Ngày cập nhật 2024-04-29 13:27:08

Vì sao xây dựng SAAS nên nhắm đến thị trường toàn cầu?

Mình tiếp tục với bài số 2 về SAAS từ góc nhìn thị trường, tiếp thị và kinh doanh để các bạn bắt đầu vào việc xây dựng sản phẩm có thể không vấp vào các sai lầm hoặc học được những bài học mới. Các bài Blog này có thể không phù hợp với các doanh nghiệp đã thành công với SAAS. 

 

Thị trường: Nhìn ra toàn cầu

Các sản phẩm Trung Quốc ngập tràn khắp nơi trên thế giới bởi vì họ sản xuất theo số lượng lớn nên giá vốn thấp. Giá vốn hàng bán thấp là lợi thế cạnh tranh của nhiều quốc gia với lợi thế về lao động, nguyên liệu và thị trường. 10 năm gần đây Trung Quốc đã cạnh tranh sòng phẳng với Mỹ ở một số lĩnh vực như AI, Blockchain. Trung Quốc là quốc gia đã học Mỹ rất nhiều bằng cách tạo ra các sản phẩm tương tự và triển khai cho quốc gia tỉ dân. Ở lĩnh vực internet hay phần mềm mình nghĩ Trung Quốc sẽ rút dần khoảng cách khi các công ty như Baidu, Byedance, Tencent, Alibaba… sẽ lấn sân sâu hơn vào lĩnh vực phần mềm.

Hình ảnh: Dingtalk đã gây ấn tượng rất mạnh của mình qua hệ thống chấm công của họ 4 năm trước

 

Do vậy khi bắt đầu Tanca, mình đã đi nghiên cứu các sản phẩm hàng đầu của Mỹ, Trung Quốc, Úc và Châu Âu. Nếu như các sản phẩm của phương Tây tập trung vào sự đơn giản và tiện dụng thì các sản phẩm Trung Quốc dựa vào thiết kế đẹp, nhiều tính năng và địa phương hóa… Không có ý tưởng nào Việt Nam có mà Trung Quốc chưa có, vấn đề là chúng ta chưa tìm kiếm đúng cách.

Nếu bạn có một ý tưởng kinh doanh về SAAS hay bất kỳ lĩnh vực gì, hãy tìm kiếm ở Trung Quốc đầu tiên và sau đó mở rộng ra tìm kiếm trên toàn thế giới. Bởi vì nếu không tìm kiếm ra bất kỳ sản phẩm nào tương tự, ý tưởng của bạn có thể không khả thi hoặc cũng có thể nó quá xuất sắc. Nhưng nếu tìm ra các sản phẩm tương tự và nghiên cứu về nó bạn sẽ rút ngắn thời gian rất nhiều trong giai đoạn xây dựng sản phẩm. Có thể bạn không hiểu được cách mà các sản phẩm này triển khai nhưng vẫn có thể giúp bạn hiểu phần nào về mô hình kinh doanh sau này.

 

Kinh doanh: Ba lợi thế cạnh tranh

Như mình đề cập phần trên, nhìn ra toàn cầu sẽ giúp chúng ta có tầm nhìn lớn hơn để biết được chúng ta sẽ ở đâu trong một thị trường rộng lớn. Điều này theo mình nghĩ sẽ giúp các chúng ta xác định hướng đi, độ rộng của thị trường và định vị sản phẩm trong hệ sinh thái. Mình có cơ hội nói chuyện với CEO Grab khi anh ta mới bắt đầu vào Việt Nam. Điều mà các Startup khu vực vượt trội hơn chúng ta là tầm nhìn và khả năng kinh doanh. Chính tầm nhìn đã tạo ra cho các công ty này một lộ trình và vị thế hoàn toàn khác ngay từ đầu.

Ba lợi thế cạnh tranh của startup Việt Nam theo mình nghĩ là (1) Khả năng Tech (2) Chi phí rẻ (3) Địa phương hóa cao

Chúng ta có một đội ngũ Lập trình viên rộng lớn và xã hội đều đang hướng con em sang học CNTT. Đây là một lợi thế lớn để tìm kiểm các lập trình viên trẻ tuổi, máu con đường khởi nghiệp và có hoài bão để vươn ra thế giới. Đội ngũ này có thể sử dụng được tiếng Anh ở mức cơ bản để hiểu về các sản phẩm tương tự. Chúng ta cần thời gian để build team Tech mạnh nhưng một thứ quan trọng hơn là thời gian. Tech team của Tanca thời kỳ đầu có 5 thành viên và có thể chiến đấu 10-15 tiếng/ngày trong nhiều năm. Đây là nhân tố rất quan trong để xây sản phẩm thật nhanh ở thời kỳ đầu. Chúng ta cần tranh thủ thời gian nhanh nhất có thể bằng việc tăng thời gian làm việc, cách làm việc và tư duy về sản phẩm để có MPV nhanh nhất.

Đối với Startup cần phải cực kỳ tiết kiệm trong thời gian dài và sử dụng giá sản xuất rẻ nhất có thể. SAAS cần thời gian 3-5 năm để Product Market Fit do vậy cần phải duy trì một thời gian dài với các chi phí rẻ nhất có thể bao gồm văn phòng, đội ngũ dev, chi phí tiếp thị và bán hàng ban đầu… Lúc đầu chi phí cho phát triển sản phẩm sẽ lớn, giai đoạn kế tiếp là chi phí cho tiếp thị và bán hàng và đền giai đoạn cho chi phí vận hành. Thông thường các Team Tech như Tanca đều không có các báo cáo tài chính hay dự báo tài chính nhưng nếu ngay từ đầu team của bạn có thể hình dung được càng nhiều càng tốt cách mà bạn tiết kiệm nhất nhưng có hiệu quả cao nhất sẽ giúp team bạn đi dường dài hơn.

Hình ảnh: Tanca thời kỳ đầu có cả tính năng chat mà team đã mất cả năm để phát triển và cuối cùng phải bỏ.

 

Và cuối cùng là địa phương hóa sản phẩm. Chúng ta cần tham khảo các sản phẩm hàng đầu thế giới, tuy nhiên không phải cái gì chúng ta học được cũng có thể áp dụng thị trường nội địa. Lấy ví dụ như ở Tanca, lúc đầu chúng tôi đã vẽ ra quá nhiều thứ cho sản phẩm của mình và sau đó phải cắt bỏ đi rất nhiều vì không định vị được chính xác sản phẩm. Thị trường sẽ chỉ cho chúng ta cách mà khách hàng sử dụng dù rằng chúng ta có Clone 1 phần mềm tương tự trên thế giới cũng chưa chắc giải quyết được bài toán sản phẩm phù hợp. Do vậy hãy cố gắng tiếp cận khách hàng và thị trường càng sớm để biết cách địa phương hóa. Cách mà bạn có thể tạo ra rào cản để ngăn đối thủ ngoại trở thành đối thủ của bạn trong tương lai.

 

Tiếp thị: Chọn tên mà người ta nhớ được

Khi bắt đầu làm sản phẩm team Tanca đã nghĩ đến bài toán Global. 5 năm trước bọn mình đã nghĩ làm phần mềm trước sau cũng phải ra nước ngoài do vậy xác định phải xây sản phẩm Go Global từ Local thay vì Go Global ngay từ đầu. Tanca bắt đầu từ một phần mềm về lịch công việc và chấm công. Khi bắt đầu chọn tên sản phẩm mình phải đi tìm một cái tên chỉ khoảng 2 ký tự (cho người ta dễ gõ), người Việt Nam có thể đọc hiểu và người nước ngoài có thể phát âm được. Tanca theo tiếng Việt nghĩa là ra về - phù hợp với phần mềm về thời gian, tiếng Anh thì tây đọc vào cũng dễ phát âm. Mà quan trọng là nó chưa được công ty nào đăng ký tên miền và khi mua tên miền team mình chọn là .io thay vì .vn. Logo biểu tượng chữ T của Tanca cũng có nghĩa là Time - nhìn vào thấy giống cái đồng hồ cũng tạm đoán ra được phần mềm quản lý thời gian. Chọn màu xanh vì mình nghĩ màu xanh dễ được đón nhận hơn cho mọi người thay vì đỏ hay cam.

Nếu bạn chọn được tên sản phẩm mà nó đọc ra người ta hiểu ngay làm gì thì quá tốt nhưng cái này thì không dễ, đặt 3-4 ký tự hoặc quá thuần tiếng Anh thì khi người Việt tìm kiếm sẽ khó, gặp các nước không dùng chữ viết La tinh thì đọc trẹo mồm. Mình thấy nhiều bạn đặt tên sản phẩm thuần tiếng Anh nhưng nếu phục vụ cho thị trường Mass mà người ta tìm không ra thì cũng khá mệt. Nếu bạn đặt tên sản phẩm có những từ khóa gắn với thị trường mà khách hàng của bạn tìm kiếm đó sẽ là một ưu thế vì sau này bạn sẽ phải trả thêm các chi phí tiếp thị nếu như tên của nó quá khó đọc hoặc tìm.

Sau này khi làm Truyền thông và Marketing cho sản phẩm Tanca chỉ nói về chấm công để tạo ra Single Minded (điều đơn giản khách hàng nghĩ về bạn). Bây giờ nếu ai biết về Brand của Tanca thì họ sẽ nói đó là phần mềm chấm công.  Messenger -> Chat, Salesforce, Hubspot -> CRM, Asana ->Task… 

 

Đào Ngọc Yến Nhi