Ngày cập nhật 2025-01-09 09:12:33

Doanh nghiệp Việt không biết bắt đầu chuyển đổi số từ đâu

Theo đại diện nhiều doanh nghiệp, câu chuyện chuyển đổi số ở Việt Nam cần xác định được mục tiêu và cách nhìn toàn diện, chân thực nhất, từ đó mới nhận diện được những trở ngại, thách thức, đề xuất những giải pháp và sáng kiến đổi mới, sáng tạo nhằm thúc đẩy quá trình này.

Hai lý do khiến 80% doanh nghiệp chuyển đổi số thất bại 

“Chuyển đổi số là vấn đề bức bách hiện nay của mỗi doanh nghiệp”, đó là nhận định của ông Vũ Minh Trí, Phó Chủ tịch Công ty CP VNG, về thực trạng này tại Việt Nam hiện nay. Theo ông Trí, theo xu hướng thời đại, thời gian qua đã có rất nhiều doanh nghiệp tiến hành chuyển đổi số nhưng hầu như họ đã thất bại. Số liệu thống kê cho thấy có hơn 80% doanh nghiệp đã thực hiện thất bại.

“Doanh nghiệp thất bại vì hai lý do chính: Thứ nhất do lãnh đạo doanh nghiệp còn lưỡng lự, khi họ đang cảm giác quá an toàn với ý nghĩ mô hình kinh doanh của doanh nghiệp họ sẽ không cần chuyển đổi số. Thứ hai là suy nghĩ muốn chuyển đổi mọi thứ qua số nhưng không biết làm gì với đống số đó, trong khi vẫn phải trả tiền cho nó”, ông Trí phân tích. 

Con người là yếu tố quyết định

Ông Lương Tuấn Thành, Giám đốc Công nghệ Tập đoàn CMC nhận định, quá trình chuyển đổi số ở doanh nghiệp phụ thuộc trước hết là ở chính nội tại mỗi doanh nghiệp. Đây là một bước chuyển đổi rất dài của mỗi doanh nghiệp, nhưng quá trình này hoàn toàn không nằm ở công nghệ mà con người mới chính là yếu tố quyết định

Thực tế theo ông Thành, trước đây Việt Nam vẫn rất tự hào là quốc gia có nhiều lập trình viên giỏi, nhưng khi các doanh nghiệp chuyển đổi mô hình hoạt động, mô hình kinh doanh đã phát hiện ra rất thiếu một lớp trí thức mới. Đó là lớp trí thức có tư duy hoạt động mới, tự động hóa mà doanh nghiệp gọi chung là văn hóa số.

“Đây là một thách thức rất lớn cho mỗi doanh nghiệp, bởi mỗi doanh nghiệp đều đang theo đuổi công việc hiện tại, trong khi chuyển đổi số lại bao gồm nhiều hình thức hoàn toàn mới. Khi đó, doanh nghiệp sẽ phải đầu tư đào tạo nguồn lực mới mà chính xác là làm thay đổi nhận thức mới cho những con người đang hoạt động trong một lĩnh vực cũ”, ông Thành cho biết.

Còn theo ông Trí, doanh nghiệp muốn chuyển đổi thì điều quan trọng là mô hình kinh doanh số phải rõ ràng, bởi chỉ khi doanh nghiệp có mô hình kinh doanh số mới đề ra được chiến lược kinh doanh. Khi có hiệu quả kinh doanh tốt, lại lấy hiệu quả kinh doanh để trả tiền cho quá trình chuyển đổi đó, như thế doanh nghiệp mới thực sự bền vững. Những yếu tố kể trên đều liên quan đến yếu tố con người. Trong đó, mỗi nhân sự đều phải hiểu được công việc cũng như chức năng của mình; tìm hiểu được các cơ hội bên ngoài để khi ráp những yếu tố này lại với nhau, mỗi cá nhân đều có thể trả lời được câu hỏi: doanh nghiệp muốn chuyển đổi số cần phải có hành động gì?”, ông Trí nói.

Doanh nghiệp truyền thống phải nhanh chuyển đổi số

Theo phân tích có khoảng 20 loại hình doanh nghiệp cũng như các ngành nghề có thể bị quá trình chuyển đổi số tiêu diệt. Các ngành bị tác động lớn từ vận tải cho đến y khoa hay lĩnh vực bán lẻ… đều nhìn thấy bóng dáng của doanh nghiệp công nghệ thông tin đang dần chiến thắng các doanh nghiệp truyền thống. Chẳng hạn trong tương lai, ngay cả lĩnh vực cảnh sát giao thông cũng có thể bị “tiêu diệt” khi có camera giao thông thông minh. Các ngành nghề luật sư, bác sĩ đều cũng có thể bị công nghệ làm thay đổi... 

Từ đó, ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn NextTech, nhận định doanh nghiệp truyền thống chính là đối tượng chính của chuyển đổi số, tuy nhiên hiện nay, đa phần các doanh nghiệp loại này vẫn có cách nhìn rất đơn giản và hầu hết không hiểu chuyển đổi số là làm gì, lãnh đạo doanh nghiệp vẫn rất mông lung...

Theo ông Bình, bản chất của chuyển đổi số hiện nay hoàn toàn không có gì mới, đó chỉ là một quá trình tiếp theo của một tiến trình đã và đang diễn ra hàng nghìn năm nay. “Thực chất, đó chỉ là cách truyền tin của mỗi doanh nghiệp, doanh nghiệp nào có thông tin nhanh hơn, hiệu quả hơn để có dữ liệu cho các lãnh đạo doanh nghiệp đưa ra các quyết sách chính xác, quyết đoán thì doanh nghiệp đó sẽ dễ dàng giành chiến thắng trên thương trường”, ông Bình nhận xét. 

“Do đó, thay đổi nhận thức của chủ các doanh nghiệp truyền thống là cực kỳ quan trọng, khi họ còn chưa cập nhật được các sản phẩm của công nghệ số, họ rất dễ bị các doanh nghiệp công nghệ đánh bại ngay trên lĩnh vực họ đang hoạt động”, ông Bình nói thêm.

Tanca