hợp với các phần mềm khác trong tương lai.

>>> Xem thêm:

Chức năng và vai trò của một nhà quản trị doanh nghiệp

Leadership là gì? Những yêu cầu cần có của khả năng Leadership

Chiến lược Đại dương Xanh là gì? Tổng hợp các kiến thức bạn cần biết

Trần Viết Quân