Các Startup nhộn nhịp tham gia vào ngành F&B
🔺Những cái tên mới trong kinh doanh dạng chuỗi
Việt Nam là nơi rất tiềm năng cho mô hình kinh doanh theo chuỗi vì tầng lớp trung lưu mới nổi tăng, thu nhập bình quân của người dân tăng, dân số trẻ, sức mua tăng,… Đó cũng là lý do mà ngành F&B (nhà hàng/cafe/bar-pub) tại Việt Nam hiện nay đang được đánh giá là bước đầu trong một thời kỳ phát triển bùng nổ.
Những năm gần đây, các ý tưởng về chuỗi trà sữa, chuỗi cafe sách, cafe học Tiếng Anh, các nhà hàng phát triển những món ăn truyền thống các vùng miền mọc lên như nấm. Những tên tuổi nổi tiếng đời đầu có thể kể ra như: Urban Station Coffee của Đinh Nhật Nam, The Coffee House của Nguyễn Hải Ninh, The KAfe Group của Đào Chi Anh hay Dunkin & Donuts của Bùi Quang Minh.
Tiếp bước làn sóng khởi nghiệp, ngành F&B tiếp tục chào đón thêm nhiều cái tên với cá tính mạnh hơn như chuỗi Bánh mì của Masterchef Minh Nhật, chuỗi ẩm thực đường phố Thái Lan Food Center của Thái Sơn,...
🔺Bùng nổ kênh trực tuyến đặt hàng
Trong thị trường giao hàng F&B, Go-Jek đã thành công trong nỗ lực chuyển đổi khách hàng tham gia sử dụng dịch vụ giao hàng thực phẩm và thức uống Go-Food. Go-Food khẳng định họ là dịch vụ giao hàng thực phẩm theo yêu cầu “đắt khách” đứng thứ hai trên thế giới (không tính thị trường Trung Quốc). Grab cũng tích cực mở rộng dịch vụ GrabFood ở thị trường Đông Nam Á nói chung và thị trường Việt Nam nói riêng.
Các startup vẫn tiếp tục xuất hiện và gia nhập thị trường F&B Việt Nam như Now, Foody,.... Những sáng kiến đổi mới sáng tạo của họ sẽ thay đổi trải nghiệm của thực khách và tương lai của ngành này.
🔺’Thức ăn chuẩn bị sẵn’ cũng bắt đầu nhập cuộc
Sự mong đợi của khách hàng ngày nay là rất đa dạng, từ việc tìm đến các địa điểm để thưởng thức các món ăn/thức uống đến việc chỉ ngồi đợi giao tận nhà, thậm chí hiện đã xuất hiện dịch vụ chuẩn bị thức ăn sẵn. Xuất phát từ nhu cầu có được các loại thực phẩm lành mạnh của công chúng - Các cư dân thành thị bận rộn, muốn tìm cách thuận tiện để ăn uống lành mạnh hơn và cải thiện lối sống của họ (Họ không có nhiều thời gian để tìm hiểu, chuẩn bị và nấu ăn nên tìm đến các chuyên gia nói cho họ biết chính xác là họ cần ăn gì).
Những công ty chuyên về bữa ăn chuẩn bị sẵn như DahMakan của Malaysia, Eat Fit Meal Prep của Singapore, Burgreens ở Jakarta, Indonesia và nhiều startup của Thái Lan, Việt Nam… xuất hiện để đáp ứng nhu cầu này – mang lại cho khách hàng những bữa ăn lành mạnh được chuẩn bị sẵn và giao tận nơi.
Cuộc “Chọn lọc tự nhiên” từ thị trường khiến các Startup điêu đứng
Giữa tháng 8 năm 2019, chuỗi 23 cửa hàng trà sữa Ten Ren do The Coffee House mua nhượng quyền chính thức nói lời chia tay sau gần 2 năm hoạt động vì kết quả kinh doanh không được như kỳ vọng.
Rồi đến Món Huế ngừng hoạt động dù từng là tên tuổi nổi tiếng trong cộng đồng startup khi huy động thành công hàng chục triệu USD từ nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có quỹ Templeton Strategic Emerging Markets Fund do huyền thoại đầu tư Mark Mobius quản lý.
Ngoài Ten Ren, Món Huế thì Gloria Jean’s Coffees – thương hiệu cà phê Australia và Saigon Café lần lượt phải đóng hàng loạt cửa hàng.
Năm 2020, Covid-19 đến và quét đi rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp trong ngành F&B. Hàng loạt các nhà hàng, quán cafe tuyên bố trả lại mặt bằng, đóng cửa, ngừng kinh doanh. Trong mùa đại dịch, chưa cần nói đến các thương hiệu Startup, đến những tên tuổi lớn như GoGi House, Kichi-Kichi, Otoke Chicken,... cũng khó để có thể đứng vững. Cụ thể, Gogi House ra thông báo sẽ tạm dừng hoạt động tại một số cửa hàng tại Hà Nội kể từ ngày 11/3/2020, có 5 cửa hàng Gogi House tại Hà Nội bị ngưng hoạt động trong đợt này; Tương tự, thương hiệu Kichi-Kichi cũng thông báo 7 nhà hàng đóng cửa cả ngày, 3 nhà hàng đóng cửa buổi sáng trong tổng số 22 nhà hàng của hệ thống tại Hà Nội.
Vậy, Covid-19 có phải là lý do duy nhất dẫn đến sự sụp đổ hàng loạt của các Startup trong ngành F&B?
Muốn trả lời cho câu hỏi này, chúng ta cần nhìn lại về các dấu hiệu của ngành này trước khi Covid-19 xảy ra. Bà Châu Tiểu Ngọc, Giám đốc Sunshine Equipment, nhận định về ngành thực phẩm, đồ uống của Việt Nam đang ngày càng cạnh tranh khốc liệt bởi các đơn vị trong và ngoài nước. Trước Covid-19, mô hình kinh doanh của nhiều chuỗi nhà hàng lớn có dấu hiệu giảm tốc. Chẳng hạn, Golden Gate, doanh nghiệp sở hữu các chuỗi Vuvuzela, Gogi, Hutong hay Kichi Kichi, cho biết doanh thu đạt 3.970 tỷ đồng trong năm 2018. Tuy nhiên, đà tăng 17% về doanh thu của Golden Gate năm 2018 là mức tăng thấp nhất trong 5 năm gần đây. Còn với Redsun, chủ các thương hiệu King BBQ, ThaiExpress hay Hotpot Story đạt hơn 620 tỷ đồng doanh thu, nhưng tốc độ tăng doanh thu năm 2018 cũng chỉ đạt gần 14%, trong khi năm 2017 là hơn 51%.
Còn nếu chiếu theo mô hình 5 lực lượng của Michael Porter, F&B là ngành có rào cản đầu vào (entry barrier) tương đối thấp, sức ép cạnh tranh nội bộ ngành (internal rivalry) rất cao, quyền lực của người tiêu dùng (buyer power) lớn, sức ép từ nhà cung ứng (supplier power) bình thường và hàng hóa thay thế (substitute) không có. Với đặc thù như vậy, ngành này dễ dàng chào đón người mới đến nhưng cũng đào thải liên lục nếu các doanh nghiệp mắc sai lầm.
Vậy, cụ thể do đâu mà các doanh nghiệp khởi nghiệp trong ngành F&B lần lượt thất bại?
Xem thêm: Những lưu ý để tăng cường “hệ miễn dịch” cho ngành F&B Việt Nam hậu Covid-19
Nguyên nhân khởi nghiệp thất bại trong ngành F&B
1. Thiếu kiến thức về kinh doanh trong ngành F&B
Khi kinh doanh trong ngành F&B, để vốn đi một mình sẽ không thể tạo ra lợi nhuận. Một số nhà đầu tư có đủ tiền cố gắng tham gia kinh doanh nhà hàng/ quán cafe nhưng thiếu sự quan tâm hoặc khả năng quản lý chưa đúng cách. Những nhà khởi nghiệp này kết thúc với thua lỗ thay vì lợi nhuận. Vậy mới thấy, việc thiếu kiến thức về kinh doanh trong ngành F&B là một khái niệm rất rộng, từ việc nhà khởi nghiệp không sở hữu các kỹ năng cần thiết, đến thiếu hiểu biết nhu cầu và mong muốn của khách hàng.
Để giải quyết vấn đề này, cần có sự giám sát chặt chẽ và chính sách hợp lý, bởi vì một doanh nghiệp nhà hàng được tạo thành từ rất nhiều chi tiết mà nếu không được chăm sóc đúng cách có thể làm hỏng nó. Chủ sở hữu phải liên tục theo dõi hoạt động và tìm kiếm những điểm yếu cần cải thiện mỗi ngày.
Ngoài ra, hiện có một số trung tâm đào tạo nhận ra vấn đề này nên đã mở chương trình đào tạo kinh doanh bài bản dành cho các nhà khởi nghiệp trước khi cố gắng gia nhập lĩnh vực này.
2. Chưa chú trọng đến công tác hoạch định và phát triển
Lợi nhuận ròng trong kinh doanh là kết quả đến từ doanh thu trừ đi tổng chi phí. Thực tế mà nói, việc quản trị chi phí không khó, chỉ cần đến các bạn sinh viên được hướng dẫn đầy đủ cũng có thể làm tốt việc này. Vấn đề được đặt ra ở đây là làm sao để vận hành, làm điều điều gì trước, điều gì sau, cách duy trì các hoạt động,... sau đó mới nghĩ đến việc tìm kiếm lợi nhuận. Vậy mà nhiều nhà khởi nghiệp trong ngành F&B chỉ chăm chăm vào việc quản trị chi phí mà bỏ qua công tác hoạch định và phát triển.
Công tác hoạch định và phát triển bao gồm rất nhiều yếu tố liên kết logic với nhau như:
- Hiểu và lựa chọn khách hàng mục tiêu từ đó xây dựng điểm đặc biệt của thương hiệu nhà hàng, chọn kênh truyền thông phù hợp để truyền thông - bán hàng - chăm sóc khách hàng.
- Hiểu và lựa chọn địa điểm kinh doanh.
- Kế hoạch thúc đẩy bán hàng.
3. Chưa biết cách phân bổ nguồn lực
Dẫu biết rằng nhân sự có vị trí quan trọng thứ ba trong quản lý bất cứ một doanh nghiệp nào nhưng ngành F&B nói chung vẫn chưa để tâm đến vấn đề nhân lực. Nhiều nhà khởi nghiệp thiếu trải nghiệm về quản trị nguồn nhân lực nên dẫn tới việc đối diện với nhiều thách thức trong quản lý nhân lực hàng ngày.
Quá ôm đồm công việc và không biết cách đào tạo đội ngũ kế thừa, ngại phân quyền và thiếu niềm tin vào nhân sự dưới quyền. Hệ quả là việc gì cũng đến tay và nhân sự chất lượng thì rời đi nhanh chóng.
Lời khuyên cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong ngành F&B
1. Không phải mô hình nào cũng có thể phát triển thành nhiều điểm
Những mô hình mà dung lượng phát triển chỉ có giới hạn thì không thể nhân rộng thành nhiều điểm. Các mô hình phát triển theo trào lưu (trend), ban đầu có thể chạy nhanh nhưng sau trào lưu đã hết, người chủ nên xoay chuyển sang mô hình mới. Sau một trào lưu, việc chuyển đổi thành quán cà phê/ quán ăn bình thường sẽ giúp cho thương hiệu có lượng khách quen ổn định và tồn tại lâu dài.
Chứng minh cho hướng đi này phải kể đến cái tên Cookie Jar Cafe. Cookie Jar Cafe là một trong những quán đầu tiên của Hà Nội phát triển theo mô hình cà phê teen, từng được CNN bình chọn vào Top 5 quán cà phê đáng đến nhất khi du lịch tại thủ đô. Tại đây, người trẻ không chỉ đến thưởng thức đồ uống mà còn lựa những góc ảnh sáng đẹp để chụp ảnh. Vì vậy, quán có cách trang trí rất dễ thương nên thu hút nhóm khách hàng mục tiêu. Tuy nhiên, mô hình cũng chỉ đến đây và dừng, không phát triển được nữa. Về lâu về dài, quán không mở rộng mô hình hơn nữa, Cookie Jar Cafe chuyển thành một quán cà phê bình thường, như bất kỳ quán nào khác bạn có thể tìm thấy thấy trên phố.
2. Nhớ câu châm ngôn “Online hay là chết”
Không phải chỉ đến khi Covid-19 bùng phát mạnh như hiện nay thì cuộc đua online mới nở rộ. Kể từ khi các nền tảng giao nhận thức ăn xuất hiện rầm rộ thì giao hàng online đã trở thành một phần quan trọng của các doanh nghiệp/ cửa hàng F&B. Ngoài giao hàng, các hình thức thanh toán Online, truyền thông Online cũng là điều mà các doanh nghiệp hướng tới.
3. Tập trung vào Thế hệ Z
Việc ngành F&B tập trung vào thế hệ Z là gợi ý cho các nhà hàng trên thế giới, gợi ý này cũng rất phù hợp với ngành F&B tại Việt Nam, nơi mà việc tiếp cận về xu hướng và thông tin truyền thông của người tiêu dùng thuộc nhóm dẫn đầu của thế giới.
Đã đến lúc các doanh nghiệp trong ngành F&B lưu tâm đến thế hệ Z vì họ là những thanh thiếu niên trẻ, đang bắt đầu tự đưa ra quyết định về việc ăn gì và ăn ở đâu. Nhóm nhân khẩu học này cũng sẽ yêu cầu dịch vụ công nghệ cao, âm nhạc to hơn, hình ảnh chuyển động bắt mắt hơn để có được trải nghiệm cao. Các doanh nghiệp khởi nghiệp cần phải điều chỉnh và sửa đổi chiến lược hoạt động để thu hút phân khúc mục tiêu này.
4. Quản trị tốt nguồn nhân lực sẽ tăng khả năng cạnh tranh
Theo Giáo sư tiến sĩ Letter C.Thurow - Nhà kinh tế và nhà quản trị học thuộc viện công nghệ kỹ thuật Massachuset (MIT): “Một doanh nghiệp chỉ có thể tồn tại và phát triển nếu doanh nghiệp đó sở hữu nguồn nhân sự có học vấn cao, được đào tạo tốt, có đạo đức, có văn hóa và được trang bị kỹ năng làm việc hiệu quả. Hơn thế nữa, với việc chú trọng phát triển vào công tác nhân sự và đào tạo, các nhà quản trị doanh nghiệp có thể dự báo và ứng phó kịp thời trước những sự thay đổi ngày càng nhanh chóng từ thế giới bên ngoài, từ đó tạo nên những “chiến lược đại dương xanh” cho chính doanh nghiệp mình”.
Một lời khuyên chung nói lên tầm quan trọng của một đội ngũ mạnh trong doanh nghiệp và điều này cũng rất phù hợp với ngành F&B. Chủ quán hay người quản lý cần ưu tiên việc phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, tạo một môi trường thân thiện - hiện đại để các nhân viên làm việc và cung cấp một chế độ lương thưởng/ phục lợi minh bạch, rõ ràng.
>>> Xem thêm: