Ngày cập nhật 2024-11-01 03:57:13

Cách viết email deal lương hiệu quả và khéo léo với nhà tuyển dụng

Cách viết email deal lương như thế nào là hiệu quả cho các ứng viên muốn nhận được một mức lương mong muốn sau khi nhận được thông báo trúng tuyển? Tanca sẽ mách bạn một số bí quyết khi viết email deal lương và một số mẫu đơn email deal lương một cách hiệu quả. Hãy cùng theo dõi bài viết sau.

Deal lương là gì?

viết email

Deal lương hay thỏa thuận lương là quá trình đàm phán về lương và quyền lợi giữa nhà tuyển dụng và ứng viên. Việc thảo luận về vấn đề lương thưởng sẽ kết thúc cho đến khi hai bên đi đến kết quả thống nhất cuối cùng.

Quá trình này sẽ giúp ứng viên đạt được mức thu nhập tương xứng với năng lực và vị trí công việc sắp tới. Trên thực tế, cùng làm một công việc nhưng mỗi người sẽ có một mức lương khác nhau, phần lớn dựa vào khả năng đàm phán lương của họ. Hài lòng với mức lương, nhân viên sẽ tập trung, vui vẻ cống hiến, hoàn thành tốt công việc, đồng thời lên kế hoạch chi tiêu hợp lý hơn.

Xem thêm: Cách đề nghị tăng lương khéo léo

Ưu nhược điểm của viết email deal lương

email deal lương

Ưu điểm

Đối với ứng viên, viết email deal lương giúp ứng viên có thời gian để sắp xếp các yêu cầu của mình một cách hiệu quả và logic nhất.

Đối với nhà tuyển dụng, việc deal lương qua email giúp cho các nhà tuyển dụng tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí cho các buổi phỏng vấn gặp mặt trực tiếp.

Nhược điểm

Khi deal lương qua email, sẽ có trường hợp ứng viên viết email không rõ ràng gây hiểu lầm cho nhà tuyển dụng.

Nhà tuyển dụng sẽ không cảm nhận rõ ràng được thái độ của ứng viên đối với công việc khi deal lương qua email.

Xem thêm: 5 nhóm thu nhập tại Việt Nam

Kinh nghiệm viết email deal lương hiệu quả

Xác định mức lương

Không thỏa thuận ngay khi nhận được thư nhận việc

Bạn không nên thương lượng lương ngay sau khi nhận được lời mời làm việc. Thay vào đó, hãy dành thời gian để suy nghĩ cẩn thận về lời đề nghị, mức lương và các phúc lợi khác của công ty.

Nếu có bất kì thắc mắc nào cần làm rõ hay điều chỉnh, hãy đàm phán lại với nhà tuyển dụng. Vì trong thư mời làm việc, nhà tuyển dụng thường cho ứng viên thời gian để suy nghĩ và cân nhắc kĩ càng trước khi đồng ý nhận việc.

Quan tâm đến các phúc lợi khác

Nếu nhà tuyển dụng không thay đổi mức lương, bạn có thể yêu cầu để biết thêm về các phúc lợi khác như phụ cấp, thưởng, các khoản lợi nhuận, thưởng thành tích xuất sắc… Yêu cầu nhà tuyển dụng cam kết về thời gian xem xét tăng lương và các khoản thu nhập khác được ghi rõ trong hợp đồng.

Xác định được mức lương mong muốn

Để deal được mức lương mong muốn, trước tiên ứng viên phải tìm hiểu kỹ về công việc mình ứng tuyển, bao gồm:

  • Yêu cầu công việc: Cùng một vị trí, nhưng mỗi doanh nghiệp sẽ có những yêu cầu riêng. Nếu khối lượng công việc nhiều, yêu cầu cao, có khả năng chịu áp lực công việc lớn, ứng viên có thể cân nhắc đến việc thỏa thuận ở một mức lương cao hơn.
  • Đánh giá năng lực bản thân: Khi tìm hiểu về công việc, ứng viên nên so sánh với năng lực của bản thân để xem mức độ phù hợp của bản thân đối với công việc.
  • Nghiên cứu mức lương của vị trí đang ứng tuyển: Ứng viên có thể tìm hiểu mức lương trung bình của vị trí đang ứng tuyển trên thị trường hiện tại thông qua Internet hoặc qua người quen đã và đang làm công việc đó. So sánh để biết công ty bạn nộp CV đang ở mức lương nào. Qua đó, giúp ứng viên dễ dàng thương lượng mức lương với nhà tuyển dụng.
  • Tìm hiểu về chế độ đãi ngộ: Nếu vị trí bạn ứng tuyển đang có mức lương thấp hơn kỳ vọng của bạn, đừng vội đưa ra ý kiến. Ứng viên hỏi kỹ nhà tuyển dụng về các chế độ phúc lợi và thời hạn xét tăng lương. Trường hợp lương không quá cao nhưng thưởng hấp dẫn hoặc có những đợt xét tăng lương định kỳ cũng là điều đáng để ứng viên cân nhắc.

Trình bày ưu điểm, năng lực nổi bật của bản thân

Nhìn vào CV, nhà tuyển dụng chỉ nhận được những thông tin rất ngắn gọn. Vì vậy, để tăng khả năng thành công của việc đàm phán lương, ứng viên nên cho nhà tuyển dụng thấy những ưu điểm và khả năng nổi trội của mình. Tuy nhiên, không cần phải quá phô trương vì nhà tuyển dụng chỉ quan tâm đến những gì mang lại lợi ích cho doanh nghiệp.

Một vài lưu ý khi viết email deal lương

lưu ý khi viết email

Nghiên cứu công ty và mức lương

Tìm hiểu kỹ lưỡng về quy mô, phúc lợi và mức lương của công ty sẽ giúp bạn biết liệu công ty có đưa ra mức lương hợp lý cho vị trí bạn đang ứng tuyển hay không. Từ đó, bạn có thể xác định xem mức lương đó có phù hợp với kỳ vọng của mình hay không và tìm ra mức lương phù hợp cho cả hai bên.

Không đưa ra mức lương quá cao

Nhiều người cho rằng cách đàm phán lương hiệu quả là đưa ra mức lương cao hơn bình thường để nhà tuyển dụng đàm phán dần xuống mức trung bình. Nhưng chính điều này lại khiến ứng viên bị thiệt thòi và bị coi là người đến với công việc chỉ vì tiền.

Không nhắc về lương cũ

Một điều lưu ý trong thỏa thuận lương là ứng viên không nên chủ động đề cập đến mức lương ở công ty cũ. Bởi nhiều doanh nghiệp sẽ dựa vào đó để hạ mức lương đề xuất ban đầu xuống một chút nhưng vẫn cao hơn công ty cũ và khiến ứng viên hài lòng.

Trên thực tế, mức lương của các ngành nghề khác nhau luôn được điều chỉnh thường xuyên, phù hợp với sự phát triển của thị trường việc làm trong từng thời kỳ. Có thể sau một thời gian thất nghiệp, mức lương ở vị trí cũ của bạn không còn hoặc được tăng lên đáng kể mà bạn không hề hay biết. Vì vậy, không nên kể quá chi tiết về thu nhập cũ khi deal lương qua email.

Không đưa ra mức lương cụ thể

Nguyên tắc này sẽ giúp bạn nhận được nhiều lợi ích hơn. Nếu tiết lộ chi tiết về lương, bạn có thể nhận được ít hơn mức mà công ty dự kiến trả. Hơn nữa, nếu chọn mức lương không phù hợp với khả năng của mình, bạn có thể gặp rắc rối. Vì vậy hãy linh hoạt và nhạy bén, tùy theo sự việc để điều chỉnh.

Bí quyết deal lương cho từng đối tượng

Người đã có kinh nghiệm

Nếu ứng viên đã từng làm việc trong quá khứ, ứng viên sẽ có nhiều lợi thế hơn trong việc thỏa thuận lương với nhà tuyển dụng, đặc biệt khi vị trí mới tương đương với vị trí cũ. Vì vậy, khi nhận được bảng mô tả công việc do đơn vị tuyển dụng gửi đến, ứng viên nên tìm hiểu kỹ khối lượng công việc để đánh giá trình độ và hiệu quả công việc của mình.

Khi đã xác định được năng lực của bản thân, ứng viên bắt đầu thương lượng mức lương. Cụ thể, hãy đàm phán với mức lương mong muốn tăng 10-15% so với thu nhập ở vị trí cũ.

Ngược lại, nếu vị trí mới khác với công việc cũ, ứng viên nên cân nhắc kỹ trước khi thương lượng với mức lương cao. Ứng viên có thể tham khảo mức lương cho vị trí đang ứng tuyển từ nhà tuyển dụng, từ đó đưa ra mức thỏa thuận bằng hoặc cao hơn 10%.

Sinh viên mới ra trường

Trong trường hợp này, đàm phán lương là một thử thách khá lớn vì ứng viên mới ra trường, kiến thức và kinh nghiệm còn nhiều hạn chế.

Thời gian thích hợp nhất để các ứng viên mới ra trường đàm phán về mức lương sau khi thử việc 2 tháng. Lúc này, ứng viên sẽ có sự trưởng thành nhất định, hiểu được những kỳ vọng từ doanh nghiệp, đồng thời thể hiện được năng lực bản thân và đảm bảo cam kết trách nhiệm của bản thân đối với doanh nghiệp.

Ví dụ về một vài mẫu email deal lương

Email đề xuất mức lương

Dear/ Kính gửi…………..,

Công việc của tôi phần lớn liên quan tới……………., những kinh nghiệm và kĩ năng tôi học được từ môi trường này có thể đáp ứng được yêu cầu của công ty đối với công việc.

Tôi chắc chắn mình có thể hợp tác tốt với các bạn và tôi hi vọng mình có cơ hội để chứng minh điều đó.

Tôi hi vọng được thỏa thuận với mức lương………………..không bao gồm phúc lợi và ưu đãi khác. Mức lương tôi yêu cầu là dựa trên tính chất công việc cũng như mức lương bình quân cho vị trí tương đương. Tùy thuộc vào một số yếu tố như nâng cao nghiệp vụ hay cơ hội học tập mà chúng ta có thể thỏa thuận với mức lương tôi đã đề xuất.

Trân trọng,

Đàm phán dựa trên mức lương chung của thị trường

Dear/Kính gửi………..

Tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc  đã cho tôi cơ hội thử sức với vị trí hiện tại. Bản mô tả công việc này rất phù hợp với kinh nghiệm cũng như mục tiêu nghề nghiệp của tôi. Tôi vô cùng vui mừng khi được đóng góp sức lực của mình cho sự phát triển của công ty.

Tôi muốn thảo luận một chút về mức lương cơ bản trước khi thỏa thuận hợp đồng hợp đồng. Công việc……………..đòi hỏi cần có……………… và …………..mà tôi có thể đáp ứng được. Dựa vào mức lương cũ của tôi và mức lương bình quân cho vị trí tương đương, tôi hi vọng công ty có thể xem xét lại mức lương đề nghị ban đầu là………….

Mức lương bình quân hàng năm cho vị trí tương đương giao động từ …….. đến………. Vì vậy tôi đề nghị mức lương……….. sẽ phù hợp hơn với trình độ của tôi cũng như yêu cầu công việc cho vị trí này.

Tôi xin chân thành cảm ơn một lần nữa về đề nghị của công ty. Tôi tin chúng ta sẽ đi đến một thỏa thuận mang lại lợi ích cho đôi bên.

Trân trọng,

Khi nhận lời đề nghị công việc mới với mức lương cao hơn ở công ty khác

Dear/ Kính gửi…….,

Tôi xin chân thành cảm ơn vì đã cho tôi cơ hội thử sức với vị trí công việc mà mình đã ứng tuyển. Tôi rất vui lòng khi được làm việc chung với các bạn.

Tôi muốn thảo luận một chút về mức lương cơ bản trước khi hai bên kí kết hợp đồng. Mặc dù công ty bạn là lựa chọn đầu tiên của tôi, tuy nhiên tôi cũng mới nhận được lời mời làm việc từ một công ty khác với mức lương cơ bản cao hơn là……...

Tôi rất muốn làm việc và sẵn sàng cống hiến cho công việc này nếu bạn có thể đáp ứng được mức lương cơ bản tôi đã đề ra. Tôi biết là mức lương tôi yêu cầu cao hơn khoản ngân sách dự kiến cho vị trí này nhưng tôi sẵn sàng thỏa để đưa ra phương án có lợi cho đôi bên.

Tôi tin mình sẽ cống hiến sức mình vì sự phát triển của công ty, và tôi hi vọng chúng ta có thể đi đến một thỏa thuận có lợi cho hai bên.

Trân trọng,

Tiền lương và đãi ngộ không tương xứng với công việc

Dear/Kính gửi………..,

Tôi xin chân thành cảm ơn về cơ hội trở thành thành viên mới mới trong công ty. Tôi rất muốn được thử sức với thử thách này và cống hiến hết sức mình cho công ty.

Tuy nhiên, tôi có một số thắc mắc về khoản lương và phụ cấp. Sau vài vòng phỏng vấn, tôi nhận thấy công việc thực tế không giống như miêu tả ban đầu mà tôi được đọc khi ứng tuyển vào vị trí này.

Với khối lượng công việc nhiều như vậy nhưng tôi vẫn có đủ kinh nghiệm và kĩ năng cần thiết để hoàn thành. Vậy nên tôi cho rằng khoản lương và phụ cấp ban đầu là chưa tương xứng với nỗ lực trong công việc của tôi. Vị trí công việc tôi sẽ đảm nhiệm là một vị trí đầy thách thức, vì vậy công ty sẽ cần một người có đủ kinh nghiệm và bản lĩnh trong lĩnh vực này.

Vì vậy tôi nghĩ mức lương nên tăng lên thành……..thì sẽ hợp lý hơn so với yêu cầu công việc.

Tôi hi vọng chúng ta sẽ có cuộc đàm phán đi đến sự thỏa thuận về vấn đề này. Chúng ta có thể thảo thuận kĩ càng hơn trong cuộc gặp tới. Vui lòng liên lạc trực tiếp hoặc email  cho tôi để tôi có thể sắp xếp thời gian phù hợp. Tôi xin chân thành cảm ơn.

Trân trọng,

Deal lương dựa vào kĩ năng và thành tích trước đó

Dear/Kính gửi…….,

Tôi đã dành thời gian để suy nghĩ kĩ càng về lời đề nghị của công ty và mọi thứ đều khá tốt nhưng tôi vẫn muốn thảo luận một chút về mức lương cơ bản.

Tôi nghĩ mình rất phù hợp với vị trí này và sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển của công ty. Tôi có nền tảng ……….. vững vàng, đã sáng lập và quản lý các nhóm trong lĩnh vực………... Tôi có bằng cấp hoặc chuyên môn và đã quản lý  thành công nhiều hạng mục kinh doanh trong lĩnh vực………. trong vòng……….năm.

Những kinh nghiệm  này sẽ có ý nghĩa then chốt cho vị trí đặc biệt này và đó là lý do tại sao tôi rất hào hứng khi có cơ hội làm việc với ………

Cong ty đề nghị trả tôi mức lương ………… nhưng tôi nghĩ mức lương ………. sẽ phù hợp hơn. Tôi nghĩ mức lương phản ánh tầm quan trọng cũng như sự kỳ vọng của vị trí này đối với công ty. Trình độ và kinh nghiệm của tôi hoàn toàn phù hợp.

Tôi rất mong có cơ hội đàm phán và làm việc với công ty trong thời gian tiếp theo.

Trân trọng,

Phía trên là những cách viết email deal lương mà chúng tôi muốn chia sẻ đến bạn. Qua bài viết này, Tanca hy vọng bạn đã biết cách viết email deal lương một cách chính xác và hiệu quả. Hãy cùng chia sẻ kinh nghiệm của bạn về vấn đề này trong phần bình luận bên dưới nhé.

Lê Thị Thuỳ Vi
Bài viết mới
Bài viết liên quan