Ngày cập nhật 2024-12-27 14:13:41

Cập nhật 9 xu hướng quản lý nhân sự quan trọng trong năm 2021

(261 Bình chọn)

Hiện nay, sự bùng nổ của các thiết bị truyền đạt thông tin, sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo,  sự tăng trưởng của các nền tảng,... đã mang đến một cơn bão thay đổi cho ngành nhân sự.  

Và, gần đây nhất, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến toàn bộ các ngành. Trong đó, nhân sự là ngành có nhiều biến động hơn cả. Một cuộc khảo sát đã chỉ ra rằng:

- Gần 60% nhân viên muốn làm việc từ xa toàn thời gian sau đại dịch.

- Việc áp dụng và triển khai công nghệ là một ưu tiên khi các công ty tìm cách quản lý thống nhất các lực lượng làm việc phân tán.

- 2/3 nhân viên đánh giá cao khi ý kiến của họ được lắng nghe và được thực hiện.

- Nhân viên mong muốn công ty thực hiện nhiều biện pháp để hỗ trợ sức khỏe.

- Dữ liệu sẽ là là một phần cốt lõi trong cách hoạt động của bộ phận nhân sự vào những năm tới.

Những thay đổi trên đã đặt ra cho chúng ta câu hỏi: Điều gì đang trở thành xu hướng trong quản lý nhân sự?

Hiểu biết về những xu hướng của ngành là rất quan trọng để bắt kịp với sự phát triển nhanh chóng đang diễn ra, đặc biệt là trong bối cảnh của đại dịch. 

Vì vậy, Tanca đã thu thập ý kiến của các nhà lãnh đạo, các chuyên gia nhân sự, các bài viết và báo cáo uy tín ở Việt Nam, thế giới để nêu ra các xu hướng quản lý nhân sự đang trở nên thịnh hành trong năm 2021 và những xu hướng sẽ định hình tương lai của nhân sự.

1. Xu hướng quản lý nhân sự từ xa

Một trong những thay đổi nổi bật nhất là phương thức làm việc mới - thay đổi từ mô hình làm việc truyền thống sang mô hình làm việc linh hoạt hơn. 

Đối với một số công ty, việc cho phép nhân viên làm việc từ xa đã trở thành một phần trong chính sách quản lý. Ví dụ:

- Twitter đã đưa ra quyết định cho phép mọi nhân viên không cần ở văn phòng mà có thể làm việc tại nhà mãi mãi nếu họ muốn. 

- Tương tự, Microsoft tuyên bố rằng việc cho phép nhân viên làm việc tại nhà sẽ trở thành một trong các văn hóa của công ty.

Cho dù thế giới có trở lại thời ký bình thường hóa, rõ ràng là môi trường làm việc sẽ không chỉ đơn giản là trở lại như cũ. Dữ liệu của Gallup cho thấy 65% ​​nhân viên muốn tiếp tục làm việc tại nhà sau Covid. Tương tự, IBM phát hiện ra rằng gần 85% người được khảo sát vào giữa năm 2020 muốn làm việc bán thời gian tại nhà và 58% nói rằng họ muốn làm việc toàn thời gian tại nhà. 

2. Tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản lý

Theo KPMG, 77% CEO được khảo sát sẽ “Xây dựng mô hình quản lý dựa trên việc sử dụng các công cụ cộng tác và giao tiếp” và 67% CEO có nhiều khả năng đầu tư vào công nghệ hơn so với 33% đầu tư vào kỹ năng của người lao động.

Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ, cách quản lý nhân sự kiểu cũ đã không còn phù hợp và bộc lộ nhiều hạn chế: Lãng phí thời gian khi chấm công bằng máy chấm công, không kiểm soát được KPI của nhân viên, gián đoạn công việc do quy trình nhân sự rườm rà,…

Ứng dụng công nghệ vào quản lý nhân sự thể hiện vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tối ưu năng suất của cán bộ làm công tác nhân sự, đồng thời gia tăng sự hài lòng cho chính nội bộ nhân viên.

Xem thêm: Quản lý công việc đơn giản, hiệu quả nhờ chuyển đổi số

3. Quản lý lấy nhân sự làm trọng tâm

Thế nào là lấy nhân sự làm trọng tâm? Milner tin rằng chính sách quản lý nhân sự cần được thiết kế theo 3 cách:

- Định hình thiết kế của tổ chức trong tương lai.

- Xây dựng các công việc mới và định hình lại mà các phương thức làm việc mới (trong đó, chuyển đổi số trong quản lý nhân sự được ưu tiên trở thành trọng tâm).

- Xác định các khả năng và yêu cầu mới mà nước ta và thế giới đòi hỏi ở người lao động.

“Thay đổi cách quản lý nhân sự” cũng là ưu tiên quan trọng thứ hai đối với các nhà lãnh đạo vào năm 2021, theo nghiên cứu của Gartner. Tìm hiểu sâu hơn, Gartner nhận thấy vấn đề chính mà các tổ chức đang gặp phải là họ không có khả năng phản ứng nhanh trước các điều kiện thay đổi. Các yếu tố góp phần vào vấn đề này là từ các quy trình cứng nhắc, các nhóm bị quá tải công việc và cách phân chia công việc chưa hợp lý. 

Gartner gợi ý rằng để giải quyết vấn đề này và quản lý nhân sự tốt hơn, các công ty cần làm rõ ranh giới của nhóm, đảm bảo thiết kế công việc phù hợp và tạo ra sự linh hoạt của quy trình.

Thêm vào đó, Deloitte cũng lưu ý rằng ngoài việc đầu tư vào việc thiết kế lại các quy trình như ở trên thì doanh nghiệp cần tập trung vào các khía cạnh như đào tạo lãnh đạo và tiếp cận công nghệ thích hợp để hỗ trợ công việc.

Tiếp tục, chúng ta sẽ khám phá về xu hướng nhấn mạnh vào trải nghiệm của nhân viên, đặc biệt là sức khỏe tinh thần. Đây là xu hướng quản lý nhân sự trọng tâm chính trong năm nay và sẽ càng được quan tâm hơn vào những năm tiếp theo. 

Xem thêm: Phần mềm quản lý nhân sự 4.0 online chuyên nghiệp Tanca

4. Nâng cao trải nghiệm của nhân viên tại công ty

Trải nghiệm nhân viên (EX) là xu hướng quan trọng tiếp theo mà các nhà quản lý nhân sự cần quan tâm. Tập trung vào trải nghiệm của nhân viên trong công ty, có thể giúp nhân viên:

- Tăng năng suất

- Cải thiện sự hài lòng

- Tăng mức độ trung thành

- Khuyến khích tin tưởng tầm nhìn của công ty

Một cách tốt nhất để cải thiện trải nghiệm của nhân viên là lắng nghe tiếng nói của nhân viên. Một báo cáo của Qualtrics cho thấy 65% nhân viên nói rằng việc công ty lắng nghe phản hồi là cực kỳ quan trọng. Nghiên cứu này cũng đưa ra những kết quả vô cùng khả quan:

- Nhân viên ở những công ty này gắn bó hơn gấp đôi so với những nhân viên tại các công ty không được lắng nghe.

- Gần 70% nhân viên có khả năng sẽ ở lại công ty lâu hơn.

- Hơn 90% sẽ dễ dàng hơn khi đối mặt với sự thay đổi.

Tuy nhiên, chỉ dừng lại ở việc cải thiện EX là chưa đủ. Theo Dave Ulrich, một giáo sư và nhà lãnh đạo tư tưởng nhân sự, ông tin rằng việc cải thiện trải nghiệm của nhân viên cần được thực hiện thêm một bước nữa để các công ty thực sự nhận được lợi ích: “Các nhà quản lý nhân sự phải liên kết trải nghiệm của nhân viên với trải nghiệm của khách hàng”.

5. Quan tâm đến tinh thần của nhân viên

Chúng ta đang sống trong thời đại chưa từng có. Không có gì ngạc nhiên khi một lượng lớn dân số phải đối mặt với sự căng thẳng và sự không chắc chắn. Theo một báo cáo SHRM từ nửa đầu năm 2020 cho thấy có tới 41% nhân viên than phiền về tình trạng kiệt sức và 45% cho biết họ cảm thấy “giảm hào hứng trong công việc”.

Các công ty như Chevron, EY và Verizon Media đã hỗ trợ sức khỏe tâm lý cho nhân viên bằng nhiều cách khác nhau - các nhân viên được tiếp xúc với cố vấn, tham dự các chương trình khen thưởng để nâng cao sức khỏe tinh thần và hơn thế nữa.

Vậy, đã đến lúc doanh nghiệp của bạn cần quan tâm đến sức khỏe của người lao động hơn để họ cảm thấy thoải mái và làm việc với một năng suất cao nhất.

6. Tầm quan trọng của dữ liệu

Milner tin rằng trọng tâm của việc quản lý nhân sự trong vài năm tới là tập trung vào dữ liệu. Ông giải thích rằng chính xu hướng làm việc từ xa do đại dịch đã khiến cho người quản lý phải dựa vào các công cụ để đánh giá mức độ gắn bó và năng suất của nhân viên, đồng thời chuyển sang thông tin chi tiết về dữ liệu để định hướng.

Theo quan điểm của Milner, dữ liệu cung cấp cái nhìn về ba lĩnh vực quan trọng. Đầu tiên, nó cho thấy các phương pháp nhân sự thành công như thế nào trong việc gia tăng giá trị ở cấp chiến lược hoặc kinh doanh. Thứ hai, dữ liệu cho phép người quản lý nhân sự xác định cách để nâng cao trải nghiệm của nhân viên. Thứ ba, nó cho phép bạn thể hiện các chức năng khác nhau của mình phù hợp với các chiến lược liên quan.

Một báo cáo gần đây của Mercer cho thấy rằng hơn 60% CEO nói rằng xu hướng nhân sự hàng đầu là đưa ra quyết định bắt nguồn từ dữ liệu.

Milner kết luận: “Phân tích con người sẽ không biến mất và dữ liệu sẽ là một phần không thể thiếu trong cách hoạt động của tất cả các chức năng nhân sự trong vài năm tới.”

7. Nhân viên được trang bị công cụ và được trao quyền nhiều hơn

Cuộc chiến giành nhân tài giữa các doanh nghiệp là dấu ấn trong vài năm trở lại đây. Nhờ tỷ lệ thất nghiệp thấp trong lịch sử và một thị trường ưa thích ứng viên, các công ty đã phải rất cố gắng để tìm kiếm những tài năng hàng đầu. 

Và xu hướng mới của các doanh nghiệp là sẽ tập trung vào việc trao quyền cho nhân viên, trao cho nhân viên những công cụ họ cần để đạt được những kỹ năng nhất định, thay vì chỉ đơn giản là thu hút những tài năng hàng đầu để lấp đầy các vị trí tuyển dụng.

Sự phát triển không ngừng của trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ là động lực của nhu cầu trang bị đầy đủ công cụ hiện đại cho nhân viên. Một cuộc khảo sát của McKinsey cho thấy 68% CEO sẽ gia tăng vai trò tự động hóa và công nghệ, với 35% nói rằng AI, tự động hóa và robot là những lĩnh vực cụ thể đòi hỏi nhiều lao động có kỹ năng hơn.

8. Xóa nhòa khoảng cách giữa lãnh đạo và nhân viên

Khi các mô hình tổ chức số hóa nổi lên, sự lãnh đạo cũng dần thay đổi. 80% người khảo sát cho rằng phong cách quản lý là một vấn đề quan trọng.

Ngày nay, các tổ chức đòi hỏi sự nhanh nhẹn, đa dạng, và cần những nhà lãnh đạo có tầm nhìn rộng mở và linh hoạt để bắt kịp “con đường số hóa” để tăng tốc doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều công ty đã xô ngã hàng rào của những những nhà quản lý cấp cao và nhân viên. Giao tiếp cởi mở và trao quyền cho những nhân viên tiềm năng là cách để thúc đẩy tổ chức thay đổi phù hợp với kỷ nguyên số.

9. Tận dụng nhân sự thuê ngoài

Khi nhân sự của doanh nghiệp trở nên quá tải hoặc nhân sự hiện tại không đủ chuyên môn để đảm nhận một nghiệp vụ nào đó, thì việc đi theo hướng thuê ngoài là một lựa chọn phù hợp. 

Hiện nay, sử dụng nhân sự thuê ngoài đã trở thành xu hướng tất yếu tại các doanh nghiệp. 

Việc sử dụng nhân sự thuê ngoài không có nghĩa là các doanh nghiệp sẽ ngừng đề cao các bộ phận nhân sự nội bộ. Đội ngũ nhân sự hiện tại vẫn sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong các quy trình vận hành. 

Tuy nhiên, việc thuê ngoài cũng làm ảnh hưởng đến những chế độ phúc lợi, lương thưởng trong doanh nghiệp. Nên các nhà quản lý cần lập một kế hoạch để việc thuê ngoài trong doanh nghiệp được thực hiện hợp lý.  

Kết luận

Năm 2020 là một năm của những sự thay đổi mạnh mẽ, chưa từng có. Khi chúng ta tiến tới năm 2021, một bối cảnh mới sẽ xuất hiện, một bối cảnh được đánh dấu bằng các bài học kinh nghiệm từ đại dịch và chuyển đổi số. Việc phát hiện và thực thi các xu hướng mới trong quản lý nhân sự sẽ ảnh hưởng lớn đến thành công của tổ chức.

Bạn nghĩ xu hướng nhân sự chính trong năm 2021 sẽ là gì? Chúng ta có bỏ lỡ cái nào không? Hãy chia sẻ những ý kiến của bạn trong phần bình luận!

Trần Viết Quân

Bài viết nổi bật

Bài viết mới
Bài viết liên quan