Ngày cập nhật 2024-12-22 05:54:50

[Báo Kinh tế & Đô thị] Ứng dụng di động xanh “ăn nên, làm ra”

Kinhtedothi - Nền tảng quản lý nguồn nhân lực trực tuyến thông qua công nghệ nhận dạng khuôn mặt AI bằng các thiết bị di động hoặc camera quan sát của Trần Viết Quân – CEO Công ty CP Ứng dụng di động xanh (Tacnca) đang là giải pháp quản lý hiệu quả giúp DN đảm bảo sự an toàn của nhân viên trong thời Covid-19.

Hỗ trợ DN chuyển đổi số

Trần Viết Quân vốn là một cử nhân ngành Báo chí (trường Đại học Khoa học xã hội nhân văn TP Hồ Chí Minh), nhưng lại sớm thành công ở lĩnh vực công nghệ. Chia sẻ về cơ duyên này, anh cho biết: Trong khoảng thời gian làm truyền thông ở FPT, tôi thường phải đến các phòng ban trong công ty để lấy thông tin viết bài, trong những lần đó tôi đã học lỏm được nhiều kiến thức về công nghệ.

Trần Viết Quân - Giám đốc Công ty CP Ứng dụng di động xanh.


Vốn cũng là một người mê công nghệ từ nhỏ, nên tôi nhanh chóng thuộc bài cơ bản và đầu tư học thêm về công nghệ. Trong một lần trò chuyện với một người bạn kinh doanh quán cà phê, nghe người bạn đó chia sẻ về khó khăn trong việc quản lý nhân viên, chấm công hàng ngày, tôi nhận ra đây thực sự là một khoảng trống cần khai thác.

“Ngay sau đó, tôi đã có ý tưởng sẽ xây dựng một phần mềm giải quyết những bất cập trong quản lý nhân sự cho DN” – Quân cho hay.

Và năm 2018, Tanca.io ra đời với việc ứng dụng nhiều công nghệ mới của cuộc cách mạng 4.0 như: IOT, AI và Cloud. Công nghệ nhận dạng khuôn mặt AI được áp dụng cho điện thoại thông minh, máy tính bảng và máy ảnh. Theo đó, một nhân viên có thể sử dụng điện thoại của họ để chấm công qua GPS và chụp ảnh khuôn mặt.

Ngoài ra, các DN có thể cài đặt ứng dụng Tanca trên bất kỳ thiết bị di động nào, chẳng hạn như máy tính bảng trước cửa của công ty. Khi nhân viên vào văn phòng, họ có thể đăng ký qua thiết bị này mà không cần chạm vào thiết bị. Công nghệ nhận dạng khuôn mặt cũng được nhóm Tanca tích hợp trên camera quan sát. Hệ thống sẽ tự động xác định nhân viên khi ra, vào và tự động thông báo qua điện thoại di động cho nhân viên.

Theo tính toán của CEO Tanca, các giải pháp chấm công điện thoại, tính lương tự động, quản lý hiệu suất công ty hay số hóa giấy tờ của DN đã giúp các công ty triển khai Tanca tiết giảm đến 60% nghiệp vụ và cắt giảm đến 70% giấy tờ. Việc chuyển đổi số này sẽ giúp hàng ngàn DN tạo ra các công cụ quản lý, phân tích ngay tức thời với chi phí hợp lý.

Anh nhận định, thị trường trong lĩnh vực này vẫn còn rất lớn, khoảng 40% DN Việt Nam đang sử dụng chấm công vân tay, các DN còn lại sử dụng máy chấm công sổ sách hoặc không có phương pháp chấm công tối ưu.

Giải pháp của Tanca không chỉ giới thiệu một cách mới để thay thế chấm công vân tay mà còn giúp các DN có cách quản lý nhân viên mới. Hiện tại, các công nghệ của Tanca.io chạy trực tuyến, vì vậy giải pháp này giúp nhiều DN quản lý nhân viên của họ trong thời gian thực. Bất cứ lúc nào họ cũng có thể biết tình hình số lượng nhân viên tại công ty và nhân viên cũng có bảng chấm công của họ ngay lập tức.

Chớp thời cơ trong thời Covid-19

CEO Tanca nhận định, dịch Covid-19 đã thúc đẩy các DN chuyển đổi số nhanh hơn vì máy chấm công vân tay có nguy cơ phơi nhiễm, các giải pháp không chạm sẽ hiệu quả hơn và an toàn hơn. Dó đó, là một trong những giải pháp chuyển đổi số cho DN, Tanca đang chủ động chớp lấy thời cơ này để tăng trưởng.

Từ đầu năm tới nay, số lượng khách hàng liên hệ hoặc đặt hàng sử dụng dịch vụ của công ty gia tăng 50%. Nếu như trong năm 2019 Tanca có hơn 200 khách hàng thì nay đã tăng lên hơn 300 khách hàng.

Tanca vẫn sẽ áp dụng những công nghệ mới như chấm công thông qua camera AI, giúp nhân viên vào công ty không cần mất thời gian quét vân tay nữa. Bên cạnh đó, công ty xây dựng một cách thực tuyển dụng mới. Hệ thống sẽ tìm kiếm ứng cử viên phù hợp cho các DN giúp họ giải quyết vấn đề tìm kiếm nhân sự nhanh chóng.

Theo CEO Tanca, dịch Covid-19 là thách thức rất lớn cho nhiều DN, tuy nhiên đây cũng là cơ hội cho các DN truyền thống và các công ty công nghệ. Các DN truyền thống cần đẩy mạnh hơn quá trình tự động hóa quản trị bằng công nghệ mới, trong khi đó các công ty công nghệ sẽ có cơ hội đưa các giải pháp của mình sát hơn với nhu cầu thị trường.

“Xu hướng bây giờ là làm việc từ xa, do đó Tanca đang nâng cấp ứng dụng có phần đào tạo trực tuyến, thi trực tuyến, làm việc, giao việc từ xa. Theo kế hoạch khoảng tháng 6 - 7/2020 ứng dụng sẽ được triển khai” – CEO Tanca bật mí.

 

Với tính ứng dụng của mình, Tanca đã nhận được giải thưởng Nhân tài đất Việt năm 2019. CEO Trần Viết Quân có tham vọng đưa Tanca trở thành nền tảng quản lý nguồn nhân lực hàng đầu tại Việt Nam trong 2 năm tới.

 

Link bài viết: http://m.kinhtedothi.vn/ung-dung-di-dong-xanh-an-nen-lam-ra-377508.html

Tanca