Dưới đây là 3 mô hình quản trị doanh nghiệp hiện đại được các nhà tư vấn chiến lược hàng đầu thế giới đề xuất và đã được áp dụng thành công tại rất nhiều tập đoàn tại Mỹ và Châu Âu.
Các mô hình quản trị này có thể giúp doanh nghiệp cải tiến quy trình và tối đa lợi nhuận bằng cách gia tăng sự trung thành và cam kết của nhân sự nội bộ, tạo thuận lợi cho các ý tưởng đổi mới, thực thi các cải tiến một các liền mạch, thiết lập một chu trình liên tục để duy trì sự thành công và phát triển trong dài hạn.
Hãy cùng Tanca tìm hiểu về 3 mô hình Holacracy, McKinsey 7S model và Kotter’s 8 step change model trong bài này nhé!
1. Mô hình quản trị Holacracy
Holacracy là mô hình quản trị không cần sếp được khởi xướng bởi CEO Tony Hsieh của Zappos. Theo đó, nhân viên sẽ không chịu sự chỉ đạo về cách làm việc từ các sếp, mà sẽ tự quyết định cần phải làm gì để công việc đạt hiệu quả tốt nhất.
Hsieh tin rằng, mô hình này trao quyền và đặt niềm tin cho các nhân viên để họ hành động và suy nghĩ như những doanh nhân chứ không phải người làm thuê. Từ đó, nhân viên được khuyến khích thử nghiệm những phương pháp mới và đem lại hiệu quả bất ngờ.
Hiểu một cách đơn giản, với mô hình Holacracy quyền ra quyết định được phân phối công bằng và như nhau đối với các thành viên thông qua cơ chế “tự quản lý”, gồm các team có quyền lực ngang hàng nhau thay vì hệ thống quản lý phân cấp theo trục dọc truyền thống. Mô hình này đã được áp dụng tại các doanh nghiệp và tổ chức phi lợi nhuận tại nhiều nước tiên tiến.
Đặc điểm chính:
- Quy tắc, nội quy công ty: các nguyên tắc và nội quy được xây dựng xoay quanh công việc chứ không phải nhân sự và được cập nhật thay đổi thường xuyên
- Phân quyền, tự hành: quyền lực được phân bổ như nhau cho các team/phòng ban, các team sẽ tự quản lý, phân công công việc và các quyết định được đưa ra chỉ có giá trị trong nội bộ nhóm đó
- Tiến độ nhanh: cách thức tổ chức thường xuyên được thay đổi phù hợp thông qua khả năng tìm ra giải pháp nhanh chóng của các nhóm tự hành
- Minh bạch: tất cả mọi nhân viên đều phải tuân theo cùng 1 nguyên tắc rõ ràng, kể cả giám đốc hay chủ doanh nghiệp.
Lợi ích mang lại:
- Nhân viên sáng tạo và chủ động hơn, tự ra quyết định để giải quyết công việc một cách hiệu quả nhất
- Dễ dàng áp dụng và giúp xác định rõ sứ mệnh của tổ chức
- Giúp xây dựng hệ thống tái đánh giá và tái phân bổ để phát hiện và giải quyết vấn đề
Xem thêm: Chiến lược Đại dương Xanh là gì?
2. Mô hình quản trị McKinsey 7S Model
Mô hình quản trị 7S được phát triển vào cuối thập niên 1970 bởi Tom Peters and Robert Waterman, 2 cựu chuyên gia tư vấn của McKinsey & Company, tập đoàn tư vấn hàng đầu thế giới.
Mô hình 7S của McKinsey chỉ rõ 7 yếu tố được phân loại là yếu tố "cứng" và "mềm". Các yếu tố cứng dễ xác định và chịu ảnh hưởng của quản trị, còn các yếu tố mềm thì khó nắm bắt hơn, mơ hồ hơn và bị ảnh hưởng bởi văn hóa doanh nghiệp.
Mô hình này được các tổ chức sử dụng như một công cụ hoạch định chiến lược để cho thấy rằng các khía cạnh của một công ty mà nhìn qua có vẻ tách biệt nhau, nhưng trên thực tế, chúng có mối liên kết và phụ thuộc lẫn nhau để tạo ra thành công chung.
Mô hình 7S của McKinsey có thể được áp dụng để giải quyết hầu hết các vấn đề về hiệu quả của đội nhóm và tổ chức. Nếu nhóm và tổ chức không hoạt động tốt, có thể vấn đề nằm ở chỗ các yếu tố làm việc không thống nhất với nhau. Một khi tìm ra được những nhân tố không đồng nhất đó, bạn có thể bắt đầu sắp xếp lại các nhân tố nội tại để cải thiện chúng và đóng góp nhiều hơn vào mục tiêu và giá trị cả tổ chức cùng chia sẻ.
Đặc điểm chính:
Các yếu tố cứng bao gồm:
- Strategy (chiến lược): xây dựng một kế hoạch hành động chi tiết
- Structure (cấu trúc): liên quan đến kết cấu và hệ thống cấp bậc của doanh nghiệp
- System (hệ thống): phương pháp thực hiện các hoạt động, thủ tục
Các yếu tố mềm bao gồm:
- Shared values (giá trị chung): giá trị cốt lõi mà doanh nghiệp vận hành dựa vào đó
- Style (phong cách): phong cách lãnh đạo của quản lý cao cấp, cách họ phản ứng và ra quyết định trước các vấn đề
- Staff (nhân sự): đội ngũ nhân sự và năng lực làm việc
- Skills (kỹ năng): năng lực và kỹ năng chung của doanh nghiệp và từng nhân viên.
Lợi ích mang lại:
Cung cấp cái nhìn sâu sắc và toàn cảnh về cách vận hành của doanh nghiệp để từ đó:
- Cải thiện hiệu quả hoạt động
- Đánh giá ảnh hưởng của những thay đổi trong tương lai
- Xác định cách hiệu quả nhất để thực hiện chiến lược đề xuất
Xem thêm: Kaizen là gì? Vai trò của Kaizen trong quản trị doanh nghiệp
3. Mô hình quản trị Kotter’s 8 step change model
Mô hình được xây dựng bởi giáo sư Kotter, chuyên gia quản lý đổi mới của trường Kinh Doanh Harvard năm 1996. Mô hình tập trung vào việc quản lý những thay đổi diễn ra đối với doanh nghiệp cả bên trong và bên ngoài.
Tám bước thay đổi của Kotter là một cách tiếp cận có hệ thống để đạt được thay đổi thành công và bền vững thông qua việc chia quá trình thay đổi thành tám bước. Bạn phải làm việc chăm chỉ để thay đổi một tổ chức thành công. Một khi lập kế hoạch cẩn thận và xây dựng nền tảng thích hợp, việc thực hiện thay đổi sẽ trở nên dễ dàng hơn và có cơ hội thành công lớn hơn.
Đặc điểm chính:
Mô hình quản trị sự thay đổi của Kotter gồm 8 bước:
1. Tạo sự khẩn cấp: thúc đẩy và tạo động lực để nhân viên hoàn thành nhiệm vụ
2. Xây dựng đội ngũ: sắp xếp nhân sự các nhóm sao cho phối hợp tốt nhất về kỹ năng, kiến thức và sự cam kết
3. Định hình tầm nhìn chiến lược: xác định giá trị cốt lõi để định hình tầm nhìn và xây dựng chiến lược dài hạn
4. Chia sẻ tầm nhìn: hãy thường xuyên chia sẻ tầm nhìn chung một cách mạnh mẽ và thuyết phục để đảm bảo đội ngũ của bạn luôn đi đúng hướng
5. Thúc đẩy hành động: loại bỏ các rào cản nội bộ như thủ tục rườm rà, quy trình thiếu hiệu quả và thưởng cho nhân viên vì tiếp nhận những cải tiến và hỗ trợ quy trình
6. Tạo những thành tựu ngắn hạn: đặt ra một số mục tiêu ngắn hạn dễ dàng đạt được để tháo gỡ áp lực và tạo động lực cho nhân viên
7. Duy trì đà tăng trưởng: nỗ lực hơn nữa sau những thành công ban đầu, kiên định với mục tiêu dài hạn
8. Đồng bộ sự thay đổi: củng cố cho những thay đổi và cải tiến, biến chúng thành thói quen gắn liền với văn hóa công ty.
Lợi ích mang lại:
Đây là mô hình quản trị dễ dàng áp dụng và thực thi, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp sử dụng cơ cấu phân cấp quản lý truyền thống. Mô hình giúp nhân sự thích ứng với những thay đổi trong nội bộ công ty và giúp doanh nghiệp dễ dàng áp dụng và triển khai các hoạt động cải tiến và quản lý các tác động của sự thay đổi.
Xem thêm: Tháp nhu cầu Maslow là gì?