更新日 2024-12-22 01:26:25

[Người Lao Động] Doanh nghiệp số hóa "từ A-Z"

Cú hích từ dịch Covid-19 mở đường cho nhiều phần mềm, ứng dụng phục vụ số hóa hoạt động của doanh nghiệp ra đời và được sử dụng hiệu quả.

Dịch Covid-19 dần được kiểm soát, hoạt động sản xuất - kinh doanh cơ bản trở lại bình thường song yêu cầu phòng dịch vẫn phải đặt lên hàng đầu. Các ứng dụng quản lý con người, quản trị doanh nghiệp (DN)... nhờ vậy có cơ hội được sử dụng nhiều hơn so với trước khi dịch bùng phát hay trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng.

Chấm công bằng camera AI

Được nghiên cứu và hoàn thiện 100% bởi người Việt, giải pháp VCC AI Camera của Tổng Công ty CP Công trình Viettel (Viettel Construction) sử dụng camera ứng dụng trí tuệ nhân tạo (camera AI) giúp DN tiết kiệm thời gian và nhân lực trong một số bước quản trị.

Theo Viettel Construction, camera AI có thể nhận dạng khuôn mặt chính xác đến 99,9% ngay cả khi chủ thể đang đeo khẩu trang hoặc kính đen. Trường hợp tạm thời không có kết nối internet, dữ liệu vẫn được ghi lại trong bộ nhớ suốt 24 giờ.

cham cong tanca

"Với tốc độ nhận dạng 200 m/giây trong khoảng cách 1-4 m, camera AI có thể nhận diện hình ảnh cực nhanh và chính xác. Giải pháp này có thể ứng dụng vào việc chấm công tại nhà máy, DN; điểm danh tại trường học, công sở; giám sát bệnh nhân tại khu vực cách ly, bệnh viện..." - đại diện Viettel Construction cho hay.

Ông Trần Viết Quân, nhà sáng lập nền tảng Tanca.io, cho biết sau 2 năm kể từ khi ra đời, ứng dụng Tanca đã phục vụ chấm công cho khoảng 60.000 người và thể hiện được lợi ích đáng kể. Tuy nhiên, để tiếp tục cải thiện quy trình số hóa cho DN, Tanca.io phát triển thêm camera AI với khả năng thay thế các hình thức chấm công đã lỗi thời như vân tay, thẻ từ, ghi sổ...

"Thử nghiệm trên một nhóm khách hàng, chúng tôi ghi nhận camera AI giúp thay đổi trải nghiệm của nhân viên theo hướng tích cực. Họ không còn phải nhớ chấm công để được tính lương, camera AI giúp họ ghi lịch sử ra - vào công ty một cách rõ ràng, minh bạch. Đặc biệt, giải pháp này ngăn chặn tình trạng chấm công hộ, sử dụng thẻ giả; giải phóng việc công nhân tại KCN-KCX phải đứng xếp hàng rất lâu để chấm công, giúp DN tiết kiệm hàng ngàn giờ lãng phí mỗi năm" - ông Trần Viết Quân phân tích.

Quản trị trên nền tảng số

Ông Trương Quốc Thắng, Trưởng Phòng Dữ liệu Công ty CP Base Enterprise (nền tảng Base.vn), cho biết số lượng DN sử dụng phần mềm của công ty để phục vụ quản trị hiện khá lớn nhờ tính tiện ích cao và sử dụng dễ dàng. Theo ông Thắng, nguyên nhân quan trọng hơn cả khiến DN tăng tốc số hóa mọi hoạt động là bởi đại dịch Covid-19 đòi hỏi DN phải thay đổi.

"Dữ liệu được lưu thủ công, rời rạc thì khi tìm kiếm sẽ rất mất sức, tính bảo mật không cao. Do đó, công nghệ là bài toán cho DN không chỉ trong đại dịch mà là tất yếu trong mọi hoàn cảnh" - ông Thắng nhìn nhận.

Tuy nhiên, ông Thắng lưu ý không phải DN nào muốn chuyển đổi từ phương thức quản trị cũ sang phương thức ứng dụng công nghệ mới cũng có thể thực hiện thành công. Bởi lẽ, công nghệ chỉ là công cụ, còn chất liệu của việc quản trị chính là các dữ liệu của DN. Nếu DN không có ý thức lưu trữ tốt dữ liệu trong thời gian dài thì không có chất liệu để số hóa các hoạt động.

"Một rào cản khác là không ít DN sử dụng nhiều công nghệ cho từng nghiệp vụ khác nhau như: quản trị nhân sự, kế toán - tài chính, kho bãi..., khiến dữ liệu bị phân mảnh, khó tập trung. Điều này cũng gây khó khăn cho việc số hóa đồng bộ dữ liệu vào một phần mềm quản trị DN chung. Để giải quyết những tình huống này, cần nhiều thời gian hơn song hiệu quả không cao" - ông Thắng nhận xét.

Trong khâu sản xuất, bản thân nhiều DN cũng nhận thức rõ chuyển đổi số là bài toán sống còn. Ông Trần Nguyên Hải, Giám đốc Công ty In Phú Sỹ, cho rằng có 3 yếu tố quan trọng với DN sản xuất là: quality - chất lượng; cost - chi phí, giá cả và delivery - giao hàng.

"Nhu cầu của khách hàng thường xuyên thay đổi trong khi để làm ra sản phẩm, phải qua nhiều bước rất chi tiết. Nhân sự sản xuất thường bị cuốn theo guồng quay của công việc. Để hệ thống hóa công việc nhằm đáp ứng tiến độ và quản lý tốt từng khâu trong sản xuất, ngoài kinh nghiệm thì cần đến công nghệ" - ông Hải nhận định.

Ông Hải cũng cho biết quá trình chuyển đổi số của DN gặp rất nhiều khó khăn là do nhân sự quen với cách làm việc cũ, độ nhạy bén về công nghệ không đồng đều. Song, với lộ trình bài bản, Công ty In Phú Sỹ đã ứng dụng công nghệ tới từng tổ trưởng sản xuất và hướng tới mục tiêu triển khai toàn diện tới từng công nhân.

Lê Thị Thuỳ Vi

ベスト記事