Ngày cập nhật 2024-12-23 08:27:28

(Báo Tuổi Trẻ) Kinh doanh thời đại dịch

TTO - Dịch bệnh do virus corona chủng mới gây ra đã làm đảo lộn rất nhiều kế hoạch kinh doanh. Nhưng cũng có nhiều phương án kinh doanh mới được đưa ra để giải quyết khó khăn và gỡ khó cho xã hội.

Do dịch bệnh, nhiều trung tâm mua sắm, quán ăn, nơi vui chơi ở TP.HCM vắng khách hẳn. Trong ảnh: một thương hiệu lớn ở trung tâm thương mại tại Q.1 giảm giá nhưng vắng khách - Ảnh: BÔNG MAI

 

Đầu tuần, nhiều doanh nghiệp (DN) đã đưa cuộc họp đầu năm thành buổi triển khai kế hoạch phòng chống dịch cúm chủng mới và thay đổi việc kinh doanh.

Bị cuốn vào dịch cúm

Một số DN cho hay bị bất ngờ do đứt nguồn hàng từ Trung Quốc. Đặc biệt là DN sản xuất lo mất nguồn nguyên liệu, sẽ phải dừng sản xuất hoặc bán hàng. 

Ông Nguyễn Đạt, giám đốc chuỗi D.Đ.V, đang tỏ ra khá lo lắng về tình hình kinh doanh do dịch cúm: "Hiện công ty đang cân nhắc nhiều thứ, nhất là hàng hóa sợ không đảm bảo, sợ đứt nguồn hàng, ảnh hưởng đến việc kinh doanh". 

Đại diện hệ thống bán lẻ điện thoại 24h Store cho biết dự trữ dồi dào nhưng thực tế, sản phẩm của các thương hiệu Trung Quốc như Asus, Xiaomi đang bị "đứng" do hàng chưa nhập được, bên phía Trung Quốc cũng chưa làm việc lại.

Trước các cảnh báo nguồn lây virus corona không chỉ qua tiếp xúc mà còn có nguy cơ từ các vật dụng trung gian, một số siêu thị đang phải đầu tư cho nhân viên thu ngân đeo găng tay cao su mỏng. Nhiều nơi trước mắt trang bị các chai gel rửa tay khô để nhân viên chủ động vệ sinh tay liên tục.

Saigon Co.op cho biết đã lưu ý đến trường hợp giao nhận hàng trong các vùng có dịch bệnh. "Các trung tâm phân phối được nhắc nhở phải có giấy phép luân chuyển hàng hóa ở vùng có dịch bệnh. Trung tâm phân phối tập trung kế hoạch đặt hàng, giao hàng tuân thủ các quy định phòng chống dịch, tránh việc lây lan", đại diện Saigon Co.op cho biết.

Nhiều DN tăng ca

Bên cạnh những DN chịu ảnh hưởng tiêu cực, có DN bất ngờ phải tính tăng ca. Thay cho những chương trình khuyến mãi rầm rộ lì xì đầu năm, một DN bán lẻ lớn ở TP.HCM tập trung lo cung ứng hàng để kịp đáp ứng nhu cầu thị trường, rơi vào những nhóm hàng có tác dụng chống cúm.

Bên cạnh khẩu trang, những sản phẩm giúp tăng sức đề kháng của trẻ nhỏ và người già được tập trung để đáp ứng việc nhiều người cùng săn lùng để phòng bệnh, từ mật ong, chanh, sả, gừng đến nhiều loại cao cấp hơn như yến, sâm...

Giám đốc một công ty sản xuất yến cho biết ngay ngày khai trương mùng 10 đầu năm, phòng kinh doanh báo về đơn hàng dồn dập, yêu cầu giao sớm. "Chúng tôi tưởng sẽ khai trương đầu năm lấy hên nhưng giờ phải sản xuất thật. Nhân viên đầu năm phải tăng ca", vị này chia sẻ.

Trên sàn thương mại điện tử, tình hình cũng tương tự, đặt hàng nhiều mặt hàng tăng mạnh. Đặc biệt, theo thống kê từ một số sàn thương mại điện tử lớn tính từ ngày 23-1 đến nay, lượng khẩu trang bán ra trên kênh online tăng đến 800%, nước rửa tay tăng trên 1.000%, trong nhiều thời điểm hàng vừa được đưa lên thì 30 phút sau đã được đặt mua hết.

Sức mua tăng nóng này cũng đảo lộn kế hoạch khuyến mãi sau tết của các sàn. Các chương trình khuyến mãi tết nhanh chóng "xìu", nhường chỗ cho các hình ảnh tìm kiếm liên quan đến khẩu trang, nước rửa tay, sản phẩm bảo vệ sức khỏe. Nhiều sàn phải chủ động hợp tác với một số DN để đảm bảo nguồn hàng.

Chuyển đổi, chiều khách hơn 

Trong khi đó, chị Hoài Trang - quản lý cửa hàng thực phẩm tại quận 1, TP.HCM - cho hay phải dừng kế hoạch mở rộng kinh doanh để xem xét tình hình dịch bệnh sắp tới. Người tiêu dùng hạn chế đi mua sắm, DN phải đẩy mạnh bán hàng qua các kênh gián tiếp như mạng xã hội, website, thậm chí điện thoại tư vấn cho khách hàng để họ không phải đến cửa hàng rồi sau đó nhân viên hoặc đơn vị vận chuyển sẽ giao đến tận nhà cho khách.

Nông dân trồng thanh long kêu cứu, theo ông Hoàng Hải - chủ tịch HĐQT Tập đoàn An Nông, công ty này đang đẩy mạnh hợp tác với các đơn vị trong và ngoài nước để làm ra các sản phẩm chế biến sâu từ trái thanh long như nước ép và thanh long sấy. Cụ thể, sẽ đẩy nhanh nghiên cứu ép và ủ thanh long bằng công nghệ enzyme ra nước ép nguyên chất đóng chai xuất khẩu, hạt thanh long được thu hồi để ép dầu và chế biến các loại bánh cho người ăn kiêng.

Ông Nguyễn Đình Tùng, tổng giám đốc Công ty cổ phần Vina T&T, cho hay ngay từ mùng 6 âm lịch, công ty đã chủ động giảm giá bán thanh long ruột đỏ sang Mỹ để kích thích tiêu thụ. Nhờ vậy, lượng hàng xuất khẩu đã tăng 4 lần, từ 20 container đã nhảy lên 80 container xuất đi từ sau tết đến nay.

Chia sẻ với người nông dân, ông Tùng cho biết với những mặt hàng có thể đông lạnh được, công ty cũng đẩy mạnh thu mua để cấp đông như sầu riêng và mít. "Thanh long và dưa hấu tươi chúng tôi triển khai chương trình bán không lợi nhuận tại các cửa hàng của công ty nhằm tiêu thụ được lượng hàng nhiều nhất. Hi vọng với việc Bộ NN&PTNT vào cuộc cùng các DN khác, các loại trái cây tươi của người nông dân sẽ được tiêu thụ kịp thời", ông Tùng nói.

Bà Nguyễn Thị Khánh, phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP, cho biết phần lớn các DN lữ hành, du lịch ở TP.HCM là DN vừa và nhỏ, trong đó có những DN chỉ phát triển 1-2 thị trường để tập trung chất lượng. "Các DN nhìn thấy sự cần thiết việc đa dạng hóa thị trường và quay lại phát triển thị trường nội địa, chăm sóc khách trong nước tốt hơn", bà Khánh nói.

Ông Trần Thế Dũng, phó tổng giám đốc Công ty du lịch Thế Hệ Trẻ, cho biết dịch bệnh bùng phát gây thiệt hại nặng nề cho DN. 

"Trong cái rủi có cái may, có thể xem đây là cơ hội để chấn chỉnh, sàng lọc lại thị trường. Trước đây, nhiều địa phương quá hào hứng đón khách Trung Quốc mà bỏ qua chất lượng, khách từ các nước khác cũng lảng tránh những điểm đến này, không còn tha thiết đến VN nữa. Trong khi nguồn khách trong nước của thị trường hơn 90 triệu dân luôn rất tiềm năng", ông Dũng nói.

"Nóng" dịch vụ giúp hạn chế tiếp xúc

Đang có nhu cầu xét nghiệm, chị Thu Vân (quận 2, TP.HCM) đã tìm đến với dịch vụ xét nghiệm tại gia. "Trước giờ tôi thường đến bệnh viện để làm xét nghiệm nhưng với tình hình virus corona hiện nay, tôi không muốn đến", chị Vân nói.

Ông Vũ Thanh Long, tổng giám đốc eDoctor, cho biết lượng người dùng tìm đến dịch vụ của công ty bỗng tăng mạnh từ đầu năm nay, nhất là khi nhiều người đi săn lùng khẩu trang nhằm tránh virus corona.

"Rất đông khách hàng gọi đến tổng đài, ứng dụng di động và đặt dịch vụ xét nghiệm tại nhà của chúng tôi", ông Long chia sẻ và cho hay vừa phải thay đổi hình thức chấm công mới, ngừng chấm công qua máy quét vân tay và chuyển sang dùng toàn bộ chấm công bằng điện thoại để hạn chế tiếp xúc tay nhân viên.

Ông Trần Viết Quân, nhà sáng lập ứng dụng Tanca.io - cung cấp giải pháp chấm công qua điện thoại, xác nhận số lượng khách hàng liên hệ tăng mạnh.

Nhiều ngành sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực

Trong báo cáo đánh giá tác động của virus corona chủng mới đến các nhóm ngành vừa công bố, Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) dự báo 9 nhóm ngành bị ảnh hưởng tiêu cực của virus corona gồm: dệt may, bán lẻ, thủy sản, bia, dầu khí, chứng khoán, cảng biển & vận chuyển, dịch vụ sân bay, hàng không.

Về hàng không, theo SSI, các hãng hàng không có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực từ virus corona vì nhu cầu đi du lịch giảm, đặc biệt là du lịch liên quan đến Trung Quốc. Dịch vụ sân bay liên quan đến hàng hóa và hành khách sẽ bị ảnh hưởng theo. Hành khách từ Trung Quốc chiếm khoảng 40% tổng số lượt khách của Việt Nam trong năm 2019. Con số này sẽ giảm mạnh trong ngắn hạn. Các hoạt động vận chuyển hàng hóa liên quan đến Trung Quốc cũng sẽ giảm.

Với ngành bán lẻ, SSI dự báo lượt khách mua sắm tại các cửa hàng sẽ giảm do người tiêu dùng hạn chế đến những nơi công cộng. Mặt khác, tiêu dùng sẽ chuyển hướng sang các sản phẩm bảo vệ sức khỏe.

Đặc biệt, ngành bia sẽ bị tác động kép: khi tác động tiêu cực từ nghị định 100 vẫn mạnh, người tiêu dùng lại tránh đến những nơi công cộng, giảm tụ tập do lo dịch nên nhu cầu tiêu dùng bia sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề.

Á.HỒNG

Tăng liên kết với thương mại điện tử

Đại diện hệ thống siêu thị MM Mega Market VN khẳng định hiện phần lớn khách hàng chọn đặt hàng qua email, điện thoại và giao hàng tận nơi. Vì vậy, hệ thống này cũng đang đầu tư chăm sóc mạnh kênh bán hàng trên.

Trong khi đó, một số hệ thống siêu thị đẩy mạnh hợp tác với các trang bán hàng online như tiki, shopee, lazada... và hỗ trợ người tiêu dùng bằng các hình thức khuyến mãi từ 20-25% trong suốt tháng 2, sau đó có thể còn tiếp tục.

Ông Nguyễn Ngọc An - tổng giám đốc Vissan - cũng công nhận đã phải xác định đẩy mạnh liên kết với nhiều đơn vị để kinh doanh online để khách hàng dễ tiếp cận, thay vì chỉ tập trung bán lẻ. Hầu hết các sản phẩm chế biến sẽ "lên mạng".

N.TRÍ

Link: https://tuoitre.vn/kinh-doanh-thoi-dai-dich-20200205082847645.htm

Tanca