Date de mise à jour 2024-11-21 21:48:58

[Báo Thanh Niên] Mô hình 'không tiếp xúc' ăn nên làm ra trong thời điểm dịch Covid-19

Trở thành 'điểm sáng' được nhiều người quan tâm trong thời điểm dịch Covid-19 có thể nói đến cộng đồng khởi nghiệp trẻ phát triển mạng lưới trực tuyến.

Nhờ sản phẩm trực tuyến nên cộng đồng khởi nghiệp Việt may mắn tìm được lối ra trong mùa dịch Covid-19 - Phạm Hữu

Do việc ngại tiếp xúc nơi công cộng nên nhiều người dân muốn mua sắm đã tìm đến các mô hình “không tiếp xúc” như một giải pháp để phòng dịch Covid-19 hiệu quả.

Được quan tâm vì sản phẩm trực tuyến

Là người sáng lập ứng dụng Tanca, chấm công trực tuyến, anh Trần Việt Quân (36 tuổi) cho biết trong mùa dịch Covid-19, số lượng đăng ký ứng dụng bỗng dưng tăng mạnh. Có rất nhiều doanh nghiệp đã liên hệ với anh để tư vấn cũng như sử dụng dịch vụ. Số khách hàng tăng cao và số lượng khách hiện tại của Tanca chuyển sang chấm công di động cũng từ đó tăng theo. Lý do là máy chấm công vân tay được dùng chung nên không an toàn. Khi sử dụng chấm công trên điện thoại, mỗi nhân viên sẽ chấm công trên máy của họ, do vậy sẽ giảm các nguy cơ lây nhiễm từ các thiết bị dùng chung.
“Trong thời dịch bệnh, các doanh nghiệp thường quan tâm vấn đề an toàn cho nhân viên là giải pháp hàng đầu. Sau đó là giảm chi phí thất thoát, lãng phí, tối ưu hóa hiệu suất trong doanh nghiệp để vận hành tốt hơn”, anh Quân nói.
 
Cũng chia sẻ về tình hình mùa dịch, anh Phạm Quốc Hùng (38 tuổi), Chủ tịch HĐQT K12school Edtech Group, đơn vị phát triển chương trình học trực tuyến LIKA, cho biết cho học sinh (HS) nghỉ là một việc làm cần thiết để tránh lây lan dịch trong thời điểm này. Tuy nhiên, đa số phụ huynh có tâm lý lo lắng khi nghỉ thì con sẽ bị quên kiến thức, nên học trực tuyến được quan tâm nhiều vào thời điểm hiện tại. Đối với ứng dụng e-learning LIKA, số lượng HS đăng ký học tăng đột biến mỗi ngày. Lượng truy cập trong 20 ngày đầu tháng 2 đã tăng hàng chục lần so với tháng trước. Nguyên nhân là phụ huynh muốn con mình tránh tiếp xúc trong cộng đồng khi tham gia học trong mùa dịch.
“Lợi thế học trực tuyến của đơn vị là nhờ chương trình học, tương tác trực tuyến giữa giáo viên, HS, phụ huynh và giữa các HS trong nhóm, lớp với nhau. Do đó, chương trình có tính lan tỏa mạnh, nhiều trường, giáo viên, phụ huynh HS chủ động tìm hiểu”, anh Hùng nói.
Còn anh Brad Nguyễn (38 tuổi), Giám đốc của JoiEdu, chia sẻ việc học trực tuyến rất phổ biến trên thế giới và cả VN nhưng phần lớn chương trình học trực tuyến đều dành cho sinh viên và người đi làm muốn học thêm, hoặc những nhóm HS học tại nhà. Đến thời điểm dịch bệnh, các chương trình học trực tuyến dành cho HS phổ thông bỗng nhiên nở rộ và tạo được sự chú ý của phụ huynh và các trường hơn.

Trong khó khăn có cơ hội

“Đối với các công ty khởi nghiệp sáng tạo, đặc biệt là khởi nghiệp lĩnh vực phát triển phần mềm cho doanh nghiệp thì đây cũng là một cơ hội tốt để tăng trưởng. Thứ nhất, các doanh nghiệp Việt tìm kiếm các phần mềm để chuyển đổi số. Thứ hai là trong thời kỳ dịch bệnh thì dịch vụ trực tuyến, làm việc từ xa, học tập từ xa… được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để tối ưu hóa hiệu suất và đặc biệt là cắt giảm lãng phí. Các doanh nghiệp khởi nghiệp cung cấp các dịch vụ này sẽ có lợi thế khi nhu cầu thị trường tăng lên, đây là một trong những cơ hội để tăng trưởng”, anh Trần Việt Quân phân tích.
Về khởi nghiệp trong giai đoạn này, anh Quân cho rằng sẽ rất thách thức vì nhiều yếu tố bất lợi xuất hiện trong mùa dịch. Đầu tiên phải kể đến kinh tế toàn cầu có nguy cơ suy thoái, do vậy các quỹ đầu tư sẽ không đầu tư nhiều vào các sáng kiến, đặc biệt ở những cộng đồng khởi nghiệp trẻ có mức độ rủi ro cao hoặc chưa chứng minh được mô hình kinh doanh hiệu quả. Về mặt thị trường cũng không thuận lợi khi nguồn cung giảm sút trong khi nhu cầu của khách hàng nhiều lĩnh vực cũng giảm theo.
Theo quan điểm của anh Quân, nếu các lĩnh vực khởi nghiệp phục vụ tốt cho nhu cầu trong thời điểm dịch thì mới nên triển khai, mở rộng. Các lĩnh vực gặp bất lợi thì nên tạm dừng hoặc chờ cơ hội tốt hơn.
Còn anh Phạm Quốc Hùng chia sẻ nhiều trường, nhất là các trường tư thục cũng tự triển khai các tiết học, giao bài qua mạng. Việc “nở rộ” phong trào học trực tuyến dịp này là cần thiết, kịp thời, đúng xu thế, tuy nhiên cũng không tránh khỏi bất cập. Trong đó, quan ngại nhất là việc người dùng dễ bị đánh đồng giữa “công cụ” học trực tuyến và một giải pháp giáo dục trực tuyến đúng nghĩa.
“Dịch bệnh đương nhiên là thảm họa không ai mong muốn, nhưng đối với giáo dục công nghệ đây chính là dịp tiếp cận rất tốt tới người dùng. Những sản phẩm chất lượng, đem lại hiệu quả và tiến bộ từng ngày cho HS sẽ được khẳng định và tìm được chỗ đứng trong thời điểm khó khăn”, anh Hùng nói.
 
Tanca

Meilleurs articles