Ngày cập nhật 2024-11-22 00:29:49

[TheLeader.VN] Truyền thông tiếp thị kiểu 'nhà nghèo'

Thiếu kinh nghiệm, thiếu kinh phí khiến các startup gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai các hoạt động truyền thông, tiếp thị.

Tham gia các cuộc thi quốc tế là một cách giúp tên tuổi của startup được lan toả rộng mà tiết kiệm chi phí

 

Khó khăn luôn thường trực đối với đa phần doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) kể từ những ngày đầu khi chỉ mới hình thành ý tưởng. Trong công tác truyền thông, các startup gặp nhiều khó khăn khi không có kinh phí để làm các chương trình truyền thông hoặc tiếp thị chuyên nghiệp. 

Bên cạnh đó, những doanh nghiệp này cũng không có nhiều kinh nghiệm trong truyền thông, đặc biệt khi nhà sáng lập có xuất phát điểm là dân công nghệ.

Ông Lý Đình Quân, Tổng giám đốc Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn (Songhan Incubator) cho biết hiện đang làm việc với những startup ở các giai đoạn khác nhau. Các dự án đã có sản phẩm thử nghiệm sau ươm tạo thường chưa xây dựng được mô hình truyền thông và không có nhiều chi phí sẽ được hỗ trợ thông qua kênh báo, đài của địa phương và trung ương cũng như uy tín của vườn ươm. 

Với những startup lớn hơn, đã bắt đầu thương mại hoá sản phẩm, đã có doanh thu, dòng tiền thì việc truyền thông cũng thoải mái hơn vì có ngân sách. Dù vậy, những startup này cũng được các tổ chức ươm tạo hỗ trợ lan toả với chi phí thấp thông qua các hoạt động trong hệ sinh thái nhờ mạng lưới đối tác về truyền thông, báo chí trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, hỗ trợ từ vườn ươm là một phần, tính chủ động trong công tác truyền thông của các startup cũng đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt là với các startup “tự thân vận động”. Bà Lê Mai Anh, Giám đốc quốc gia PR Newswire Việt Nam đặc biệt lưu ý, các doanh nghiệp cần đảm bảo sản phẩm/dịch vụ chất lượng để có được sự tự tin trước khi đẩy mạnh truyền thông, bước đầu tạo được “hữu xạ tự nhiên hương”, đồng thời tránh tình trạng nói nhiều nhưng thực tế chưa được bao nhiêu có thể gây ra phản ứng ngược.

Khi đã có sản phẩm/dịch vụ chất lượng, các doanh nghiệp cần xây cho mình lộ trình, kế hoạch thực hiện truyền thông dựa vào từng giai đoạn phát triển của doanh nghiệp. Ông Lý Đình Quân nhận định, startup cần có tầm nhìn, chiến lược để biết sứ mệnh sẽ triển khai, từ đó gắn với sản phẩm/dịch vụ để có chiến lược truyền thông - tiếp thị rõ ràng và bám sát một thông điệp chiến lược ngay từ đầu.

Bà Lê Mai Anh, Giám đốc quốc gia PR Newswire Việt Nam

Nói về các kênh truyền thông, bà Mai Anh khẳng định, không phải chỉ có kênh truyền thông trả tiền (paid media) mới là hình thức tốt để quảng bá sản phẩm/dịch vụ. Với mô hình truyền thông 3M, cách đơn giản và tiết kiệm là qua kênh truyền thông sở hữu (owned media). 

Cụ thể, tích cực xây dựng thông tin cho sản phẩm/dịch vụ trên các kênh do chính doanh nghiệp phát triển. Bên cạnh đó, startup cũng nên kết nối với các quỹ khởi nghiệp, tham gia các chương trình, giải thưởng, mở rộng kết nối để có thể phát triển kênh truyền thông lan truyền (earned media) thông qua bên thứ ba mà không tốn kém chi phí.

Lãnh đạo một doanh nghiệp khởi nghiệp, ông Nguyễn Xuân Đông, đồng sáng lập Ecomobi cho biết, chú trọng vào kênh truyền thông sở hữu và truyền thông lan truyền cũng là kim chỉ nam của startup này. Hoạt động kinh doanh hiện nay của Ecomobi diễn ra ở nhiều quốc gia khác nhau trong khu vực Đông Nam Á nên thách thức với đội ngũ làm truyền thông cũng khá cao.

Một trong những phương án của startup này là xây nền tảng website quảng bá đa ngôn ngữ, tích cực tham gia các chương trình hỗ trợ tăng tốc khởi nghiệp, các sự kiện và cuộc thi lớn trong khu vực. Năm ngoái, nền tảng bán hàng trên mạng xã hội Ecomobi đã dành một trong hai giải thưởng cao nhất của Echelon Asia Summit được tổ chức ở Singapore. 

Ông Đông cho biết, sau cuộc thi, tên tuổi của Ecomobi xuất hiện rộng khắp trên các mặt báo của khu vực. Bên cạnh đó, kế hoạch hợp tác với những khách hàng đã và đang sử dụng dịch vụ cũng được Ecomobi quan tâm nên trong kế hoạch truyền thông luôn có ngân sách để phối hợp thực hiện truyền thông cùng đối tác.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, startup cũng nên cẩn trọng trong việc lựa chọn các kênh truyền thông khác nhau, tùy vào năng lực của doanh nghiệp cũng như từng thời điểm để truyền thông hiệu quả.

Ông Trần Viết Quân, nhà sáng lập nền tảng Tanca.io cho rằng, startup cần tuỳ vào thời điểm để lựa chọn kênh truyền thông cho hợp lý. Chẳng hạn, nếu đang ở giai đoạn thử nghiệm sản phẩm/dịch vụ thì kênh báo chí dường như không mang nhiều ý nghĩa. Điều quan trọng là phải định vị được sản phẩm, có sự khác biệt và phải có câu chuyện trong nội dung truyền tải.

Đồng quan điểm, Giám đốc quốc gia PR Newswire cho biết, nhiều startup khá nóng vội khi bày tỏ tham vọng muốn thu hút báo chí trong nước và quốc tế nhằm mục đích có được các nhà đầu tư trong thời gian ngắn. Bà Mai Anh nhận định, startup cần thay đổi tư duy, đừng cho rằng xây dựng được thương hiệu là có ngay nhà đầu tư; phải xác định đối tượng sản phẩm/dịch vụ hướng đến cùng với độ phủ để có chiến lược truyền thông hợp lý và hiệu quả.

Bên cạnh lựa chọn kênh truyền thông, nội dung cũng như hình thức truyền thông cũng rất quan trọng. Theo bà Mai Anh, có rất nhiều nội dung, câu chuyện để khai thác, song doanh nghiệp cần lưu ý, đừng chỉ chăm chăm quảng bá, giới thiệu sản phẩm mà hãy bắt đầu bằng các vấn đề của xã hội, từ đó chia sẻ cách thức doanh nghiệp có thể hỗ trợ giải quyết. Những tư liệu này rất có giá trị để thu hút sự quan tâm của báo chí.

“Báo chí luôn là những người bạn, là bệ phóng tốt nhất để lan toả các giải pháp mà startup muốn cung cấp ra thị trường. Qua các câu chuyện Ecomobi cung cấp cho báo chí, qua cách kể chuyện của chúng tôi với báo chí, các sản phẩm đến với dùng, với khách hàng tiềm năng một cách tự nhiên hơn”, ông Đông chia sẻ.

Ông Đông cho rằng khi làm truyền thông, cần xác định được đối tượng khán giả thực sự muốn lắng nghe và quan tâm đến sản phẩm/dịch vụ của thương hiệu. Ecomobi xác định các nhóm đối tượng khách hàng tiềm năng khác nhau, từ đó dùng ngôn ngữ của mỗi nhóm để nói lên nỗi khó khăn, vất vả của họ và chỉ ra cách giải quyết của doanh nghiệp.

Lãnh đạo Ecomobi cũng cho biết, để thu hút khách hàng, việc truyền thông cần mang tính hấp dẫn, đầu tư vào nội dung và hình ảnh để phù hợp với thị hiếu.

“Hữu xạ tự nhiên hương” là không đủ

Có quan điểm cho rằng, “rượu ngon không cần quảng cáo”, tuy nhiên bà Mai Anh cho rằng trong phạm vi quy mô thị trường vừa phải thì "hữu xạ tự nhiên hương" chắc chắn mang nhiều giá trị. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp phát triển hơn, quy mô thị trường kỳ vọng lớn hơn, doanh nghiệp muốn mở rộng đổ phủ thì sẽ phải đẩy mạnh truyền thông. Startup thời nay tham vọng rất lớn, ai cũng muốn nhanh chóng mở rộng quy mô, tiến ra khu vực và toàn cầu.

“Như vậy, không chỉ làm tốt về chất lượng sản phẩm và dịch vụ, startup cũng cần có công cụ, phương tiện, không thể không chi tiền quảng cáo để lan toả hình ảnh sản phẩm, thương hiệu. Doanh nghiệp cần chuẩn bị hành trang dài hơi”, bà Mai Anh nói tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề Bài toán truyền thông cho startup do VnExpress tổ chức.

Với lựa chọn mô hình hoạt động kinh doanh của mình, Ecomobi xác định không thể làm việc với hàng nghìn khách hàng một cách đại trà mà chỉ tập trung vào các khách hàng lớn. Trước hết là xác định làm thật tốt ở thị trường mục tiêu hàng đầu là Indonesia. Sau một năm xây dựng giải pháp cung cấp cho các khách hàng lớn nhất thì nhận được phản hồi rất tốt. 

Cùng thời gian đó xây dựng được mối liên hệ với các phóng viên, báo đài trong khu vực nên nhờ đó Ecomobi đã lan toả được câu chuyện của mình ở Indonesia và Singapore, tiếp tục tiếp cận được với phần lớn khách hàng mục tiêu mong muốn.

Sau khi hoàn thành mục tiêu về khách hàng ở Indonesia, Ecomobi mang sản phẩm về thị trường Việt Nam. Chỉ sau ba quý, startup này hoàn thành được mục tiêu tiếp cận và ký hợp đồng với các khách hàng mục tiêu ở Việt Nam. Sau đó, startup này tham gia các cuộc thi trong nước và khu vực, kết nối với các quỹ đầu tư. Nhờ mạng lưới truyền thông của các cuộc thi, giải pháp của Ecomobi được giới thiệu rộng rãi hơn ở các quốc gia khác nhau. Một năm sau đó, startup này “tấn công” thị trường Thái Lan.

Tuy nhiên, không phải startup nào cũng đủ tiềm lực để tự thực hiện việc quảng bá ở thị trường nước ngoài. Ông Lý Đình Quân cho biết, đối với nhiều startup tốt đã đề nghị trung tâm hỗ trợ kết nối truyền thông ở thị trường quốc tế, thường sẽ phải lấy tên tuổi các thương hiệu lớn để đứng ra bảo lãnh trong quá trình kết nối khi tên tuổi startup chưa được ai biết đến. Khi startup muốn kinh doanh tại một thị trường nước ngoài, những đơn vị hỗ trợ như Songhan Incubator sẽ phải liên lạc với các đầu mối uy tín nhất, xác định các sự kiện phù hợp nhất với loại hình sản phẩm/dịch vụ của startup.

Ngoài ra, bà Mai Anh lưu ý, khi làm truyền thông ở thị trường quốc tế, phải nghiên cứu thật kỹ yếu tố văn hoá. Trong đó, bà nhấn mạnh hai yếu tố quan trọng là ngôn ngữ và múi giờ. Chẳng hạn, nhiều khách hàng ở Nhật, Hàn không thích đọc thông tin bằng tiếng Anh hay việc gửi thông tin vào thời điểm không phù hợp có thể làm giảm hiệu quả truyền thông. 

 

Xem link tại: https://theleader.vn/truyen-thong-tiep-thi-kieu-nha-ngheo-1590057446073.htm

Tanca